Vài ngày nay, chúng tôi lưu lại ở nhà dì nơi vùng ngoại ô Paris. Dì rất nhiệt tình dẫn chúng tôi đi tham quan các bảo tàng, tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn, rồi nhiều bảo tàng khác ở vùng xung quanh.
Paris thực sự là một thành phố xinh đẹp và thú vị, nhưng với tính cách của một cô gái quê mùa, tôi đã quá chán với bầu không khí ô nhiễm và tiếng ồn ào của xe cộ. Tôi thực sự cần khoảng không gian xanh và tiếng chim hót thay vì tiếng ồn ào không dứt của ô tô.
Thêm nữa, người dì thân yêu liên tục la hét bên tai tôi những câu như: “Cẩn thận khi băng qua đường!”, “Nhanh lên!”, “Đi nhanh lên!”, khiến tôi thực sự khao khát sự yên bình.
Thế là ngày 5 tháng 9, tôi quyết định trở về quê.
Sau một hồi thuyết phục không thành, do dự và suy ngẫm về việc tôi không quan tâm đến văn hóa hay di sản của đất nước, cuối cùng mọi người cũng đồng ý cho tôi đi dạo một mình vào buổi chiều đến ngôi làng nhỏ bên bờ sông Marne.
Khoảng 1 giờ chiều, tôi được thả xuống bãi đỗ xe của tòa thị chính Précy-Sur-Marne, một ngôi làng nhỏ nhắn, duyên dáng với vài trăm cư dân. Những người khác trong gia đình đi đâu, làm gì, tôi không biết, cũng không quan tâm, vì điều đó không quan trọng, quan trọng là tôi chỉ còn một mình. Cuối cùng, tôi cũng được tự do!
Tôi thong thả dạo bước trên đường chính, ngang qua trường học, nơi tiếng trẻ thơ học bài vang vọng, báo hiệu mùa tựu trường đã đến. Sau đó, tôi đi xuống dọc bờ sông. Thời tiết thật đẹp, lá cây bắt đầu ngả vàng.
Mùa Thu không còn xa, tôi yêu mùa này vô cùng. Hít thở thật sâu, tôi cảm nhận mùi hương đặc trưng của rừng, nấm và những cây dẻ gai sần sùi dưới sức nặng của quả sắp chín trên cành. Xung quanh, những chú chim hót líu lo vui vẻ. Tôi cảm thấy như được hòa mình vào thiên nhiên.
Tôi ngồi xuống chiếc ghế dài và mở túi đồ dã ngoại. Thỉnh thoảng, tôi lại ngắm nhìn những người thợ làm việc trên chiếc thuyền đáy phẳng, trông chẳng giống gì với những thuyền đánh cá truyền thống của vùng Bretagne chúng tôi.
Tôi vừa kết thúc bữa trưa ngon tuyệt vời thì thấy một phụ nữ mặc đồ đen tiến lại. Bà ấy bước đi chậm rãi, ung dung. Điều khiến tôi ngạc nhiên là bà ngồi xuống bên cạnh và bắt đầu trò chuyện:
“Xin chào, chúc cô có một bữa ăn vui vẻ và ngon miệng!”.
“Cảm ơn bà”.
Im lặng một lúc lâu, tôi tiếp tục cuộc trò chuyện:
“Hôm nay thời tiết rất đẹp, đây thực sự là một ngôi làng nhỏ xinh xắn!”.
“Đúng vậy, cô không phải là người địa phương này, phải không?”.
“Không, tôi là người Bretagne”.
“À! Tôi biết Nantes”, bà ấy lẩm bẩm.
Chúng tôi trò chuyện về Bretagne, về những cảnh đẹp hùng vĩ, tráng lệ và thời tiết thất thường ở nơi đây. Tôi có thể nói mãi không ngừng về quê hương Bigouden và người phụ nữ ấy chăm chú lắng nghe, gật đầu rồi mỉm cười khi tán thành.
Chúng tôi cảm thấy thoải mái khi trò chuyện. Có những người mà khi vừa gặp gỡ đã cảm thấy có sự kết nối ngay lập tức, ta cảm thấy thoải mái khi ở bên họ.
