(GD&TĐ) - 58 bài viết tâm huyết của các nhà quản lý các thời kỳ, các nhà khoa học, giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội đã được gửi tới hội thảo “Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục qua những bức thư của Người được gửi cho ngành giáo dục” tổ chức hôm nay (19/9) tại Hà Nội.
Hội thảo “Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục qua những bức thư của Người được gửi cho ngành Giáo dục. Ảnh: gdtd.vn |
Đây là hoạt động kỉ niệm 45 năm ngày Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho ngành Giáo dục (15/10/1968 – 15/10/2013). Hội thảo mong muốn thông qua các bài tham luận, đọc những bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ngành Giáo dục, nhìn lại quá trình phát triển của giáo dục nước nhà, từ đó suy ngẫm, đề xuất những giải pháp hữu hiệu để thực hiện thành công công cuộc “Đổi mới căn bản và toàn diện nền Giáo dục Việt Nam”.
GS.TSKH.NGND Nguyễn Cương (cựu giáo chức Trường ĐHSP Hà Nội) nhận định: Trong 23 bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho ngành Giáo dục từ năm 1945 đến 1968 đã thể hiện rõ những luận điểm về triết lý giáo dục của Người.
Đó là: Dạy và học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; Học đi đôi với hành, học gắn liền với cuộc sống; Giáo dục và công tác giáo dục có vị trí quan trọng trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, đào tạo nhân tài cho kháng chiến và kiến quốc...
Vận dụng những triết lý đó vào việc đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục nước nhà, GS.Nguyễn Cương cho rằng, cần nhanh chóng xác định Đề án đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục; xác định những quan điểm và phương pháp luận chỉ đạo chung mà theo GS, đó chính là triết lý của giáo dục Việt Nam; rà soát lại mục tiêu, nội dung dạy học ở tất cả các cấp, bậc học; làm cho nội dung dạy học thiết thực hơn với công cuộc xây dựng đất nước hiện nay; thay đổi mạnh mẽ phương pháp đào tạo, phương pháp học tập...
Theo PGS.TS.Nghiêm Đình Vỳ - Viện trưởng Viện KHXH (Trường ĐHSP Hà Nội), thực hiện lời dạy của Bác Hồ qua những bức thư gửi ngành giáo dục trong việc “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cần gắn liền với việc sinh hoạt tư tưởng chính trị, tạo chuyển biến sâu sắc về đạo đức nhà giáo.
Người thầy không những có trách nhiệm giảng dạy ở các bộ môn, chỉ đạo nghiên cứu, thực nghiệm khoa học và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên mà còn có trách nhiệm giáo dục về tư tưởng và đạo đức, chăm lo đến sự phát triển toàn diện của học sinh, sinh viên...
“Người thầy phải yêu mến học sinh, chuyên cần, không màng danh lợi, tự tôn nghiêm khắc với bản thân, cảm hóa học sinh sinh viên bằng sức hút của nhân cách và tri thức, làm người dẫn đường và hướng dẫn cho sự trưởng thành lành mạnh của thế hệ trẻ. Gắn liền với những phẩm chất nói trên là vấn đề năng lực của người giáo viên” - PGS.TS.Nghiêm Đình Vỳ nhấn mạnh.
Hiếu Nguyễn
TIN LIÊN QUAN |
---|