Danh tiếng của ông vẫn được lưu truyền trên khắp các châu lục.
Vương quốc “vàng” ở châu Phi
Mansa Musa, còn được biết đến với tên gọi Musa I, là người cai trị Vương quốc Mali, nằm ở phía Tây châu Phi từ năm 1312 - 1337. Trong thời trị vì của Musa I, Mali là một trong những vương quốc giàu có nhất châu Phi còn Musa là một trong những người giàu có nhất thế giới. Theo các sử gia, vua Musa cũng là người giàu nhất mọi thời đại.
Đế chế Mali (1240 – 1645) là đế chế lớn nhất và giàu có nhất từng xuất hiện ở Tây Phi, được thành lập bởi vua Sundiata Keita (còn gọi là Sunjaata, 1230 – 1255). Thủ đô của Mali là Niani, còn thành phố giao thương quan trọng nhất là Timbuktu, nằm gần sông Niger với các tuyến đường thủy và đường bộ dày đặc.
Chân dung vua Mansa Musa. |
Khối tài sản khổng lồ của dòng họ vua Sundiata Keita xuất phát từ việc độc quyền khai thác vàng ở Tây Phi và giao thương trên các tuyến đường bộ, đường thủy. Bên cạnh đó, Mali là nơi giao thương muối, ngà voi sầm uất nhất nhì châu Phi lúc bấy giờ.
Qua tiếp xúc với các thương nhân Ả Rập, nhà cai trị Mali đã tiếp nhận đạo Hồi. Vương quốc Mali qua đó đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá đạo Hồi trên khắp Tây Phi.
Người dân địa phương đã cải đạo, tạo ra các cộng đồng người Hồi giáo rộng lớn, thu hút các giáo sĩ Hồi giáo từ phía Bắc và từ đó, củng cố sự thống trị của đạo Hồi trong khu vực. Các vị vua lẫn quan chức địa phương còn thực hiện các chuyến hành hương đến Thánh địa Mecca.
Là cháu trai của vua Sudiata Keita, Mansa Musa lên nắm quyền cai trị Vương quốc Mali vào năm 1312. Thời điểm đó, vua Abu-Bakr II cùng đoàn tùy tùng bị đắm tàu và mất tích trong hành trình thám hiểm vượt Đại Tây Dương. Hành trình thám hiểm xuất phát từ việc vua Abu-Bakr II muốn đi tìm điểm tận cùng của biển cả.
Abu-Bakr II chuẩn bị 200 chiến thuyền có khả năng chứa gần 9 nghìn người và vô vàn lương thực, nước ngọt đủ dùng trong 2 năm. Ông tuyên bố sẽ không trở lại Mali chừng nào tìm ra điểm cực hạn của biển cả.
Việc cai trị Mali trong thời gian vua Abu-Bakr II sẽ do cháu trai của vua Sudiata Keita, hoàng tử Mansa Musa đảm trách. Tuy nhiên, vua Abu-Bakr II không gặp may. Tàu của ông bị chìm còn người thì mất tích giữa đại dương. Chỉ một chiếc thuyền với 12 thủy thủ còn sống sót trở về sau hành trình thám hiểm kéo dài hơn 2 năm.
Thuyền trưởng của chiếc thuyền thuật lại: “Đầu năm thứ 2 trong hành trình, chúng tôi gặp một dòng chảy rất mạnh giữa đại dương. Thuyền tôi đi cuối cùng và chứng kiến những chiếc khác bị cuốn vào dòng chảy ấy rồi biến mất giữa một xoáy nước khổng lồ. Không ai được tìm thấy”.
Sau này, trong quá trình tìm hiểu lịch sử, các nhà hải dương học đưa ra giả thuyết đoàn thuyền của vua Abu-Bark II đã đi vào vùng biển Bắc Đại Tây Dương, nơi có những dòng hải lưu nguy hiểm nhất thế giới.
Mở rộng lãnh thổ
Sau khi Mansa Musa lên nắm quyền điều hành vương quốc, trong tay ông là lực lượng quân đội 100 nghìn người với một đoàn kỵ binh bọc thép cùng 10 nghìn ngựa chiến. Đức vua có thể đã mở rộng lãnh thổ lên gấp đôi và duy trì đế chế Mali rộng lớn trong một thời gian dài. Thời điểm này, Mali là đế chế có quy mô chỉ đứng sau Đế chế Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn.
