Lễ ký kết Hiệp định ba bên được thực hiện tại ba địa điểm khác nhau. Đại diện cho Chính phủ Việt Nam là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, đại diện cho bang Hessen, Đức là bà Angela Dorn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đại học, Khoa học và Nghệ thuật bang Hessen (CHLB Đức), đại diện Chính phủ Đức là bà Anja Karliczek - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Nghiên Cứu (BMBF) và bà Antje Leendertse, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao.
Theo nội dung Hiệp định ký kết, các bên sẽ cùng hợp tác để phát triển và mở rộng trường ĐH Việt Đức thành một trường đại học công lập, định hướng nghiên cứu của Việt Nam dựa trên mô hình Đức, tôn trọng các nguyên tắc về thống nhất và tự chủ trong nghiên cứu và giảng dạy, cam kết chất lượng học thuật xuất sắc, tự chủ về các quy định nội bộ và tự quản trị về học thuật.
Việc nghiên cứu, giảng dạy và quản lý của Trường ĐH Việt Đức được dựa trên mô hình các trường đại học của Đức, với các đặc trưng: Thống nhất và tự chủ về nghiên cứu và giảng dạy; cam kết chất lượng học thuật xuất sắc; tự chủ về các quy định nội bộ và tự quản trị về học thuật.
Trường ĐH Việt Đức cam kết đóng góp cho sự phát triển khoa học và công nghệ theo như sứ mệnh của nhà trường. Trường sẽ tập trung trước tiên vào công nghệ, nền tảng khoa học của trường và gắn kết với xã hội. Trường sẽ hướng tới vị trí xuất sắc về nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo theo định hướng nghiên cứu ở trình độ quốc tế.
Trường sẽ đẩy mạnh chuyển giao tri thức và công nghệ đến doanh nghiệp và xã hội cũng như đẩy mạnh bồi dưỡng và đào tạo nâng cao cho đội ngũ cán bộ quản lý và giảng dạy. Trường sẽ đóng góp vào quá trình cải cách hệ thống giáo dục đại học Việt Nam nhằm mang lại các lợi ích chung cho giới khoa học và doanh nghiệp của Việt Nam và Đức.
Theo đánh giá của đại diện bang Hessen, trường ĐH Việt Đức được xem là dự án "Hải đăng" trong quan hệ hợp tác song phương và với ý nghĩa đó đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc cải cách giáo dục đại học ở Việt Nam.
Cụ thể, cơ chế tự chủ của trường ĐH Việt Đức đã được nghiên cứu và quy phạm hóa trong Luật Giáo dục Đại học của Việt Nam, cùng với đó là sự chuyển hoá nguyên tắc thống nhất giữa nghiên cứu và giảng dạy.
Bên cạnh đó, việc ký kết Hiệp định sẽ mở rộng cơ hội phát triển Trường ĐH Việt Đức theo định hướng là trường đại học nghiên cứu hàng đầu trong khu vực ASEAN, tập trung vào các lĩnh vực như Phát triển bền vững, Công nghiệp 4.0 và Công nghệ môi trường.
Việc hợp tác với bang Hessen nói riêng và Cộng hòa Liên bang Đức nói chung - một quốc gia có thế mạnh nghiên cứu hàng đầu ở châu Âu, được xem là cơ hội hiếm có cho sinh viên và giảng viên trường ĐH Việt Đức trên con đường học tập hàn lâm và theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Qua đó, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước trên các phương diện văn hóa – giáo dục – khoa học.
Hiệp định phát triển và mở rộng trường ĐH Việt Đức có hiệu lực trong thời gian 5 năm. Hiệp định được ký nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức, mang ý nghĩa đặc biệt trong việc củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai quốc gia với vai trò cầu nối quan trọng của “Hải đăng”.
Trường ĐH Việt Đức là trường đại học công lập đầu tiên thuộc dự án xây dựng đại học mô hình mới. Trường được thành lập trên cơ sở hợp tác với một quốc gia đối tác nước ngoài, là bước triển khai cụ thể Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 của Chính phủ về Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 và Quyết định số 145/2006/QĐ-TTg ngày 20/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương và những định hướng lớn xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế của Việt Nam.
Khởi đầu là sáng kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Khoa học và Nghệ thuật bang Hessen (HMWK) trên cơ sở: “Ý định thư” ký ngày 21/05/2007 và “Tuyên bố chung về việc thành lập Trường ĐH Việt Đức” ký ngày 29/02/2008.
Ngày 1/9/2008 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1196/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Việt Đức. Ngày 24/3/2009, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 380/QĐ-TTg ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Việt Đức. Trên cơ sở đó, trường đã tiến hành xây dựng bộ máy tổ chức và triển khai hoạt động.
Hiện trường có 7 chương trình đào tạo bậc đại học, 8 chương trình bậc cao học với quy mô sinh viên là hơn 1.700 sinh viên đến từ 17 quốc gia.