Cuối tháng 10/2024, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức lễ tốt nghiệp và trao bằng tốt nghiệp đầu tiên của sinh viên y khoa và khóa thứ 2 của sinh viên ngành Y học dự phòng.
Trong số hơn 100 bác sĩ tốt nghiệp, Trần Phạm Thiên Khánh trở thành thủ khoa đầu tiên của ngành Y khoa, trúng tuyển bác sĩ nội trú chuyên ngành nhãn khoa, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Từng hoài nghi về môi trường mới
Thiên Khánh có duyên và dành niềm yêu thích với y khoa ngay từ nhỏ. Những người truyền cảm hứng lớn nhất cho nữ sinh này là ba mẹ, vốn là những bác sĩ. “Khi chỉ mới là học sinh, tôi may mắn được cảm nhận trực tiếp môi trường làm việc tại bệnh viện, nhìn những nét âu lo của người bệnh dần chuyển thành sự nhẹ nhõm, hân hoan khi bệnh chuyển biến tốt, trong lòng xuất hiện một niềm vui khó tả.
Càng lớn, mình dần nhận ra không gì quý bằng sức khỏe, có sức khỏe mới có được sự an yên. Với ước muốn được chăm sóc sức khỏe cho những người mình yêu thương và cộng đồng, tôi đã quyết tâm theo đuổi con đường y khoa”, nữ thủ khoa nói.
Thời điểm Khánh tốt nghiệp THPT năm 2018, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành là ngôi trường đào tạo y khoa mới tại TPHCM, với đội ngũ giảng viên là những giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ đầu ngành, dày dạn kinh nghiệm, cùng cơ sở vật chất chất lượng. Điều này đã khiến nữ sinh chọn những năm thanh xuân của mình theo học ngôi trường này. “Tôi tin rằng tâm huyết của quý thầy cô sẽ được gửi gắm nơi sinh viên, đặc biệt là khóa đầu tiên này”, Khánh chia sẻ.
Đối với sinh viên đại học, đặc biệt là sinh viên ngành y, cách tiếp cận kiến thức hoàn toàn khác so với bậc phổ thông. Chính vì lẽ đó, trong suốt 6 năm học tập, khó khăn lớn nhất đối với nữ thủ khoa là sự thích nghi. Những năm đầu, Khánh đã bị choáng ngợp với khối lượng lớn kiến thức ngay từ các môn học cơ sở. Ngành Y khoa, việc học không chỉ dừng ở lý thuyết tại trường, mà còn đòi hỏi tinh thần tự học cao. Sinh viên phải tự đọc, tự nghiền ngẫm và tìm ra cách học phù hợp cho bản thân.
Từ năm 2, Khánh cùng các bạn trong lớp được thực hành lâm sàng tại bệnh viện. Thời gian đầu, khi tiếp xúc với người bệnh, người nào cũng lóng ngóng chưa quen cách hỏi bệnh, đôi khi còn gặp phải những người bệnh khó tính. Tuy lạ lẫm với cách học mới, nhưng nhờ những lời động viên từ bạn bè và sự hướng dẫn tận tình từ thầy cô, Khánh và bạn bè đã nhanh chóng lấy lại tinh thần, thích nghi với cách học mới.
“Thử thách thứ hai, tuy không trực tiếp nói ra nhưng nhiều sinh viên khóa đầu tiên ít nhiều hoài nghi về một môi trường đào tạo y khoa mới mẻ. Do đó, tôi luôn lấy đó làm động lực để cố gắng học thật nghiêm túc, kỷ luật để dần tạo sự uy tín, xây dựng niềm tin rằng Khoa Y Trường Đại học Nguyễn Tất Thành là môi trường đào tạo y khoa tốt”, Khánh chia sẻ và cho biết, cô cảm thấy biết ơn vì luôn có ba mẹ sẻ chia, luôn có thầy cô động viên và có những người bạn tốt đồng hành trong suốt chặng đường theo đuổi nghề vinh quang mà đầy khó khăn này.