Dưới thời vua Musa, Mali mở rộng lãnh thổ tới tận Gambia và hạ lưu Senegal ở phía Tây. Ở phía Bắc, Mali nắm giữ đất đai theo chiều dài khu vực biên giới Tây Sahara.
Ở phía Đông, quyền kiểm soát lan rộng đến Gao bên bờ sông Niger và ở phía Nam là vùng Bure và Bờ biển Vàng. Vương quốc có nhiều thành phố lớn, đồng thời là những trung tâm văn hóa quan trọng như Timbuktu, Gao.
Sau thời vua Musa, đế chế Mali không bao giờ có thể kiểm soát những vùng lãnh thổ hay tài nguyên thiên nhiên rộng lớn như vậy.
Để quản lý tốt vùng đất rộng lớn với vô số bộ lạc, dân tộc, vua Musa chia đế chế thành các tỉnh. Mỗi tỉnh được cai trị bởi một thống đốc (farba) do đích thân ông bổ nhiệm. Việc quản lý được lưu giữ dưới dạng hồ sơ, gửi từ các tỉnh về văn phòng chính phủ tại Niani.
Vương quốc Mali ngày một trở nên giàu có nhờ thuế thương mại, các mỏ đồng, vàng và vật phẩm cống nạp từ các bộ lạc bị chinh phục. Nhờ vậy, đức vua cũng trở nên vô cùng giàu có, thậm chí có thể coi là người giàu nhất trong lịch sử.
Giống như nhiều nhà cai trị Mali sùng đạo khác, Mansa Musa đã hành hương đến Thánh địa Mecca, thành phố linh thiêng nhất của đạo Hồi vào năm 1324. Khi đến Cairo, Ai Cập, vào tháng 7 cùng năm, ông khiến thế giới bên ngoài sửng sốt.
Tranh vẽ miêu tả sự giàu có của vua Musa. |
Chấn động thế giới
Đoàn lạc đà của Musa vượt qua sa mạc Sahara, đến Ai Cập, và cũng là lần đầu tiên Mali giới thiệu mình với thế giới ngoài Tây Phi. Hoàng đế Ai Cập, quốc gia tương đối hưng thịnh vào thời điểm đó, phải kinh ngạc trước sự giàu có của vua Musa.
Ông Gus Casely-Hayford, Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật châu Phi, cho biết: “Đức vua và đoàn tùy tùng di chuyển cả ngày và chỉ dừng lại vào ban đêm để nghỉ ngơi. Khi họ dừng lại cắm trại, cảm giác như một thị trấn mọc lên trên sa mạc. Họ mang theo mọi thứ thiết yếu, gồm cả một nhà thờ Hồi giáo di động nếu đức vua cần cầu nguyện”.
Theo một số nhà sử học, đoàn người mang theo hơn 100 con lạc đà chỉ để chở vàng và 500 nô lệ mang theo một cây trượng bằng vàng để điều khiển chúng. Ngoài ra là hàng trăm con lạc đà chất đầy thực phẩm, vải vóc. Đoàn tùy tùng lên đến hàng chục nghìn người. Những người dẫn đoàn ngồi trên ngựa, cầm những lá cờ đỏ và vàng thể hiện cho uy quyền của vua Musa.
Khi đoàn người đến Ai Cập, theo nguyên tắc ngoại giao, vua Musa sẽ phải bái kiến Hoàng đế Ai Cập al-Malik al-Nasir. Do ít khi nghe đến Vương quốc Mali nên Hoàng đế Ai Cập chỉ nghĩ đây là vương quốc nhỏ nên giao phó một đại sứ ra tiếp đón vua Musa.
Điều này khiến vua Musa phật ý bởi ông chỉ định ghé ngang Ai Cập trên hành trình đến Thánh địa Mecca. Sau nhiều giờ thuyết phục, vua Musa mới đồng ý gặp gỡ và chào hỏi Hoàng đế Nasir. Tuy nhiên, theo quy tắc của Ai Cập, Hoàng đế Nasir yêu cầu vua Musa phải hôn chân mình để thể hiện sự tôn trọng. Vua Musa một mực từ chối và Hoàng đế Nasir đành phải chấp nhận.
Theo phân tích của các nhà sử học, vì cảm thấy bản thân bị xem nhẹ, vua Musa quyết định lấy lại vị thế của mình. Ông phân phát cho các tùy tùng mỗi người một ít vàng để mua sắm tùy thích trong chợ ở Cairo. Chỉ trong một đêm, mọi mặt hàng ở Cairo đều được mua bằng vàng.
