Cũng như bao cô gái khác, tôi kết hôn và sống ở nhà chồng, nhưng điều ấy chẳng khiến tôi buồn phiền vì mẹ chồng rất tốt tính. Bà nói nhiều, lại hay nhắc nhở những thứ nhỏ nhặt nhưng tôi biết từ trong sâu thẳm, bà thương tôi như con gái ruột.
Tôi cũng đáp lại bằng tình cảm chân thành, kính trọng bà hết mực. Cuộc sống của tôi thực sự êm đềm cho đến khi có sự xuất hiện của một thành viên mới, đó là Ngọc – con gái cô chồng tôi. Vì lời hứa “khi nào Ngọc đỗ đại học thì cứ lên nhà bác ở” nên mẹ chồng tôi rất hào hứng chào đón Ngọc.
Bà gọi tôi xuống, khoe: “Con ơi, từ hôm nay Ngọc sẽ ở nhà mình, con đưa em lên phòng, sắp xếp quần áo vào tủ nhé”. Thấy tôi, Ngọc cười toe toét. Ấn tượng ban đầu của tôi về Ngọc không có gì đặc biệt, bởi trước đó tôi cũng chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc với cô ấy. Bởi thế, khi sống chung một nhà, tôi không thể hình dung mọi thứ sẽ bị xáo trộn đến mức khó chấp nhận.
Điều tôi không hài lòng ở Ngọc là cô ấy hay nói trống không với người lớn trong nhà. Có hôm tôi đang làm thịt kho tàu trong bếp, Ngọc lăng xăng đứng bên cạnh, hỏi đủ thứ: “Làm thế nào để thịt có màu nâu đậm như thế này? Có cần cho nhiều đường không…?”.
Tôi nghĩ có thể mình không hơn Ngọc nhiều tuổi lắm nên cô ấy nói chuyện kiểu đó cho dễ gần, nhưng tôi để ý rất nhiều lần Ngọc cũng nói trống không với mẹ chồng tôi khi bà theo dõi bộ phim dài tập trên tivi: “Ơ, đây là nhân vật chính diện hay phản diện? Thằng này cưới con kia chưa?”. Thấy mẹ chồng vẫn trả lời nhiệt tình, tôi cũng bỏ qua, không chấp Ngọc nữa.
Nhưng càng chung sống lâu với nhau, tôi càng phát hiện thêm nhiều tật xấu nữa của Ngọc. Hôm ấy mẹ chồng và chồng tôi về quê, bà bảo tôi không cần phải xin nghỉ, cứ đi làm bình thường vì việc ở quê không quan trọng lắm. Trưa hôm ấy tôi mời cô bạn đồng nghiệp về nhà ăn cùng cho vui. Vừa nhìn thấy Ngọc, bạn tôi chủ động làm quen: ‘”Chào em! Chị nghe kể về em rồi”. Ngọc cười nhạt, không nói gì. Trong lúc ăn cơm, bạn tôi hồn nhiên buột miệng: “Ui, em có mụn kìa, chị có loại thuốc này hay lắm, bôi vài lần khỏi luôn, tí nữa chị nhắn tên thuốc cho em”.
Trước sự ngạc nhiên đến mức sững sờ của cả tôi và cô bạn, Ngọc vừa ăn vừa chảy nước mắt, nhìn đến tội nghiệp, bạn tôi luống cuống giải thích: “Chị xin lỗi em nhé, chị không có ý gì cả, tại chị coi em như em gái của chị ở nhà nên mới nói thế, em cũng tầm tuổi em gái chị mà…”. Tôi và cô bạn dỗ dành thế nào, Ngọc cũng không chịu nín.
Tôi cảm thấy rất xấu hổ với bạn trước các cư xử quá trẻ con của Ngọc. Nếu Ngọc là em ruột, tôi chẳng những không dỗ dành mà còn mắng cho một trận. Sự “bất thường” trong cách cư xử của Ngọc cũng chưa dừng lại ở đó.
