Túi giấy chống nước thay túi nilon

GD&TĐ - TS Cao Văn Sơn và các cộng sự đã nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất giấy làm túi đựng hàng tiêu dùng.

Túi giấy do nhóm nghiên cứu sản xuất.
Túi giấy do nhóm nghiên cứu sản xuất.

Túi giấy có khả năng chống thấm nước, tái sử dụng được sản xuất hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên, có khả năng phân hủy cao là sản phẩm của các nhà khoa học Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô (Bộ Công Thương).

Túi giấy dễ phân hủy

TS Cao Văn Sơn và các cộng sự thuộc Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô (Bộ Công Thương) đã nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất giấy làm túi đựng hàng tiêu dùng.

Theo TS Cao Văn Sơn, ở Việt Nam các túi đựng hàng tiêu dùng chủ yếu được sản xuất từ PE (polyethylene), PS (polystyrene), PP (polypropylen), PVC (polyvinylchloride) và các sản phẩm giấy.

Các túi làm từ PE, PS, PP và PVC có nhiều ưu điểm như: Giá rẻ, mỏng, nhẹ, chống thấm nước tốt, độ bền cao. Mặc dù vậy, các loại túi này rất khó phân hủy, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường sống. Nếu xử lý bằng cách đốt cũng gây ra nhiều bất tiện, tạo ra các loại khí độc hại.

Để giảm thiểu tác động tiêu cực, các sản phẩm dùng một lần, túi đựng hàng hóa đang dần có những thay đổi theo hướng: Sử dụng sản phẩm xanh, có khả năng tái chế cao, dễ phân hủy, thân thiện với môi trường. Một trong các hướng được lựa chọn thay thế là các sản phẩm từ giấy.

Trước thực tế này, mục tiêu của nhóm nghiên cứu là tạo ra sản phẩm mới có chất lượng cao, thân thiện với môi trường, được sản xuất và thương mại hóa bởi thị trường trong nước thay thế các loại túi nilon.

Sau 2 năm thực hiện, nhóm hoàn thiện quy trình công nghệ; thiết kế, lắp đặt và vận hành dây chuyền sản xuất giấy làm túi công suất 3 tấn/ngày, cung cấp cho thị trường trong nước.

TS Cao Văn Sơn cho biết, nhóm đã nghiên cứu xác lập các thông số công nghệ công đoạn chuẩn bị bột giấy; xác lập các thông số trong công đoạn ép, sấy; hoàn thiện dây chuyền sản xuất giấy, công suất 3 tấn/ngày; sản xuất thành công hơn 2 tấn giấy làm túi đựng hàng tiêu dùng.

Kết quả cho thấy, chất lượng giấy làm túi đựng hàng tiêu dùng đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của dự án đề ra. Chỉ tiêu về cơ lý của giấy như chiều dài đứt, độ bền xé đạt theo mục tiêu đặt ra, khả năng chống thấm đạt yêu cầu.

Trong quá trình chế tạo thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã thực hiện công tác đánh giá chất lượng nước thải tại điểm trước khi vào hệ thống xử lý (hố thu gom) và điểm xả thải.

Mẫu nước thải được phân tích tại Trung tâm Khoa học và Môi trường - Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô. Kết quả cho thấy, nước thải được thải ra có lưu lượng thấp, không phát mùi đặc trưng, các chỉ số về môi trường sau khi qua hệ thống xử lý trước khi thải ra môi trường hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của Bộ TN&MT.

Túi giấy chống nước

TS Cao Văn Sơn cho biết, sản phẩm sản xuất thử nghiệm đạt các tiêu chuẩn đặt ra, hình thức đẹp, chất lượng giấy tốt. Túi có chiều dài đứt theo chiều dọc 7.386m, theo chiều ngang 3.274m; chỉ số xé theo chiều dọc 11,4 m.Nm2/g, theo chiều ngang 12,6 m.Nm2/g; chỉ số bục 3,2 kPa.m2/g; độ hút nước Cobb60 27 g/m2. Sản phẩm đảm bảo chất lượng ổn định, có khả năng tiêu thụ trên thị trường, thay thế hoàn toàn các loại túi nilon đựng hàng hiện nay.

Điều đặc biệt là từ quy trình công nghệ đến vận hành kỹ thuật, công nhân trực tiếp vận hành dây chuyền đều là sản phẩm của nhóm nghiên cứu. Việc chủ động toàn bộ dây chuyền là cơ sở để ứng dụng sản xuất ở quy mô lớn trong tương lai.

Theo TS Cao Văn Sơn, sản phẩm giấy làm túi đựng hàng tiêu dùng là một trong những dòng sản phẩm tiềm năng, dự đoán khả năng tăng trưởng nhanh trong những năm tới khi các loại túi nhựa, túi nilon dùng một lần dần được hạn chế và thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Chính vì được làm từ giấy có khả năng tái chế nên dự án đã hạn chế đáng kể lượng khí thải ra môi trường, giúp bảo vệ môi trường xanh, sạch đẹp. Ngoài ra, việc sử dụng túi giấy có thể tái sử dụng giúp cho nhu cầu sử dụng giấy ít hơn nên bảo tồn rừng tự nhiên và hạn chế tình trạng chặt phá rừng tràn lan.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển sản phẩm trong thời gian tới, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô sẽ ký hợp đồng với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm; đồng thời liên hệ với các đơn vị liên kết chuyên kinh doanh về hóa chất ngành giấy để đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, hướng tới xuất khẩu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