(GD&TĐ)-Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư số 17 quy định từ 1.7, giá bán điện bình quân là 1.369 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 65 đồng/kWh (5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng (1.304 đồng/kWh).
Giá bán điện sẽ tăng từ 1/7 |
Với mức tăng này, theo Bộ Công thương, doanh thu bán điện của EVN dự kiến tăng thêm 3.710 tỉ đồng, tương ứng với sản lượng điện thương phẩm của EVN dự kiến từ 1.7 đến 31.12 là 56,8 tỉ kWh (bao gồm cả sản lượng điện xuất khẩu sang Campuchia), được sử dụng để bù đắp cho tăng giá than và một phần các chi phí còn treo của các năm trước.
Tập đoàn Điện lực cũng đã có thông cáo nêu các thông số đầu vào cơ bản được sử dụng cho tính giá điện áp dụng từ ngày 1-7-2012:
EVN cho biết, với việc tăng giá điện mới, doanh thu bán điện của EVN dự kiến tăng thêm khoảng trên 3.700 tỉ đồng, tương ứng với sản lượng điện thương phẩm của EVN dự kiến từ 1-7-2012 đến 31-12-2012 là 56,8 tỉ kWh (bao gồm cả sản lượng điện xuất khẩu sang Campuchia).
EVN cũng cho biết lần điều chỉnh giá điện này không có sự thay đổi về đối tượng áp giá, cơ cấu biểu giá, tức không thêm giờ cao điểm, cũng không thêm bậc thang tính giá điện mà chỉ chỉnh mức giá đối với các đối tượng theo cơ cấu được quy định. Riêng mức giá bán điện sinh hoạt bậc thang từ 0 -50 kWh áp dụng cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp, EVN khẳng định sẽ không điều chỉnh, giữ nguyên ở mức 993 đ/kWh.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, vấn đề điều chỉnh giá điện sẽ thực hiện theo cơ chế thị trường đã được Quốc hội thông qua và Chính phủ định hướng với nhiều văn bản, Nghị quyết thời gian vừa qua.
Cụ thể, tại Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã quy định: Khi các thông số đầu vào cơ bản thay đổi như giá than, xăng, tỷ giá, cơ cấu nguồn phát thay đổi như do hạn hán… thì được điều chỉnh giá điện, nếu điều chỉnh ở mức 5% thì EVN có quyền đề xuất và điều chỉnh, còn trên 5% thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, mục tiêu của việc phát triển thị trường điện là đưa giá điện tiệm cận với giá thị trường trên cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời, đảm bảo giá điện bán ra phải không thấp hơn giá thành để giúp doanh nghiệp tồn tại, phát triển và có lợi nhuận hợp lý. Nếu vẫn tiếp tục áp giá điện dưới giá thành như hiện nay thì doanh nghiệp hoạt động trong ngành điện lực sẽ còn tiếp tục bị lỗ. Nước ta còn nghèo và nhà nước không thể cứ bù lỗ hỗ trợ cho ngành điện mãi được.
Xuân Hương