Từ nam sinh 'mất gốc' trở thành á khoa đầu vào Trường ĐH Thuỷ lợi

GD&TĐ - Là học sinh có học lực trung bình, Dương Công Trình bất ngờ bứt phá vươn lên trong học tập trở thành á khoa đầu vào Trường ĐH Thuỷ lợi.

Dương Công Trình đại diện cho tân sinh viên Trường ĐH Thuỷ lợi năm 2024 phát biểu tại Lễ khai giảng năm học 2024-2025. Ảnh Đức Duy.
Dương Công Trình đại diện cho tân sinh viên Trường ĐH Thuỷ lợi năm 2024 phát biểu tại Lễ khai giảng năm học 2024-2025. Ảnh Đức Duy.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Dương Công Trình đạt 27,75 điểm với khối C00 và trở thành á khoa đầu vào ngành Luật kinh tế, Trường ĐH Thuỷ lợi.

Cần xuất phát sớm để tránh bị động

Dương Công Trình dáng người cao mảnh khảnh và có chút kiệm lời khi chia sẻ về hành trình vượt qua chính mình để chinh phục kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như đến với cánh cửa đại học.

Trình tâm sự: “ Đỗ được vào ngành Luật kinh tế, Trường ĐH Thuỷ lợi là dấu mốc đáng nhớ nhất trong suốt thời gian học phổ thông của em, giúp thay đổi cuộc đời, tự tin và bản lĩnh hơn trong hành trình chinh phục ước mơ trở thành luật sư của mình”.

Trước đó, ít ai biết rằng cậu học trò quê ở Bắc Giang từng rất chểnh mảng trong việc học, điểm số luôn xếp gần cuối lớp.

Nhớ lại thời gian học phổ thông, Trình kể lại: “Những năm đầu khi em bước chân vào trường THPT, kết quả học tập của em trong các môn học chỉ đạt ở mức 6,5 điểm, không có thành tích gì nổi bật. Mỗi lần cô giáo trả bài kiểm tra em đã xác định mình trong nhóm thấp điểm nhất lớp, bản tính tự ti, rụt rè càng lớn. Dần dần, em mất tự tin vào chính mình”.

Hai năm lớp 10 và 11, Trình để bản thân trôi nổi, vô định. Lên lớp 12, thấy các bạn bè của mình có định hướng nghề nghiệp, chọn cho mình những lối đi riêng để chinh phục ước mơ.

“Lúc đó, em hiểu ra rằng, mình không thể như vậy. Bên cạnh đó, bố mẹ mặc dù tuổi đã cao nhưng vẫn đi làm công nhân ở khu công nghiệp ngày đêm làm việc, tăng ca để nuôi em ăn học đầy đủ, họ luôn hi vọng em tương lai của em đỡ vất vả mưu sinh. Cũng từ đó, em bắt đầu nhen nhóm ước mơ với cánh cổng trường đại học, ước mơ trở thành luật sư để bố mẹ tự hào”, Trình trải lòng.

Khi biết con trai có định hướng chọn ngành Luật, bố mẹ Trình dẫu khó khăn, vất vả nhưng vẫn luôn động viên, cổ vũ em học để theo đuổi ước mơ.

“Em nhớ mãi những lời động viên của bố, chỉ cần con nên người, dù khổ, khó khăn bố mẹ cũng sẽ tằn tiện, tiết kiệm để con được đi học”, nam á khoa tâm sự và nói thêm, bố mẹ là động lực để em học sau này giúp bố mẹ có cuộc sống tốt hơn.

Công Trình xác định bản thân chỉ có một năm để bứt phá, khắc phục những điểm yếu trong quá trình học tập và chinh phục giấc mơ của mình. Trình bắt đầu thay đổi chiến thuật học, ngoài thời gian học trên lớp, ở bất cứ đâu chỉ cần có thời gian rảnh là em sẽ đọc sách, nghiên cứu tài liệu để học bài hiểu hơn.

Ngoài học ở trường, Trình còn học trực tuyến, tự học, tận dụng tối đa thời gian mình có để học.

Nhờ vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 nam sinh đạt 27,75 điểm khối C00 trở thành á khoa ngành Luật kinh tế, Trường ĐH Thuỷ Lợi.

trinh-1.jpeg
Dương Công Trình (bên trái) cùng anh trai của mình. Ảnh NVCC.

