Tự học tại nhà: Trẻ thiếu kĩ năng hòa nhập cộng đồng

GD&TĐ - Dạy trẻ học tại nhà thay vì đến trường là hình thức giáo dục quen thuộc ở các nước tiên tiến. Tuy nhiên tại Việt Nam, điều này khá xa lạ, gần đây mới được nhắc đến và lập tức trở thành chủ đề nóng gây tranh cãi mấy ngày qua. Báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với TS Tâm lý học Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục Tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) xung quanh vấn đề này.  

Tự học tại nhà: Trẻ thiếu kĩ năng  hòa nhập cộng đồng

Tự học tại nhà là một câu chuyện rất bình thường của nhiều nước tiên tiến trên thế giới, nhưng hiện đang trở thành nhu cầu của không ít bậc phụ huynh tại Việt Nam. Theo bà, hình thức GD này hiện có phù hợp với Việt Nam hay không?

Thực ra tự học tại nhà có hẳn một thuật ngữ trong GD Mỹ: Homeschool. Tuy vậy, tôi cho rằng, hình thức GD này chưa thực sự phù hợp với Việt Nam.

Để thực hiện homeschooling, cha mẹ cần có những đầu tư rất đặc biệt cho trẻ nhỏ (thời gian của cha mẹ, chương trình học, tạo môi trường giao lưu, mời gia sư hay chuyên gia GD khi cần thiết…).

Sâu xa hơn thì homeschool đã có từ thời kỳ phong kiến ở châu Âu, tập trung trong giới quý tộc, nhưng do không phù hợp nên ngày càng bị thu hẹp, không phát triển rộng. Ngay cả ở Mỹ, homeschooling cũng chỉ là những trường hợp khá đặc biệt, thường là xuất phát từ hoàn cảnh gia đình hay do thể trạng trẻ.

Các đề tài nghiên cứu về mô hình này đã có rất nhiều trên thế giới. Chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, nhưng thực tế cũng không phải là vấn đề cấp bách so với rất nhiều vấn đề mà ngành GD đang đối diện hiện nay.

Những cuộc tranh luận trên các diễn đàn mở cho thấy một số phụ huynh đang có nhiều kỳ vọng vào phương pháp giáo dục tại gia, cho rằng đó là luồng gió mới thay đổi nhận thức về GD. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

Cha mẹ hoàn toàn có thể dạy cho con tại nhà, nếu như họ có đủ khả năng sư phạm. Điều này, tôi không hề nghi ngờ. Tuy nhiên, có những thứ chỉ có trường học mới cung cấp được. Chọn lọc phương pháp dạy con đòi hỏi khả năng sư phạm và trình độ hiểu biết về khoa học kĩ thuật của những người đảm nhận vai trò dạy dỗ cháu bé. Nếu chỉ cần xảy ra một chút sai sót nhỏ, mọi việc có thể sẽ diễn biến khó lường.

Theo bà cần có những điều kiện gì để tiến hành homeschooling?

Theo tôi nghĩ, việc này còn tùy vào đánh giá của phụ huynh. Tuy nhiên, tôi sẽ liệt kê ra đây một số điều kiện tiên quyết để có thể tiến hành mô hình homeschooling cho dù ở quốc gia nào:

- Có gia sư phù hợp cho trẻ. Cho dù học ở nhà hay ở trường, đứa trẻ cũng cần giáo viên. Cha mẹ không thể thay thế nhiệm vụ này trừ khi chính họ là giáo viên hoặc được đào tạo về phương pháp sư phạm.

- Có môi trường bạn bè dành riêng cho bé. Bọn trẻ cần tập thể, nhờ đó chúng sẽ không cảm thấy quá cô đơn.

- Chương trình dạy học phù hợp. Chương trình học hiện nay của Việt Nam được soạn dành cho việc dạy ở trường. Nhiều hoạt động đòi hỏi hoạt động tập thể, hoạt động nhóm. Trong những trường hợp đó, mô hình homeschooling sẽ gặp khó khăn khi thực hiện.

- Chương trình giáo dục phù hợp. Dạy học là những hoạt động trên lớp, giáo dục là những hoạt động khác. Một ngôi trường ngoài giờ trên lớp còn có hoạt động ngoại khóa, Những chương trình này đòi hỏi phải có rất đông học sinh tham gia. Vì thế, homeschooling sẽ thiếu hụt và phải có chương trình khác thay thế.

- Chương trình tái hòa nhập cộng đồng. Đứa trẻ học gì, học thế nào… thì cũng để nhằm mục đích sống tốt trong cộng đồng. Homeschooling có hoạt động bó hẹp trong gia đình sẽ khiến đứa trẻ thiếu kĩ năng hòa nhập. Vì thế, mô hình này đòi hỏi một chương trình tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ.

Bà có thể chỉ rõ hơn những điểm bất lợi mà giáo dục tại nhà phải đối mặt?

Hình thức homeschooling có những khiếm khuyết hầu như không thể khắc phục. Cho dù học ở nhà hay ở trường, trẻ cũng cần có giáo viên, cha mẹ không thể thay thế nhiệm vụ này, họ không thể có suy nghĩ khách quan để tiến hành làm việc với trẻ 100%.

Ngoài ra, khi đứa trẻ gặp những vấn đề mâu thuẫn với giáo viên, chúng cần tìm đến cái nơi ẩn nấp an toàn chính là cha mẹ. Nếu cha mẹ và giáo viên nhập làm một, chắc chắn sẽ có lúc đứa trẻ cảm thấy rất cô đơn.

Bên cạnh đó, cần có môi trường bạn bè dành riêng cho bé. Ở nước ngoài, trẻ em có cộng đồng homeschooling để có thể chia sẻ với nhau.

Ở góc độ tâm lý học, nếu không được đến trường thì đứa trẻ sẽ gặp phải những vấn đề gì và có tác động như thế nào với sự phát triển về sau?

Chương trình học ở nhà bó hẹp trong gia đình sẽ khiến các em thiếu kỹ năng hòa nhập. Cha ông đã đúc kết: “Học thầy không tày học bạn”. Việc học sinh tương tác với bạn bè còn quan trọng hơn cả tương tác với bố mẹ hay thầy cô vì chúng ở cùng độ tuổi, cùng tâm sinh lý, cùng kích thích sự phát triển của nhau.

Do vậy, chắc chắn đứa trẻ tự học ở nhà sẽ gặp một số bất ổn về tâm lý, chưa kể những vấn đề khác về thể chất do thời lượng vận động thông thường sẽ ít hơn so với bạn bè được đến trường.

"Những điều vô cùng quan trọng đối với trẻ em là kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng thực hiện công việc trong một tập thể, kĩ năng giao tiếp với các bạn bè cùng trang lứa, kĩ năng giữ kỉ luật tập thể, kĩ năng làm việc với những người không phải là cha mẹ mình (các thầy cô giáo), kĩ năng ứng xử khi không có cha mẹ ở bên cạnh, kĩ năng làm việc trong môi trường cạnh tranh, kể cả kĩ năng ứng xử khi bị bất công... là những thứ mà các trường học luôn cung cấp cho học sinh, cho dù trường đó dạy theo chương trình nào, sách giáo khoa nào"-  TS Vũ Thu Hương

Xin cảm ơn bà!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.