Các thương nhân thành Cairo đều cảm thấy vui mừng và chào đón người Mali rất nhiệt tình như những vị quý tộc. Vì sự hào phóng của người Mali mà các sản phẩm hàng hóa ở Cairo ngày một khan hiếm, sự cạnh tranh khiến giá vàng giảm.
Ước tính, giá trị của đồng vàng dinar ở Cairo đã giảm 20%. Phải mất 12 năm thị trường vàng nơi đây mới phục hồi. Đây cũng là yếu tố khiến người Ai Cập sau này đầu tư vào Đế quốc Mali nhằm mong muốn lấy lại những tổn thất trong lịch sử.
Vua Mansa Musa cùng đoàn tùy tùng hành hương đến Thánh địa Mecca. |
Di sản cho hậu thế
Từ Ai Cập, câu chuyện về độ giàu có và chịu chi của vua Musa đã loan đến châu Âu. Ở Tây Ban Nha, một họa sĩ khi vẽ bản đồ chi tiết đầu tiên của châu Âu về Tây Phi đã lấy cảm hứng từ câu chuyện trên mà vẽ vua Musa.
Trong bức tranh, vua Musa ngồi nghiêm trang trên ngai vàng, đầu đội chiếc vương miện bằng vàng lộng lẫy, một tay cầm cây trượng vàng còn tay kia cầm quả cầu vàng khổng lồ.
Chính bức tranh cùng những câu chuyện về kho vàng của vua Musa đã truyền cảm hứng cho những nhà thám hiểm châu Âu dũng cảm chống chọi với bệnh tật, địa hình khắc nghiệt để tìm đường vào Tây Phi. Mục tiêu mà họ nhắm đến là Timbuktu, thành phố vàng giữa sa mạc, nhưng sau khi Đế chế Mali lụi tàn, Timbuktu đã biến mất trên bản đồ thế giới từ thế kỷ 18.
Sau khi rời Cairo, vua Musa tiếp tục hành hương về Ả Rập. Trên đường đi, ông mua đất và nhà để người dân Mali theo bước chân hành hương của ông có nơi để ở.
Khi đến thánh địa, vua Musa đã dâng tặng 20 tấn vàng để góp phần trùng tu, nâng cấp những đền thờ trong thánh địa. Đức vua Musa đã mời các kiến trúc sư từ Trung Đông và khắp châu Phi đến Mali thiết kế cho các thành phố của mình. Ông đã biến Vương quốc Mali thành trung tâm Hồi giáo phức tạp nhất châu Phi.
Lấy cảm hứng từ Thánh địa Mecca, sau khi trở về Mali, nhà vua cho xây dựng một khán phòng lộng lẫy ở Niani và nhiều nhà thờ Hồi giáo ở Gao, Timbuktu. Ông cũng cho xây dựng các trường học giảng dạy về Hồi giáo trên khắp cả nước, vận chuyển sách từ Trung Đông về Mali.
Cùng với sự mở rộng về văn hóa, giáo dục, vua Musa thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia Ả Rập, tạo cơ hội cho thương nhân hai nước qua lại. Dần dần, các thương nhân Ả Rập và Ai Cập đều tìm cách vận chuyển hàng hóa sinh lợi hay của ngon vật lạ về Mali, biến nơi đây trở thành khu vực giao thương sầm uất nhất châu Phi lúc bấy giờ.
Vua Musa qua đời năm 1337, để lại ngôi vị cho con trai Mansa Maghan. Đế chế Mali tiếp tục thịnh vượng trong khoảng một thế kỷ sau đó lụi tàn. Vào giữa thế kỷ 15, các nhà thám hiểm đã phát hiện các mỏ vàng mới và tiếp cận bờ biển phía Nam Tây Phi, nằm ngoài biên giới Mali, khiến vương quốc không còn độc quyền khai thác vàng trong khu vực.
Ngoài ra, Mali cũng rơi vào cuộc chiến căng thẳng với nhiều quốc gia như Tuareg, Songhai... Tất cả đều nhắm vào mỏ vàng và lãnh thổ rộng lớn của Mali. Dù vua Musa hay Vương quốc Mali đã không còn nữa nhưng tên tuổi của ông vẫn gắn liền với một đế chế hưng thịnh và lưu truyền sử sách đến ngày nay.
Trong mắt thế giới, vua Musa là biểu tượng cho sự giàu có nhất nhì trong lịch sử cổ đại. Ông còn được nhớ đến vì đức tin và việc thúc đẩy học thuật, văn hóa cho vùng đất Tây Phi.