Bí quyết học tốt môn Ngữ Văn

Từ những kinh nghiệm mình đã trải qua, Trình cho rằng muốn quá trình học cuối cấp đỡ áp lực, vào được ngôi trường đại học mình mong muốn người học cần phải chuẩn bị kiến thức, kỹ năng từ sớm. Đồng thời, mỗi người phải xác định rõ cho mình mục tiêu cụ thể để học sao cho hiệu quả.

Bản thân em xuất phát chậm hơn bạn bè, bởi vậy giai đoạn lớp 12 mỗi ngày em ngủ rất ít. Em dành thời bộ thời gian mình có để sắp xếp thời gian biểu học, đặc biệt là ba môn dùng để xét tuyển đại học.

Trong ba môn của tổ hợp C00, Trình chia sẻ áp lực nhất là môn Ngữ văn. Bởi vậy, em luôn ưu tiên dành nhiều thời gian cho môn này đọc sách, báo để tô luyện thêm vốn từ cũng như cách hành văn tốt hơn.

“Bên cạnh đó, em nghĩ bài thi môn Ngữ văn muốn thuyết phục được người chấm bản thân thí sinh phải có chất riêng, cá tính. Em luôn cố gắng diễn đạt các ý một cách mạch lạc và rõ ràng nhất. Đặc biệt, bài thi phải viết ngắn gọn, súc tích, tập trung vào vấn đề được hỏi và tránh lan man, dài dòng.

Quá trình học, em học và hiểu bản chất vấn đề. Trước đó em học văn thường học theo kiểu thuộc lòng nên cảm thấy hiểu.

Gắn bó cùng cựu học sinh trong suốt 3 năm học phổ thông, cô Phùng Thị Nguyệt – giáo viên dạy Văn học Trường THPT Lạng Giang số 1 (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) thừa nhận, bản thân chưa từng gặp học trò nào có quyết tâm cao trong học tập giống Công Trình. Năm lớp 10, 11 học lực của Công Trình ở mức trung bình, nhưng đến năm 12 bắt đầu bứt phá.

Cô Nguyệt chia sẻ: “Theo tôi quan sát, trong các tiết học Công Trình đều chú ý nghe giảng, bài nào không hiểu sẽ hỏi cô ngay và em ấy còn chủ động ghi ra những ý chính để dễ tìm lại bài giảng. Trong giờ ra chơi, thay vì dành thời gian làm việc riêng, Công Trình tập trung ôn tập lại kiến thức, chuẩn bị cho tiết học tiếp theo”.

“Em cũng thường xuyên viết bài ở nhà rồi lên nhờ tôi chữa và chấm điểm nhờ vậy mà học lực được cải thiện rất nhiều, điểm số cao trong kỳ thi vừa qua xứng đáng với sự nỗ lực em ấy”, cô Nguyệt nhấn mạnh thêm..

Với kinh nghiệm 10 năm dạy Ngữ văn, cô Nguyệt cho hay: "Học văn không thể cứ học thuộc. Học văn không chỉ để hiểu, mà còn giúp các em biết phân tích và biết diễn giải những ý của mình.

Đối với những câu đọc hiểu, các em cần trả lời đúng trọng tâm và đủ ý để tránh mất điểm không đáng có. Với phần nghị luận văn học và nghị luận xã hội, các em cần nắm được bố cục để viết đầy đủ nội dung đề yêu cầu. Đặc biệt, khi làm bài thi thí sinh không nên bỏ qua bất kỳ câu hỏi nào".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mùa Xuân trở lại

GD&TĐ -Mùa Xuân trên bản Sịa thường đến muộn cả tháng trời. Khi nơi nơi đang rộn rã đón mùa Xuân và Tết cổ truyền thì bản Sịa vẫn còn ngủ im trong băng giá.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Đường đến thành công

GD&TĐ - Dưới cái nắng như thiêu đốt mặt đất, đôi vợ chồng trẻ mới cưới Zhou Quan và Meng Lu rời khỏi vùng núi hẻo lánh của huyện Hội Ninh, tỉnh Cam Túc.