Trong lúc trò chuyện, bà ấy càng trở nên cởi mở, nhiệt tình hơn khi biết tôi viết thơ trong những lúc rảnh rỗi.
“Cô có mang những bài thơ đó theo bên mình không?”.
“Có, tôi luôn mang theo cuốn sổ tay cũ ghi chép những bài thơ trong túi”.
Tôi đưa cuốn sổ cho bà, bà ấy lật giở từng trang rồi dừng lại ở bài thơ tôi đặt tựa đề là “Mùa Thu”.
“Tôi có thể đọc lên được không?”.
Tôi có chút xấu hổ, ngại ngùng, gật đầu đồng ý.
Bà ấy bắt đầu đọc to bài thơ, khiến tôi hơi đỏ mặt.
Rất nhanh, bằng trực giác, bà ấy đã tìm được giọng điệu phù hợp, tạo cho bài thơ nhỏ, ngắn ngủi này một ngữ điệu khiến tôi ngạc nhiên. Hơn nữa, giọng đọc của bà ấy không hề xa lạ, rất quen thuộc.
“Bà đọc rất hay!”.
“Tôi sao, không thể như thế được, tôi vẫn hay nói lắp, điều đó thật tồi tệ!”.
Bà ấy mỉm cười và gỡ bỏ chiếc kính đen trên mặt ra trong giây lát, tôi giật mình vì nhận ra người quen.
Bà ấy nhìn tôi và bắt đầu hỏi một cách thân mật:
“Tại sao cháu lại đến đây?”.
Lúng túng một lúc, tôi giải thích cho bà ấy về câu chuyện rắc rối khi ở cùng người dì và mong muốn được tìm lại chính mình, tìm lại sự bình yên ở ngôi làng nhỏ, nơi có nhà của ca sĩ mà tôi vô cùng ngưỡng mộ.
“Cháu muốn gặp ông ấy sao?”.
“Ồ, đúng vậy! Cháu đã từng cố gắng thử vài lần nhưng...”.
Bà ấy lại mỉm cười. Tôi yêu nụ cười có chút bí ẩn này. Nụ cười bí ẩn đó đôi khi khiến bà ấy trở nên vừa gần gũi vừa xa cách.
“Ông ấy là người dễ gần, thân thiện và tốt bụng”.
“Bà biết ông ấy sao?”.
“Tất nhiên rồi”.
Tôi thở dài.
“Có lẽ một ngày nào đó…”.
Bỗng nhiên bà ấy đứng dậy, cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Lúc này, bà ấy có vẻ mệt mỏi.
“Trời trở lạnh rồi, đi nào, bà mời cháu về nhà uống trà”.
“Cháu cảm ơn. Bà thật tuyệt vời!”. Tôi có chút ngạc nhiên, vội đáp lời.
Chậm rãi, chúng tôi đi lên dốc về phía nhà thờ và tòa thị chính, sau đó rẽ vào một con hẻm nhỏ.
“Đến nơi rồi, cháu vào đi”.
Tôi ngạc nhiên khi đứng trước căn nhà được bao bọc bởi những bức tường cao.
Bà ấy dẫn tôi vào căn phòng lớn, có cây đàn piano đen tuyền. Tôi rất muốn chạm vào nó nhưng lại không dám.
Bà ấy cởi áo khoác ra.
“Cháu ngồi xuống đi, bà đun chút nước pha trà”.
Nhưng tôi vẫn đứng đó, bên cạnh lò sưởi. Tôi không thể không ngắm nhìn xung quanh mình. Trong góc phòng là chiếc ghế bập bênh cũ, liệu đó có phải là chiếc ghế trên tấm áp phích nổi tiếng?
Trên tường treo những bức ảnh của bà ấy, bên cạnh những bức ảnh của Brel, Moustaki, Depardieu...
Thời gian dường như ngừng lại. Căn phòng mang bầu không khí thoảng mùi hương mê hoặc len lỏi, xâm chiếm tâm trí tôi.
