Tự xỏ lỗ tai, cô gái bị sẹo lồi ở hai tai... như cặp trứng ngỗng

Tự xỏ lỗ tai gây nhiễm trùng, tuy đã điều trị nhiều nơi nhưng vết sẹo ở dái tai ngày càng bị lồi ra to hơn quả trứng ngỗng.

Tự xỏ lỗ tai, cô gái bị sẹo lồi ở hai tai... như cặp trứng ngỗng

Nghe nhiều người khích lệ, phụ nữ phải xỏ lỗ tai để sau này đám cưới còn đeo khoen, nên chị N.T.A. (22 tuổi) đã đi xỏ lỗ tai ở góc chợ gần nhà.

Thế nhưng sau đó, chị A. cảm thấy dái tai bị đau nhức, sưng nhưng nghĩ rằng vừa xỏ lỗ tai xong nên phải đau. Chị không ngờ khi vết thương lành thì hai bên dái tai xuất hiện những sẹo nhỏ. Chị đến một bệnh viện gần nhà để cắt bỏ.

Tuy nhiên sẹo lồi vẫn tái phát và ngày càng to dần. Theo chị A. sẹo ở tai chị chỉ to dần chứ không đau, nhưng vết sẹo khiến chị mất tự tin trong giao tiếp. Chị A. quyết định đến Bệnh viện Tai Mũi Họng, TP.HCM để được các bác sĩ thăm khám kỹ hơn.

Tu xo lo tai, co gai bi seo loi o hai tai... nhu cap trung ngong - Anh 1

Tự ý xỏ lỗ tai, chị A. bị sẹo lồi cả hai bên vành tai.

ThS.BS Nguyễn Anh Tuấn, Phó khoa Tạo hình – Thẩm mỹ của bệnh viện cho biết, vết sẹo lồi của chị A. bị sẹo cả hai bên vành tai, có kích thước khá to. Chân sẹo ở tai trái chiếm 2/3 vành tai, sẹo bên tai phải thì chiếm cả nửa vành tai. Đây là trường hợp khó và rất nan giải cho các phẫu thuật viên khi thực hiện cắt bỏ sẹo.

Tương tự trường hợp của chị A., nhiều bệnh nhân khác đến bệnh viện cũng bị nhiễm trùng gây sẹo lồi to như quả trứng sau khi tự xỏ lỗ tai bằng kim may đồ.

Tu xo lo tai, co gai bi seo loi o hai tai... nhu cap trung ngong - Anh 2

Sẹo lồi gần như bao phủ cả vành tai của chị A.

Theo ThS.BS Tuấn, nhiều trường hợp vì người lớn tự xỏ lỗ tai dẫn đến trẻ bị nhiễm trùng khiến các bé có thể gặp nhiều biến chứng. Tuy sẹo lồi ít gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vết thương có thể gây hoại tử, viêm sụn, co rút, biến dạng lỗ tai gây mất thẩm mỹ cho các bé gái. Từ đó, các bé sẽ mất tự tin khi lớn lên.

Một trong những cách nhận biết nhất khi vết thương bị nhiễm trùng là vùng xỏ lỗ tai sưng tấy, mưng mủ, chảy máu kéo dài, dịch tiết có mùi hôi, nóng sốt,…

Sau đó sẹo lồi có thể xuất hiện, hầu hết những sẹo này đều lành tính nhưng gây ngứa, đau nhức, giật nhẹ, co kéo.

Tu xo lo tai, co gai bi seo loi o hai tai... nhu cap trung ngong - Anh 3

Theo ThS.BS Nguyễn Anh Tuấn, rất nhiều trường hợp xỏ lỗ tai bằng phương pháp dân gian gây biến chứng khiến người bệnh thiếu tự tin trong giao tiếp

ThS.BS Nguyễn Anh Tuấn khuyến cáo: "Nếu muốn xỏ lỗ tai cho các bé, gia đình nên đưa bé đến các cơ sở y tế để bé được xỏ lỗ tai đúng cách. Bên cạnh đó, gia đình cũng nên tuân thủ những hướng dẫn của nhân viên y tế trong việc chăm sóc vết thương sau xỏ lỗ tai để tránh biến chứng sau này

Sau khi xỏ lỗ tai, ngoài chỉ y khoa, tuyệt đối không dùng bất kỳ vật gì để xiên qua nơi đã xỏ. Ngoài ra, không dùng lá cây, tro, kem đánh răng,… bôi vào vết xỏ vì rất dễ bị nhiễm trùng".

Hiện nay, ở bệnh viện sản khoa nào cũng có hỗ trợ xỏ lỗ tai cho các bé. Phụ huynh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và nhờ họ xỏ lỗ tai cho con mình (nếu có nhu cầu).

Tuy nhiên, nếu bé được sinh ra phải dùng kháng sinh do bệnh lý nhiễm trùng hoặc có các vấn đề về sức khỏe như bệnh tim bẩm sinh thì không nên xỏ lỗ tai cho bé trong thời điểm này.

Trẻ từ 2-5 tuổi thì rất dễ gặp các biến chứng sau khi xỏ lỗ tai. Ở độ tuổi này, trẻ đã nhận biết được những cơn đau, ngứa nên thường không ngồi yên để được xỏ lỗ tai. Sau khi xỏ, một số trẻ có thói quen chạm vào dái tai sẽ khiến vết thương lâu lành hơn, tỉ lệ nhiễm trùng cao hơn.

Với trẻ từ 6 tuổi trở lên, tỉ lệ bị sẹo lồi từ vết thương xỏ lỗ tai chiếm cao nhất so với các độ tuổi còn lại. Một phần do cơ địa ở các trẻ, một phần do chế độ ăn tự do của trẻ gây nên. Có nhiều trường hợp, khi đã cắt bỏ sẹo lồi thì sẹo vẫn có thể tái phát lại.

Việc sử dụng các dụng cụ không được diệt khuẩn, thanh trùng, đã qua sử dụng nhiều lần rất nguy hiểm có thể khiến bạn dễ bị các bệnh: viêm gan, uốn ván, nhiễm trùng, nhiễm khuẩn,... Nhiều trường hợp còn gây rách mô, sẹo lồi do cơ địa kém, tổn thương thần kinh, dị ứng…

Tuy nhiên, dù trẻ ở bất kỳ độ tuổi nào thì sau khi được xỏ lỗ tai xong, phụ huynh cũng phải theo dõi vết thương của trẻ. Không dùng những vật khác như tăm, bông gòn, chân nhang,… thậm chí là bông tai để xiên vào vết xỏ kim.

Không bôi vào vết thương những tạp chất như bột lá cây, nước mắm, kem đánh răng, dầu gió,… vì sẽ khiến vết thương dễ bị nhiễm trùng.

Để vệ sinh vết thương sau khi xỏ, phụ huynh chỉ cần rửa vết thương bằng nước muối sinh lý mỗi ngày sau đó vết thương sẽ tự lành. Nếu trẻ có các dấu hiệu như sưng tấy vùng xỏ, mưng mủ, đau nhức, nóng sốt,.. thì nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để kiểm tra lại.

Theo Phụ Nữ TP.HCM

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