Tuyển dụng giảng viên: Cuộc đua quyết liệt

GD&TĐ - Nhiều trường đại học thông báo tuyển giảng viên, nghiên cứu viên với số lượng lớn. 

Sinh viên Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: Lê Nam
Sinh viên Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: Lê Nam

Để thu hút nhân sự trình độ cao, các cơ sở đào tạo đưa ra những chính sách, chế độ đãi ngộ hấp dẫn.

Ưu tiên trình độ cao

Cuối tháng 10, Trường Đại học Tôn Đức Thắng ra thông báo về việc tuyển dụng nhân sự đợt 3 năm 2024 ở cả 3 khối giảng dạy, nghiên cứu và hành chính. Trong đó, khối giảng dạy cần tuyển hơn 80 giảng viên, được phân bổ cho hầu hết khoa, phân hiệu và các trung tâm.

Tiêu chuẩn chung của giảng viên là trình độ từ thạc sĩ trở lên, phù hợp với ngành, chuyên ngành dự tuyển. Nhà trường ưu tiên cho ứng viên có khả năng nghiên cứu khoa học, có kinh nghiệm giảng dạy tại các trường đại học, từng có công bố bài báo quốc tế ISI/Scopus, tốt nghiệp ở nước ngoài.

Tại Đại học Kinh tế TPHCM (UEH), khoản thu nhập tốt cũng là một “điểm cộng” trong việc thu hút nhân tài. Tổng thu nhập ở trường bao gồm lương Nhà nước, thu nhập UEH, phụ cấp, phúc lợi, thưởng Tết, thù lao từ hoạt động giảng dạy, nghiên cứu. Tính bình quân theo tháng, giảng viên có trình độ thạc sĩ, thâm niên từ 3 năm trở lên sẽ có thu nhập 30 - 35 triệu đồng. Với giảng viên có bằng tiến sĩ, mức thu nhập này là 35 - 40 triệu đồng; phó giáo sư 55 - 65 triệu đồng; giáo sư 60 - 70 triệu đồng.

Tại Trường Đại học Luật TPHCM, nhà trường cũng thông báo tuyển dụng 60 viên chức trong năm 2024, trong đó riêng chức danh giảng viên cần 41 chỉ tiêu, làm việc tại các khoa: Quản trị, Khoa học cơ bản, Luật Quốc tế, Luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Hành chính - Nhà nước, Luật Hình sự, Ngoại ngữ pháp lý.

Trường Đại học Gia Định (TPHCM) cũng rầm rộ tuyển hàng loạt giảng viên cho các ngành Tâm lý học, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Nhật Bản, Công nghệ tài chính, Công nghệ Truyền thông, Luật Kinh tế, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Truyền thông đa phương tiện… Các vị trí này yêu cầu ứng viên có bằng thạc sĩ trở lên, có ít nhất 2 năm kinh nghiệm trong công tác giảng dạy tại các trường đại học hoặc cao đẳng.

Một số trường đại học chỉ tuyển ứng viên có bằng tiến sĩ trở lên, hoặc nếu ở trình độ thạc sĩ phải tốt nghiệp các trường đại học nước ngoài uy tín. Điển hình như Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, tuyển dụng hơn 30 giảng viên ở nhiều khoa, viện như Công nghệ Điện tử, Thương mại - Du lịch, Tài chính - Kế toán, Quản trị kinh doanh, Công nghệ động lực, Công nghệ Hóa học, Kỹ thuật Xây dựng…

Theo ghi nhận, việc tuyển dụng giảng viên trong giai đoạn này của các trường đại học nhằm bổ sung đội ngũ trong năm học mới, đồng thời “trám chỗ” những giảng viên đến tuổi nghỉ hưu hoặc người mới thôi việc. Một số trường tuyển thêm giảng viên do quy mô đào tạo tăng.

cuoc-dua-quyet-liet-2.jpg
Trường Đại học Công nghệ TPHCM tổ chức lễ đón những nhân sự mới được tuyển dụng trong năm 2024. Ảnh: HUTECH

Tham vọng thu hút nhân tài

Hồi giữa năm 2024, Đại học Quốc gia TPHCM thông tin, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Toán học từ Viện Công nghệ California (Mỹ), Cấn Trần Thành Trung, chàng trai vàng của toán học quốc tế từng đoạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế tại Colombia năm 2013 đã quay về Việt Nam và “đầu quân” vào Đại học Quốc gia TPHCM với mong muốn đóng góp, cống hiến nhiều hơn cho đất nước.