“Cháu thấy tò mò sao?”.
“Chính xác là xúc động…”.
Buổi trò chuyện bên tách trà bắt đầu.
Chú mèo con tiến đến dụi đầu vào chân tôi. Tôi nhẹ nhàng vuốt ve nó.
“Nó nghe lời nhỉ, hẳn là bà rất yêu động vật?”.
“Vâng, bà có bốn con mèo”.
“Bốn con sao?”.
“Đến đây nào, trà đã sẵn sàng rồi”.
Tôi ngồi xuống chỗ đối diện và giống như những người bạn thân lâu năm, chúng tôi trò chuyện vui vẻ về mọi thứ, từ những chuyện vặt vãnh đến những vấn đề sâu sắc (có lẽ tôi đã chia sẻ quá nhiều về bản thân...). Chúng tôi nói về thơ ca, về những đêm mất ngủ của mình, về cuốn sách bà ấy đang viết với đầy tâm tư hoài niệm.
Bà ấy tâm sự: “Thật khó để quay trở về, nhìn lại quá khứ”.
“Cháu có thể cho bà mượn cuốn sổ ghi chép thơ được không? Bà muốn đọc nó nghiền ngẫm một cách kỹ lưỡng”. “Được thôi, tất nhiên là được ạ”.
“Đừng lo lắng, bà sẽ gửi trả lại cho cháu qua đường bưu điện sau”.
Tôi không hề lo lắng. Tôi muốn mối quan hệ này kéo dài mãi mãi, kết nối giữa chúng tôi sẽ mãi bền chặt.
“Bà có thể dẫn cháu đi tham quan khu vườn này không?”.
“Được chứ, rất hân hạnh”.
Bà ấy rất tự hào về khu vườn và nói về nó với niềm đam mê, tự hào mãnh liệt. Đúng, nơi đây là một nơi tuyệt đẹp, một ốc đảo, một thiên đường bình yên, nơi chỉ có tiếng gió và tiếng chim hót phá vỡ sự tĩnh lặng.
“Đây chính là thiên đường của bà!”. Bà ấy thốt lên.
Chúng tôi ngồi xuống khoảng sân có mái che. Chú mèo không rời tôi nửa bước. Bà ấy bật cười khi nhìn thấy nó lăn lộn trên đất rồi nhảy lên đùi tôi.
“Ngoan nào, đi ra kia chơi tiếp đi”. Bà ấy nhẹ nhàng nói với nó.
Đột nhiên, nhớ ra thời gian không còn sớm nữa, tôi nhìn đồng hồ:
“Ôi, đã 6 giờ chiều! Cháu phải đi rồi, dì cháu chắc đang đợi ở gần tòa thị chính”.
Tôi luyến tiếc đứng dậy, bà hái bông hồng lúc chiều muộn.
“Cầm lấy, bông hoa này tặng cháu”.
“Cháu cảm ơn bà”.
Tôi ôm hôn chào tạm biệt bà ấy.
“Khi nào cháu quay trở lại Paris, đừng ngại, hãy nhớ ghé thăm bà lần nữa nhé!”.
“Được ạ, cháu sẽ gọi điện cho bà trước”.
“Đừng quên gửi fax cho bà những bài thơ mới của cháu”.
“Cháu hứa sẽ không quên”.
Chúng tôi ôm hôn tạm biệt nhau một lần nữa.
“Cảm ơn, cảm ơn bà rất nhiều vì một ngày tuyệt vời này”. Tôi thì thầm.
Hình ảnh cuối cùng tôi nhìn thấy về bà là một phụ nữ mặc đồ đen, mảnh khảnh, nhỏ nhắn đang ôm áo khoác quanh đôi vai gầy trong gió lạnh.
Tôi không bao giờ được gặp lại bà nữa, bà đã về với thiên đường vào một ngày tháng 11 nào đó, để gia nhập xứ sở của những nhà thơ đã khuất.
Trong tâm trí tôi, một vì sao đã được thắp sáng.
Dành tặng Barbara.
Ngọc Anh (Dịch từ tiếng Pháp)