TS Hà Thúc Viên phụ trách Trường Đại học Việt Đức

GD&TĐ -  TS Hà Thúc Viên được Bộ GD&ĐT giao phụ trách Trường Đại học Việt Đức từ ngày 1/8/2023, thời hạn không quá 6 tháng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc (phải) trao quyết định giao phụ trách Trường Đại học Việt Đức cho TS Hà Thúc Viên. Ảnh: Mạnh Tùng.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc (phải) trao quyết định giao phụ trách Trường Đại học Việt Đức cho TS Hà Thúc Viên. Ảnh: Mạnh Tùng.

Ngày 4/8, Trường Đại học Việt Đức (VGU) tổ chức hội nghị công bố quyết định của Bộ GD&ĐT về công tác cán bộ. Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc.

Phát triển những mô hình xuất sắc

Ông Nguyễn Viết Lộc, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT) đã công bố 2 quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về công tác cán bộ tại VGU.

Theo đó, TS Hà Thúc Viên tiếp tục chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền Phó Hiệu trưởng, đồng thời được giao phụ trách VGU kể từ ngày 1/8 cho đến khi có quyết định của cấp có thẩm quyền về nhân sự Hiệu trưởng nhà trường. Thời hạn giao phụ trách không quá 6 tháng.

TS Thomas Aulig, sinh năm 1973, quốc tịch Đức được bổ nhiệm giữ chức Phó Hiệu trưởng VGU; thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.

Trước đó, Hiệu trưởng VGU là GS Tomas Benz (đã hết nhiệm kỳ từ ngày 31/7), hai Phó Hiệu trưởng là TS Hà Thúc Viên và TS Thomas Aulig.

TS Thomas Aulig nhận quyết định bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức. Ảnh: Mạnh Tùng

TS Thomas Aulig nhận quyết định bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức. Ảnh: Mạnh Tùng

Phát biểu nhận nhiệm vụ, TS Hà Thúc Viên cho rằng, VGU đang bước vào giai đoạn chuyển đổi quan trọng trong sự phát triển, kể từ ngày thành lập từ 2008 đến nay. Trong giai đoạn tới, chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, thách thức nhưng tập thể nhà trường sẽ nỗ lực vượt qua.

Ông Hà Thúc Viên nêu 3 định hướng quan trọng của nhà trường trong thời gian tới. Đó là, tiếp tục phát triển chính sách quản lý, thúc đẩy động lực làm việc, cống hiến cho đội ngũ nhà giáo, nhà nghiên cứu.

Theo ông, để phát triển một đại học nghiên cứu, bên cạnh cơ sở hạ tầng, cần những mô hình xuất sắc. Muốn những mô hình xuất sắc phát huy hết lợi thế của mình, cần có những cơ chế phù hợp.

Ngoài ra, nhà trường phải luôn đảm bảo chất lượng đào tạo xuất sắc. Trường sẽ vận hành hiệu quả, tối ưu hóa cơ sở mới được khánh thành từ cuối năm 2022.

Ông Hà Thúc Viên phát biểu khi nhận nhiệm vụ phụ trách Trường Đại học Việt Đức. Ảnh: Mạnh Tùng

Ông Hà Thúc Viên phát biểu khi nhận nhiệm vụ phụ trách Trường Đại học Việt Đức. Ảnh: Mạnh Tùng

"Bằng tình cảm, năng lực, trí tuệ của toàn bộ cán bộ quản lý, giảng viên nhà trường cùng với sự quan tâm, chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ GD&ĐT của Việt Nam, Bộ Khoa học và Nghệ thuật Bang Hessen, Bộ Giáo dục và Nghiên cứu của Cộng hòa Liên bang Đức và tất cả các trường đại học đối tác ở phía Đức, Trường Đại học Việt Đức sẽ sang một giai đoạn mới thành công", ông Hà Thúc Viên nói.