Trước đó, tiến sĩ sinh năm 1995 này nhận học bổng toàn phần của Đại học Duke (Mỹ) và tốt nghiệp thủ khoa ngành Toán của đại học danh tiếng này. TS Trung về nước theo “Chương trình tuyển dụng các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành về công tác tại Đại học Quốc gia TPHCM” (Chương trình VNU350).

Đại học Quốc gia TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ tuyển dụng được 350 nhà khoa học theo Chương trình VNU350. VNU350 đã tổ chức 3 đợt tuyển dụng. Đợt gần nhất, Đại học Quốc gia TPHCM tuyển 63 chỉ tiêu làm việc tại các đơn vị thành viên và trực thuộc:

Trường Đại học Bách khoa 10 chỉ tiêu, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên 11 chỉ tiêu, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn 6 chỉ tiêu, Trường Đại học Quốc tế 5 chỉ tiêu, Trường Đại học Công nghệ Thông tin 12 chỉ tiêu, Trường Đại học Kinh tế - Luật 3 chỉ tiêu, Trường Đại học An Giang 4 chỉ tiêu, Trường Đại học Khoa học Sức khoẻ 4 chỉ tiêu, Viện Môi trường và Tài nguyên 5 chỉ tiêu, Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu cấu trúc Nano và phân tử (INOMAR) 2 chỉ tiêu, Viện Công nghệ Nano 1 chỉ tiêu.

Để tham gia ứng tuyển Chương trình VNU350, ứng viên cần đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn chung như: Trình độ tiến sĩ; có khả năng giảng dạy, nghiên cứu độc lập; có khát vọng, hoài bão, mong muốn đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp phát triển của đất nước và của Đại học Quốc gia TPHCM.

Đối với nhà khoa học trẻ, cần đáp ứng ít nhất 1 trong 4 tiêu chí sau: Có bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí, hội nghị uy tín; Có bằng phát minh, sáng chế đã đăng ký thành công; Có sản phẩm khoa học, công nghệ được chuyển giao; Có hướng nghiên cứu mới, triển vọng, phù hợp với chiến lược phát triển Đại học Quốc gia TPHCM.

Đối với nhà khoa học đầu ngành, cần đáp ứng đủ 5 tiêu chí về kinh nghiệm và năng lực: Đứng đầu nhóm nghiên cứu hoặc trưởng phòng thí nghiệm; chủ trì đề tài, dự án khoa học - công nghệ; có công trình công bố trên các tạp chí khoa học uy tín hoặc sở hữu bằng độc quyền phát minh, sáng chế; có kinh nghiệm giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh; có mối quan hệ, hợp tác trong nước và quốc tế.

Về chính sách đãi ngộ, các nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành tham gia Chương trình VNU350 sẽ được hỗ trợ từ Đại học Quốc gia TPHCM và ưu đãi cụ thể của từng đơn vị tuyển dụng.

Đối với nhà khoa học trẻ xuất sắc, trong 2 năm đầu, họ được cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại C (kinh phí tối đa 200 triệu đồng); năm thứ ba được cấp 1 đề tài loại B (kinh phí tối đa 1 tỷ đồng); năm thứ tư được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 10 tỷ đồng. Năm thứ năm, họ được hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục, quy trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư cấp Nhà nước.

Đối với các nhà khoa học đầu ngành, trong thời gian 2 năm đầu sẽ được cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại B với kinh phí tối đa 1 tỷ đồng. Các năm tiếp theo, các nhà khoa học được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 30 tỷ đồng; được hỗ trợ thành lập nhóm nghiên cứu mạnh; hỗ trợ đăng ký chủ trì đề tài các cấp.

cuoc-dua-quyet-liet-1.jpg
Giảng viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) làm việc trong phòng thí nghiệm. Ảnh: HCMUT

Đẩy mạnh chính sách đãi ngộ

Với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu và quản lý, hướng tới sự phát triển bền vững, thực chất và phù hợp chuẩn mực quốc tế, các cơ sở giáo dục đại học “tung” ra chính sách thu hút nhân tài.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng có nhiều chính sách thu hút 2 nhóm nhân sự liên quan trực tiếp đến công tác giảng dạy và nghiên cứu: Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thuộc các ngành phù hợp với nhu cầu đào tạo của trường; chuyên gia, nhà khoa học có trình độ tiến sĩ trở lên có khả năng nghiên cứu khoa học. Ngoài thu nhập và các chế độ theo quy định hiện hành của trường, những người thuộc nhóm trên, sau khi tuyển dụng được hưởng thêm ưu đãi khác.

