Tử vong mẹ và những nỗi đau còn đó

GD&TĐ - Tỷ lệ tử vong đối với bà mẹ ở nước ta đã giảm một cách đáng kể trong vòng hai thập kỷ qua, từ 233 ca tử vong/100.000 ca (năm 1990) xuống còn 69 ca tử vong/100.000 ca (năm 2009). 

Tử vong mẹ và những nỗi đau còn đó

Số ca tử vong mẹ liên quan đến thai sản cũng giảm 2/3. Đây là tín hiệu mừng bởi nó chứng tỏ phụ nữ được quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, sức khỏe sinh sản. Nhưng tình trạng chênh lệch vùng miền vẫn diễn ra khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh đón con - mất vợ.

Nỗi đau dai dẳng

Cũng như nhiều chuyên ngành khác, tai biến trong sản khoa vẫn chiếm tỷ lệ nhất định trong tổng số các ca sinh nở. Tai biến do nhiều nguyên nhân, từ chủ quan đến khách quan nhưng tựu chung lại là khiến không ít gia đình rơi vào cảnh ly tán, được con - mất vợ.

Trường hợp bị tai biến sản khoa gần đây nhất xảy ra tại Vạn Ninh (Khánh Hòa). Sản phụ N.T.T.H đến Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh sinh con thứ ba. 

Sản phụ được chỉ định đẻ mổ nhưng sau khi bắt con, bác sĩ thông báo người nhà hiến máu gấp do bệnh nhân bị băng huyết. Tuy nhiên, máu chưa kịp truyền thì bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên và tử vong ngay sau đó. 

Theo kết luận của Trung tâm Y tế huyện, sản phụ có tiền sử thừa cân, xét nghiệm thấy protein niệu cao báo hiệu nguy cơ tiền sản giật trong khi đó sản phụ lại chuyển dạ nhanh khiến các cơ tử cung chưa giãn kịp gây rách cổ tử cung. 

Bác sĩ điều trị trực tiếp đã khâu cổ tử cung cho sản phụ H., nhưng thấy máu sản phụ chảy nhiều, nghi có hiện tượng đờ tử cung gây băng huyết sau sinh. Việc xử lý quá khả năng chuyên môn nên đã chuyển bệnh nhân lên tuyến trên nhưng không kịp.

Một trường hợp đau lòng khác diễn ra ở Hậu Giang. Sản phụ tên Hoa (36 tuổi) có dấu hiệu chuyển dạ và được chỉ định sinh thường. Tuy nhiên, gia đình đã yêu cầu sinh mổ do sợ ca chuyển dạ kéo dài khiến sản phụ đuối sức. 

Sau mổ, bệnh nhân được chuyển đến phòng hồi sức. Nhưng hai giờ sau khi mổ, gia đình được thông báo sản phụ nôn và ra nhiều máu phải cấp cứu lần 2 đồng thời chuyển lên tuyến trên. 

Tuy nhiên, sản phụ đã tử vong khi chưa kịp đến bệnh viện. Băng huyết làm đờ tử cung cũng được các bác sĩ tuyến huyện đưa ra để lý giải nguyên nhân tử vong. 

Cũng tại tỉnh này, hồi tháng 4 cũng xảy ra ca tử vong đáng tiếc của sản phụ 27 tuổi vì sốc mất máu nặng liên quan đến băng huyết sau sinh, gây rối loạn đông máu.

Làm sao để hạn chế

Tử vong do bất khả kháng là câu trả lời quen thuộc của bệnh viện với gia đình nạn nhân khi không may xảy ra tai biến sản khoa dẫn đến tử vong. 

Nhìn vào 3 trường hợp trên cho thấy có những ca đã phát hiệu dấu hiệu bất thường nhưng cơ sở y tế tuyến dưới không chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Hoặc mổ cho bệnh nhân nhưng chỉ còn 1 đơn vị máu và phải truyền cầm chừng…

Theo PGS.TS Lưu Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), trường hợp sản phụ được phát hiện có rối loạn đông máu trước khi sinh nên được chuyển sớm lên tuyến trên để tránh biến chứng. 

Bởi cấp cứu các trường hợp bệnh nhân như vậy đòi hỏi hồi sức cấp cứu nhanh, cần đội ngũ hồi sức cấp cứu giỏi, các trang thiết bị phù hợp nên nhiều cơ sở y tế tuyến dưới chưa có đủ. 

Cũng theo bà Hồng, hầu hết bệnh viện tuyến tỉnh đã có khả năng cấp cứu sản khoa trong trường hợp rối loạn đông máu hoặc chảy máu bất thường, tuy nhiên ở miền núi, vùng sâu, vùng xa sản phụ không được xét nghiệm phát hiện hoặc không biết trước tình trạng rối loạn đông máu. 

Một nguy cơ nữa là tình trạng chảy máu trong ca sinh, nếu chảy máu từ 1 lít trở lên trong quá trình sinh do các nguyên nhân thai to, đa thai, từng sinh nhiều con, có tiền sử đẻ băng huyết trong các lần sinh trước... đều có nguy cơ tai biến. Những trường hợp này cần được sớm chuyển tuyến hoặc đề nghị kíp hồi sức giỏi hỗ trợ sớm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.