Xây dựng trường đại học vươn tầm quốc tế

Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc gửi lời chúc mừng và sự tin tưởng với TS Hà Thúc Viên, TS Thomas Aulig. Trong đó, Thứ trưởng đánh giá TS Hà Thúc Viên là người có kinh nghiệm quản lý và có thời gian gắn bó lâu năm với VGU.

Theo Thứ trưởng, bất kỳ trường đại học trên thế giới cũng đều được xây dựng với ước nguyện tốt đẹp ban đầu của những người đặt nền móng. VGU là sự kết hợp giữa hai nền văn hóa Việt Nam và Đức, là một biểu tượng cho tình bạn, tình hữu nghị giữa hai nước.

Do đó, đội ngũ lãnh đạo, giảng viên nhà trường cần đoàn kết, gắn bó, cùng chung ước muốn cao đẹp là xây dựng, phát triển trường.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc trao đổi với đội ngũ lãnh đạo, giảng viên Trường Đại học Việt Đức. Ảnh: Mạnh Tùng

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc trao đổi với đội ngũ lãnh đạo, giảng viên Trường Đại học Việt Đức. Ảnh: Mạnh Tùng

Thứ trưởng cũng mong thầy cô tại VGU luôn nuôi ước mơ, hoài bão xây dựng một ngôi trường xuất sắc nhất Việt Nam, vươn tầm khu vực và thế giới.

Ông nhắc lại lịch sử thành lập trường với nhiều khó khăn ban đầu. Khi đó, trường phải thuê mướn cơ sở vật chất.

Trong chuyến khảo sát, kiểm tra dự án xây dựng cơ sở mới vào năm 2018, nơi này chỉ là bãi đất trống, với vài nền móng được xây dựng. Nhưng đến nay, VGU đã có cơ sở hoàn chỉnh, khang trang, hiện đại hàng đầu Việt Nam.

Cuối cùng, Thứ trưởng mong muốn VGU sẽ luôn giữ được chất lượng, dù gặp bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào. VGU là một trường đại học xuất sắc, quan trọng tại Việt Nam. Trường đang bước vào giai đoạn phát triển mới, mang tính bước ngoặt.

“Tôi tin tưởng trường sẽ phát triển bền vững, tương lai tốt đẹp. Chúng ta phải quyết tâm giữ được chất lượng của trường, đó là chất lượng Đức, châu Âu và quốc tế”, Thứ trưởng nói.

Khuôn viên Trường Đại học Việt Đức. Ảnh: Mạnh Tùng

Khuôn viên Trường Đại học Việt Đức. Ảnh: Mạnh Tùng

VGU được thành lập vào năm 2008 theo chủ trương lớn của Chính phủ là xây dựng một số trường đại học xuất sắc nhằm thúc đẩy tiến trình đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam.

Trong tiến trình này, VGU được xây dựng với mục tiêu trở thành khuôn mẫu về quản trị đại học hiện đại, đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao theo mô hình của các đại học Đức.

Dự án xây dựng Trường Đại học Việt Đức với tổng vốn đầu tư khoảng 180 triệu USD, được hỗ trợ tài chính bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Hiệp hội phát triển quốc tế thông qua Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Sau hơn 10 năm triển khai, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2022. Cơ sở mới của VGU rộng khoảng 50 ha tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kiev nêu bản chất kinh tế của xung đột

Kiev nêu bản chất kinh tế của xung đột

GD&TĐ - Kiev cho rằng, bản chất của cuộc xung đột ở Ukraine là Nga muốn kiểm soát các vùng giàu tài nguyên thiên nhiên như Lithium và đất hiếm, của Ukraine.

Học sinh Trường THPT chuyên Lào Cai cất điện thoại khi đến lớp. Ảnh: NTCC

Những tiết học không smartphone

GD&TĐ - Với mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, ngành GD các địa phương đã chỉ đạo quản lý sử dụng điện thoại trong trường.