Trong đó, các giáo sư, phó giáo sư, chuyên gia, nhà khoa học uy tín được ưu tiên xem xét bố trí phòng làm việc, hỗ trợ chỗ ở tại nhà công vụ của trường; được hưởng phụ cấp tăng thêm lên đến 30 triệu đồng/tháng đối với giáo sư, 20 triệu đồng/tháng đối với phó giáo sư và 10 triệu đồng/tháng đối với tiến sĩ, liên tục trong 24 tháng kể từ ngày công tác.

Chuyên gia, nhà khoa học là nghiên cứu viên, trợ lý nghiên cứu viên cơ hữu của trường được hưởng phụ cấp học hàm, học vị với mức 8 triệu đồng/tháng đối với giáo sư, 6 triệu đồng/tháng đối với phó giáo sư và 3,5 triệu đồng/tháng đối với tiến sĩ.

Trường Đại học Tài chính - Marketing cũng có chính sách hỗ trợ, thu hút đối với những giảng viên có trình độ tiến sĩ hoặc có chức danh giáo sư, phó giáo sư trong năm 2024. PGS.TS Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing cho biết, để thu hút nâng cao trình độ, trường đã chi lớn để khuyến khích giảng viên của trường nâng cao trình độ và thu hút giảng viên mới.

Nhà trường khuyến khích người có chức danh giáo sư dưới 50 tuổi là 500 triệu đồng, từ 50 đến 55 tuổi là 400 triệu đồng. Người có chức danh phó giáo sư có độ tuổi dưới 50 là 300 triệu đồng, từ trên 50 tuổi đến dưới 55 tuổi là 200 triệu đồng. Đối với tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài, mức hỗ trợ một lần là 100 triệu đồng và tiến sĩ tốt nghiệp trong nước là 60 triệu đồng (không phân biệt độ tuổi).

Với Trường Đại học Công Thương TPHCM, nhu cầu tuyển dụng giảng viên thường xuyên, quanh năm. Đặc biệt, nhà trường tập trung thu hút giảng viên trình độ cao công tác tại 3 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, Kinh doanh - Quản lý và Dịch vụ - Du lịch.

TS Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, nhà trường luôn có các chính sách thu hút, ưu đãi người tài trong việc tuyển dụng. Các chế độ, chính sách đãi ngộ của nhà trường trong năm 2024 cũng tăng mạnh so với 2023.

Cụ thể, mức hỗ trợ chế độ đãi ngộ ban đầu khi giảng viên nhận công tác tăng từ 75 triệu đồng (áp dụng năm 2023) lên 100 triệu đồng (áp dụng cho năm 2024) dành cho giảng viên có trình độ tiến sĩ; từ 100 triệu đồng lên 150 triệu đồng với phó giáo sư; từ 150 triệu đồng lên 200 triệu đồng với giáo sư. Các khoản thu nhập hằng tháng của giảng viên cũng có hệ số, thu nhập tăng thêm dựa theo trình độ.

“Tổng thu nhập giảng viên mới với trình độ tiến sĩ khi về trường là hơn 30 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất cho giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học. Giảng viên có bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín thuộc danh mục ISI, Scopus ở phân hạng cao đều có thưởng. Những giảng viên có thế mạnh về nghiên cứu, viết bài báo khoa học có thể được bố trí giảm định mức giờ dạy tiêu chuẩn”, TS Thái Doãn Thanh cho hay.

Khi công bố Chương trình VNU350, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, sẽ có 3 nhân tố quan trọng để thu hút các nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành tới làm việc tại Đại học Quốc gia TPHCM: Không gian tự chủ, sáng tạo hay nói cách khác là sự trao quyền; không gian đóng góp, cống hiến; không gian phát triển và thăng tiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Barca vẫn chưa thể đăng ký Dani Olmo và Pau Víctor.

Barcelona được La Liga báo tin vui

GD&TĐ - Barcelona được La Liga 'bật đèn xanh' để hoạt động tài chính bình thường, qua đó có cơ hội đăng ký Dani Olmo và Pau Víctor.

Minh họa/INT

Nhà ở xã hội khởi sắc?

GD&TĐ - Báo cáo tổng kết công tác năm 2024 của Bộ Xây dựng cho thấy, chỉ có khoảng 21 nghìn căn được xây dựng, tương đương hơn 16% kế hoạch.