Bí quyết học tập của nữ thủ khoa
Theo Thiên Khánh, điều quan trọng trước khi bắt đầu bất cứ việc gì là sự chuẩn bị và sắp xếp thời gian thật tốt. “Trước khi học điều gì mới, tôi luôn tìm hiểu về mục tiêu học tập, xác định mình cần làm gì để đạt mục tiêu, cần nắm trọng tâm phần nào. Vì kiến thức y học quá rộng, nếu không chọn lọc những phần trọng tâm sẽ dễ bị nản và không nhớ lâu được. Đồng thời, lịch học y khá dày đặc, phải sắp xếp thời gian để thực hiện tốt mục tiêu của mình”, Khánh nói.
Một bí kíp thuộc bài hiệu quả mà nữ thủ khoa đúc kết được sau 6 năm, đó là tìm một nhóm bạn “hợp cạ” học tập, sẵn sàng chia sẻ và giảng cho nhau về những kiến thức bản thân tìm hiểu được. Phương pháp học này không những giúp chia sẻ kiến thức với bạn bè, mà còn giúp cả nhóm ghi nhớ bài học nhanh hơn.
Khánh vừa trúng tuyển bác sĩ nội trú chuyên ngành nhãn khoa, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Chia sẻ về quyết định chọn chuyên khoa mắt, Khánh cho biết bản thân bị cận thị, đồng thời nhận thấy xung quanh có nhiều người thân, bạn bè gặp vấn đề sức khỏe về mắt. Do đó, Khánh đã quyết định theo đuổi chuyên ngành này.
“Sau khi được học về nhãn khoa ở chương trình đại học, tôi may mắn được gặp những người cô, người thầy chuyên khoa mắt giỏi và có tâm. Thầy cô đã truyền lửa cho tôi trên con đường này. Trở ngại trong quá trình ôn thi nội trú là áp lực - kỳ thi là cơ hội chỉ có một lần trong đời. Vậy nên mình tự tạo áp lực phải làm tốt, vì nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội quý báu này”, Khánh kể.
Những người bạn thân của Khánh đều có những hướng đi riêng nên cô ôn thi bác sĩ nội trú một mình. Thật may mắn vì cô luôn có gia đình, thầy cô, những người bạn bên cạnh thấu hiểu và động viên tinh thần.
Mọi sự cố gắng của Thiên Khánh đã được đền đáp khi trong ngày tốt nghiệp, nữ sinh đã đại diện cho hơn 100 tân bác sĩ, cử nhân phát biểu trước toàn trường. “Tấm bằng bác sĩ chính là món quà quý giá nhất gửi tặng đến cha mẹ cho những lo toan, nhọc nhằn trong suốt 6 năm học qua. Lễ tốt nghiệp chỉ là cột mốc khởi đầu cho chặng hành trình suốt đời tận tâm học hỏi, các tân bác sĩ sẽ khoác trên mình chiếc áo blouse trắng và mang trong mình sứ mệnh chữa lành cho mọi người”, Khánh xúc động và bày tỏ sự biết ơn với cha mẹ, thầy cô của mình.
Trong thời gian tới, nữ bác sĩ trẻ tiếp tục dành 3 năm nội trú học chuyên sâu về nhãn khoa, trau dồi thêm ngoại ngữ để từng bước tiếp cận gần hơn với nền y học phát triển của thế giới. Thiên Khánh thích nhất một câu nói, đại ý là “một ngày nào đó, những điều bạn dành tâm huyết và nỗ lực sẽ được đền đáp xứng đáng”. Cô muốn nhắn gửi câu nói tới những bạn trẻ đang nỗ lực trên hành trình của mình.
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành bắt đầu tuyển sinh ngành Y học dự phòng vào năm 2017. Năm 2018, trường tiếp tục tuyển sinh ngành Y khoa và trở thành đơn vị ngoài công lập đầu tiên tại TPHCM được phép đào tạo ngành này. Sau 6 năm đào tạo, có 110 bác sĩ y khoa và 16 bác sĩ y học dự phòng tốt nghiệp.