Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục

GD&TĐ - Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, công tác truyền thông trong giáo dục đại học cần tập trung ở chính sách vĩ mô, giúp xã hội hiểu và tin tưởng ngành.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội nghị công tác văn phòng và truyền thông khối cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm năm 2023. Ảnh: Mạnh Tùng
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội nghị công tác văn phòng và truyền thông khối cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm năm 2023. Ảnh: Mạnh Tùng

Chiều 2/10, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị công tác văn phòng và truyền thông khối cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm năm 2023.

Hội nghị có sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ các trường đại học trên cả nước.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn dự và chủ trì Hội nghị.

Đa dạng phương thức truyền thông

Tại Hội nghị, Văn phòng Bộ GD&ĐT có báo cáo về công tác truyền thông khối các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm năm học 2022-2023.

Theo đó, truyền thông giáo dục là một trong 5 giải pháp cơ bản được ngành giáo dục thực hiện nhằm triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Năm học 2023- 2024, Bộ GD&ĐT xác định 12 nhiệm vụ trọng tâm, một trong số đó là tăng cường công tác truyền thông giáo dục.

Công tác truyền thông giáo dục nói chung và truyền thông giáo dục khối các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm nói riêng trong thời gian qua có những chuyển động tích cực.

Điều này thể hiện từ nhận thức về tầm quan trọng của truyền thông tới phương thức triển khai truyền thông ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả và sự đầu tư cho công tác truyền thông ngày càng được quan tâm.

Ông Phạm Tiến Toàn, Phó Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT trình bày tại Hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng

Ông Phạm Tiến Toàn, Phó Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT trình bày tại Hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng

Ông Phạm Tiến Toàn, Phó Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT cho biết, các trường đã nắm bắt và theo kịp xu hướng của thời đại công nghệ số, đưa ứng dụng công nghệ vào phục vụ và đa dạng hóa các hình thức truyền thông.

Phương thức truyền thông phổ biến gồm: phối hợp, sự kiện, xây dựng truyền thông và xây dựng hình ảnh. Kênh truyền thông của các trường gồm: truyền thông trên báo chí, mạng xã hội, truyền hình, phát thanh, email, sự kiện, chat, điện thoại, mạng lưới tổ chức, cá nhân...

Một khảo sát từ 271 trường đại học, cao đẳng cho thấy, khoảng 96% số trường đang vận hành cổng thông tin điện tử của trường; hơn 94% vận hành Fanpage Facebook.

Tuy nhiên, trong công tác truyền thông của các trường còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Báo cáo của Văn phòng Bộ GD&ĐT chỉ ra rằng, hầu hết các trường hiện dành phần lớn sự quan tâm và nguồn lực cho truyền thông tuyển sinh.

Hệ thống truyền thông khối các cơ sở giáo dục đại học đang là hệ thống mạnh nhất, nhưng sức mạnh này chưa thành sức mạnh chung của ngành.

Ngoài ra, sự kết nối giữa các trường về công tác truyền thông cũng là một điểm yếu chưa được cải thiện nhiều.

Hệ quả cùng những hạn chế trên là việc truyền thông chính sách mờ nhạt. Hoạt động truyền thông của nhiều trường còn chậm, thụ động, kém hiệu quả; manh mún, thiếu thống nhất.

Các trường cũng chưa khai thác hết nguồn lực trong trường cho hoạt động truyền thông. Đứng trước vấn đề khủng hoảng, nhiều trường còn lúng túng.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy báo cáo chuyên đề về giáo dục đại học. Ảnh: Mạnh Tùng

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy báo cáo chuyên đề về giáo dục đại học. Ảnh: Mạnh Tùng

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) nêu báo cáo chuyên đề về giáo dục đại học.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, truyền thông trong giáo dục đại học cần hướng đến việc hiểu đúng, công bằng cho giáo dục đại học; hiểu đúng để định hướng nguồn lực cho việc tiếp tục phát triển và phát triển đột phá giáo dục đại học, vì lợi ích quốc gia.

Cần tập trung truyền thông chính sách

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, truyền thông đóng vai trò quan trọng.

Nếu công tác truyền thông giáo dục đại học không tốt, nhiều vấn đề sẽ bị hiểu sai, tác động đến hoạt động của ngành, các cơ sở giáo dục, sứ mạng của ngành.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, một trong những nguyên nhân chính của vấn đề trên là nhận thức, quan điểm về giáo dục đại học chưa theo kịp sự đổi mới; chưa thấy rằng giáo dục đại học là một dịch vụ công đặc biệt, theo quy luật kinh tế thị trường, có sự điều tiết, định hướng của Nhà nước.

"Nhận thức là quá trình, cần có thời gian, nhưng không có nghĩa là chúng ta không làm gì để quá trình nhận thức đó kéo dài", Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu kết thúc hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu kết thúc hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng

Theo Thứ trưởng, muốn đổi mới căn bản giáo dục toàn diện cho giáo dục cần sự có sự chung sức, có tiếng nói chung từ cấp cơ sở.

Truyền thông trong giáo dục cần tập trung các vấn đề vĩ mô, truyền thông chính sách, cho cả hệ thống giáo dục. Những chính sách vĩ mô nếu được quan tâm, các trường sẽ tập trung hơn cho các công việc quan trọng.

Đối tượng của truyền thông chính sách giáo dục cũng rộng hơn truyền thông nội bộ ở các trường. Nhưng muốn làm tốt truyền thông chính sách, phải làm tốt truyền thông nội bộ.

Theo đó, từng cán bộ, giảng viên, sinh viên trong trường phải hiểu bản chất, sứ mạng của giáo dục đại học.

Tiếp đó, thông điệp được truyền tới phụ huynh, người dân, những chuyên gia, trí thức. Cuối cùng, thông điệp của truyền thông chính sách gửi đến các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ban, ngành,…

“Mục tiêu chính là từng bước thay đổi, thống nhất nhận thức, củng cố gia tăng niềm tin của toàn xã hội cho việc ủng hộ và đầu tư cho giáo dục đại học”, Thứ trưởng nói.

Theo Thứ trưởng, các cấp độ trong quá trình truyền thông là để xã hội biết; hiểu; quan tâm, chia sẻ, cảm thông; tin tưởng, yêu quý,...

Về phương thức, việc truyền thông cần tập trung vào sứ mạng của toàn ngành thay vì việc chỉ tập trung vào sứ mạng của của riêng từng cơ sở đại học. Truyền thông cũng cần nêu được giá trị, lợi ích của giáo dục đại học cho người học, giúp xã hội tin tưởng.

Quá trình truyền thông cũng cần tập trung vào tính nhân bản của truyền thông, phát huy sức mạnh của hệ thống, tận dụng công nghệ.

Đại biểu đại diện các trường đại học tham gia hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng

Đại biểu đại diện các trường đại học tham gia hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn giao các Cục, Vụ thuộc Bộ GD&ĐT cần dự báo những vấn đề lớn trong ngành, chuẩn bị tốt các nội dung để truyền thông. Văn phòng Bộ, Trung tâm Truyền thông và sự kiện là đầu mối kết nối thông tin giữa các đơn vị.

Thứ trưởng giao Báo Giáo dục và Thời đại có thêm nhiều bài viết chuyên sâu các vấn đề chủ trương, chính sách của ngành; cung cấp nguồn thông tin chính thống, hấp dẫn về giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.