Có hôm tôi phải mang việc về nhà làm, nhưng vừa mở máy tính, tôi phát hiện phần mềm thiết kế đồ họa của mình đã được cài đặt phiên bản mới. Đây là phiên bản không tương thích với các file thiết kế của tôi, nghĩ rằng chồng tự ý cài đặt lại, tôi quay ra trách anh: “Tại sao anh nâng cấp phần mềm mà không hỏi ý kiến em?”. Chồng tôi ngơ ngác: “Ơ? Em nói cái gì đấy? Anh có bao giờ đụng vào máy tính của em đâu”.
Chồng tôi nói cũng phải, tôi và anh đều dùng máy tính riêng vì đặc thù công việc hoàn toàn khác nhau. Lúc này tôi mới nhận ra Ngọc cũng hay mày mò các phần mềm đồ họa, vài lần cô ấy ngỏ ý muốn dùng nhờ máy tính của tôi, tôi cũng vui vẻ đồng ý, nhưng tự động thay đổi phần mềm thì lại là một việc khác, Ngọc đã sai, quá sai rồi. Vì quá bực mình, tôi đi thẳng sang phòng em chồng, gõ cửa, Ngọc bước ra, vẻ mặt ngơ ngác, nhưng vẫn hỏi trống không: “Sao đấy?”.
Cơn tức của tôi càng được dịp bùng lên: “Còn hỏi nữa? Em cài lại phiên bản cũ cho chị đi, chị không quen dùng phiên bản mới”. Ngọc chẳng những không tỏ ra mình đã sai, còn vặn vẹo tôi: “Ơ hay! Phiên bản mới nhiều công cụ hơn, dùng thích hơn nhiều chứ”. Tôi không thể kiềm chế được, giọng đanh thép: “Nó không phù hợp với chị! Em cài lại cho chị!”.
Sau sự việc ấy, tôi càng khó chịu với Ngọc hơn, tôi không hẹp hòi chuyện cho cô ấy dùng nhờ máy tính, nhưng tôi thực sự không thích cô ấy ra vào phòng riêng của 2 vợ chồng. Sống chung một nhà, lại làm chị, tôi vẫn phải nhẫn nhịn. Ngoài việc rửa bát vào buổi tối, Ngọc không đụng tay vào việc nào khác, phòng riêng ngộn rác Ngọc cũng mặc kệ. Có hôm tôi bắt gặp mẹ chồng đang dọn dẹp, quét quáy trong đó, tôi phẫn nộ: “Mẹ phải để em Ngọc tự quét dọn chứ ạ”. Mẹ chồng tôi cười xuề xòa: “Ôi dào, nó còn bận học, mẹ rảnh, quét một tí là xong ấy mà”.
Tôi mạnh mẽ giải thích: “Em nó bận học thì mình cũng bận việc của mình chứ ạ, con nghĩ mình không nên chiều em ấy quá”. Mẹ chồng tôi không nói gì nữa, nhưng về sau bà vẫn giữ thói quen dọn dẹp phòng riêng cho Ngọc. Tôi ức chế đến mức có đêm nằm mơ Ngọc và tôi cãi nhau nảy lửa, tôi vùng dậy, người đầm đìa mồ hôi. Đêm hôm ấy tôi đã nghĩ, ngay sáng hôm sau, tôi sẽ gọi cho mẹ Ngọc rồi nói thẳng: “Cô lên đón em Ngọc về đi ạ, cháu không thể chịu đựng em ấy thêm ngày nào nữa”.
Tôi đã không đủ dũng cảm để làm điều đó, tôi biết nếu mình làm thế, mẹ chồng sẽ chẳng còn mặt mũi nhìn cô chồng tôi nữa. Tất nhiên tôi cũng sẽ “mất điểm” hoàn toàn trong mắt cô chồng. Dẫu sao tôi cũng chỉ là nàng dâu, việc lớn nhỏ trong nhà phải để mẹ chồng quyết định. Nhưng nghĩ đến việc phải chung sống với sự ngang ngược của Ngọc trong ít nhất là khoảng 4 năm tới, tôi lại thấy cuộc sống sao mà khó khăn đến thế.