Tổng thống Gurbanguly Berdymukhamedov cho rằng, hố khí gas Darvaza giữa sa mạc Karakum của Turkmenistan cần được đóng lại nhằm ngăn rủi ro về môi trường và sức khỏe người dân, ngoài ra dập tắt ngọn lửa tồn tại hàng chục năm qua ở địa điểm được mệnh danh là “Cổng địa ngục” sẽ cải thiện sản lượng xuất khẩu khí đốt quốc gia.
“Turkmenistan đang đánh mất các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá mà chúng ta có thể thu được lợi nhuận đáng kể và sử dụng chúng để cải thiện cuộc sống của người dân” - Tổng thống Berdymukhamedov nhấn mạnh và yêu cầu quan chức chính phủ nghiên cứu, đề xuất giải pháp dập lửa.
“Cổng địa ngục” là một lỗ lớn trên sa mạc rộng khoảng 70 mét và sâu ít nhất 20 mét. Theo AFP, quá trình đào hố bắt đầu vào năm 1971 trong một hoạt động khoan của Liên Xô để khai thác khí. (Turkmenistan là một quốc gia thuộc Liên Xô cũ).
Thảm họa xảy đến khi mặt đất bên dưới giàn khoan bị sạt lở và giàn khoan rơi xuống một hang chứa khí đốt tự nhiên. Trước tình hình khí mêtan độc hại rò rỉ vào không khí, các nhà địa chất quyết định đốt cháy miệng hố Darvaza, ước tính rằng khí trong đó sẽ chỉ cháy trong vài tuần.
Tuy nhiên, 5 thập kỷ trôi qua, “Cổng địa ngục” vẫn rực sáng và thậm chí đã trở thành một trong những điểm du lịch hàng đầu của Turkmenistan. Tổng thống Turkmenistan hồi năm 2018 đặt lại tên chính thức cho địa điểm này là “Ánh sáng Karakum” thay cho biệt danh “Cổng địa ngục”, nhằm cải thiện hình ảnh của hố khí gas Darvaza.
Chiếc hố khổng lồ rực lửa đã trở nên nổi tiếng trên Internet vào năm 2019, khi Tổng thống Berdymukhamedov công bố một video quay cảnh ông lái xe qua sa mạc gần hố trong một chiếc xe địa hình, biểu diễn kỹ thuật lái donut.
Lý do Tổng thống Berdymukhamedov muốn dập tắt địa điểm du lịch nổi tiếng này vẫn chưa được làm rõ, nhưng những lo ngại về kinh tế của ông có thể là một phần của câu trả lời.
Theo Vice.com, Turkmenistan nằm trên kho dự trữ khí đốt tự nhiên lớn thứ tư trên thế giới và nền kinh tế của đất nước chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu khí đốt.
Tổng thống Berdymukhamedov trước đây đã từng ra lệnh cho các chuyên gia dập tắt Cổng địa ngục vào năm 2010, nhưng nỗ lực đó đã không thành công.