Truyền thống gia đình bồi đắp cho tình yêu nghề giáo

GD&TĐ - Ngay từ nhỏ, cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Giáo viên tiếng Anh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TPHCM) đã ước mơ trở thành một giáo viên để nối tiếp truyền thống gia đình với sự nghiệp trồng người. 

Truyền thống gia đình bồi đắp cho tình yêu nghề giáo

Gần 20 năm vào nghề, có 10 năm tham gia bồi dưỡng HS giỏi môn Tiếng Anh của trường, cô đã góp phần mang về cho nhà trường 150 giải thưởng cao trong các kỳ thi sinh giỏi tiếng Anh cấp TP, cấp quốc gia, Olympic tiếng Anh.

Nghề giáo là duyên nghiệp định sẵn

Sinh ra trong gia đình có truyền thống theo nghề giáo có ông nội, cha mẹ gắn bó với nghề “trồng người”, việc cô Hồng Hạnh đến với nghề như như duyên nghiệp đã định sẵn.

Hồi mới 10 tuổi, cô học trò nhỏ nhắn Hồng Hạnh đã tay cầm phấn, tay cầm thước bắt đầu đứng trên bục giảng để tập làm quen với nghề giáo.

Cô Hạnh kể, hồi đó gia đình sống ở nhà tập thể của trường nên những lúc các anh chị tan học, cô lại lên bục giảng để tập làm cô giáo như mẹ và cha của mình.

Sau này, được cha là thầy Nguyễn Tân, giáo viên bồi dưỡng HS môn Tiếng Anh của quận 6 (nay đang giảng dạy hợp đồng tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi) định hướng, cô Hồng Hạnh không chỉ tham gia đội tuyển học sinh giỏi môn Anh văn mà còn trở thành cử nhân tiếng Anh xuất sắc.

Trở về ngôi trường đã nuôi dưỡng mình - Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, cô bắt đầu tiếp sức cho dự án bồi dưỡng học sinh giỏi mà cha - người thầy đầu tiên đã gây dựng lên tại ngôi trường thân yêu.

Từ kinh nghiệm quý báu của người cha, từ nỗ lực của bản thân, sự động viên của Ban giám hiệu và đồng nghiệp, cô đã góp phần phát triển vườn ươm học sinh giỏi ngoại ngữ của trường và quận 6.

Không chỉ hiểu trò, đến với các em bằng tình thương, cô còn truyền lửa đam mê học môn Ngoại ngữ cho nhiều thế hệ học trò. Nhìn vào con số trong hơn 10 năm giảng dạy có 150 học trò đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh cấp TP, cấp quốc gia, Olympic tiếng Anh… mới thấy tâm huyết của cô giáo Hồng Hạnh.

Cô tâm sự, khi đã chọn nghề giáo thì mình luôn nỗ lực và luôn sáng tạo trong các bài giảng để truyền đạt cho học trò những kiến thức, kĩ năng.

“Mỗi một tiết học Anh văn của các em, mình phải làm sao cho nó thật hấp dẫn, cuốn hút các em ngay từ đầu, dẫn dắt các em vào bài mới một cách nhẹ nhàng để các em hứng thú”.

Thường thì cô Hạnh hay chuẩn bị các hình ảnh, clip nhỏ liên quan đến bài học, hoặc những hội thoại ngắn vui vẻ theo từng chủ đề của bài, sau đó hướng dẫn các em cách tiếp cận vấn đề một cách hiệu quả nhất. Vì vậy, các học trò của cô đều tiếp thu bài nhanh và có phương pháp học tập hiệu quả.

“Giờ dạy của cô luôn mang đến sự thích thú từ lúc vào bài đến khi kết thúc. Đây không chỉ là việc truyền đam mê học ngoại ngữ mà bài giảng của cô còn giúp tụi con mở mang kiến thức, khám phá nhiều điều mới lạ, hướng dẫn cho tụi con tham gia các cuộc thi bổ ích để nâng cao vốn tiếng Anh” - Hoàng Khuê, cậu học trò từng được giải Nhất Cuộc thi hùng biện tiếng Anh, một trong những đại diện tham dự Diễn đàn lãnh đạo trẻ HSSV Đông Nam Á cho biết.

Có đam mê sẽ làm được tất cả

Ngoài giảng dạy chuyên môn và đạt nhiều thành tích trong bồi dưỡng HS giỏi môn Tiếng Anh, cô Hạnh còn được nhà trường phân công làm khối trưởng khối chủ nhiệm khối 11.

Chưa kể, với khả năng ca hát nên cô luôn đi đầu trong các phong trào văn nghệ của nhà trường, của ngành Giáo dục TPHCM. Cô cũng chính là người phụ trách chương trình “Giờ thứ 9” đại diện cho Công đoàn giáo dục TPHCM tham gia thi đấu với các liên đoàn lao động quận, huyện và đã vinh dự nhận giải Nhất.

Theo cô Hạnh bật mí, để làm tốt công việc chuyên môn cũng như có thời gian để tham gia các phong trào của ngành và chăm lo gia đình, cô phải sắp xếp mọi việc theo kế hoạch rất chi tiết. Quan trọng hơn, “khi mình đã chọn nghề giáo, mình có đam mê với nghề thì mình sẽ làm được tất cả.

Gần như lúc nào mình luôn tràn đầy năng lượng để làm việc vì được mọi người tin tưởng, được gia đình luôn động viên nhiệt thành bởi ông bà, bố mẹ và cả ông xã mình cũng là nhà giáo”, cô Hạnh cho hay.

Đánh giá về cô Hồng Hạnh, thầy Ca Thanh Tòng - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Cô Hồng Hạnh là một giáo viên giỏi và rất tâm huyết, được các học trò cũng như các đồng nghiệp rất quý mến, tin tưởng.

Không chỉ đóng góp cho nhà trường về bồi dưỡng HS giỏi môn Tiếng Anh mà cô còn tích cực tham gia các hoạt động và phong trào, đóng góp vào thành tích chung của nhà trường như: Giải Nhất Hội thi Tái hiện nhân vật lịch sử năm 2010-2011, Hội thi Nét đẹp phấn trắng, Giải Nhất chung cuộc Hội diễn văn nghệ ngành Giáo dục - Đào tạo; Giải Ba Hội thi nấu ăn…

Với những thành tích xuất sắc, ngày 20/11 vừa qua, cô Hạnh đã vinh dự được Sở GD&ĐT TPHCM trao tặng giải thưởng cao quý Võ Trường Toản cùng với 32 giáo viên khác trên địa bàn TP. Với cô Hồng Hạnh, những giải thưởng quả thật rất cao quý, bởi đó là sự ghi nhận những cống hiến của mình cho sự nghiệp giáo dục.

Nhưng điều cao quý hơn chính là sự tiến bộ từng ngày của học trò, thấy các em học giỏi, chăm ngoan, trưởng thành rồi lại trở về cống hiến cho nhà trường, cho xã hội như tâm niệm về nghề giáo của cô “mình sẽ cho đi những điều nhỏ bé thôi nhưng nhận lại được là những điều lớn lao mà không thể đong đếm được”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.