Các chủ trường tại TPHCM đang cùng giáo viên, nhân viên nỗ lực vượt khó.
Giữ bằng được đội ngũ nòng cốt
Với 2 cơ sở, ra đời trên 20 năm, Trường THCS - THPT tư thục Hồng Đức (quận Tân Phú, TPHCM) là một trong số ít trường phổ thông ngoài công lập thành lập sớm nhất ở TPHCM. Đương nhiên với bề dày truyền thống, với số lượng thầy - trò đông đảo, nhiều người tin rằng nhà trường sẽ đủ sức vượt lên “bão” dịch Covid-19.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo GD&TĐ, ông Trần Thanh Tâm - Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Trường THCS - THPT tư thục Hồng Đức lại hết sức băn khoăn: “Ai cũng biết thuyền càng to sóng càng lớn. Tạm đóng cửa trường vì dịch bệnh Covid-19, đồng nghĩa nguồn thu của các trường tư không có, lấy gì chi trả cho CB, GV, NV. Chúng tôi đau đầu lắm”.
“Không lẽ bỏ mặc toàn bộ đội ngũ?”. Chưa vội trả lời câu hỏi của chúng tôi, ông Tâm trầm ngâm: “Các trường tư thục cả nước đều rơi vào hoàn cảnh bi đát, chúng ta cần chia sẻ gánh nặng này.
Tháng 2 vừa qua, chúng tôi vẫn bảo đảm chi trả 100% lương cơ bản cho tất cả CB, GV, NV. Sang tháng 3, những CB, GV cơ hữu (lực lượng nòng cốt), một số GV tham gia dạy trực tuyến và mấy GV quản nhiệm (trực tiếp quản lý học sinh học trực tuyến) vẫn được chi trả như tháng 2. Số GV, NV còn lại chỉ được nhận 50% mức lương cơ bản.
Hết tháng 4 này, việc chi trả của nhà trường không có gì thay đổi. Nhưng nếu tháng 5, tháng 6 vẫn phải nghỉ học vì dịch bệnh thì vô cùng căng thẳng. Có lẽ chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ một số CB, GV cơ hữu khoảng 50% mức lương cơ bản. Số GV, NV còn lại thì đành chuyển họ cho hưởng chế độ trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp do Nhà nước chi trả…”.
Tâm tư và cách đối phó với khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 của ông Tâm nói trên, về cơ bản cũng không khác bao nhiêu so với chủ của nhiều trường ngoài công lập ở TPHCM hiện tại…
Cố gắng cầm cự và hy vọng
Ông Trần Trung Kiên - Chủ tịch HĐQT Trường THCS - THPT tư thục Đào Duy Anh (quận 6 - TPHCM) cho biết: “Chúng tôi chỉ chi trả thu nhập cho một số GV quản nhiệm và NV lao công, NV bảo vệ tính theo từng buổi, làm buổi nào tính buổi ấy (mỗi buổi chỉ có 1 người thay nhau trực luân phiên).
Với đội ngũ GV cơ hữu gắn bó lâu năm, có nhiều đóng góp với nhà trường, nhất quyết phải giữ bằng việc bảo đảm họ vẫn lãnh đầy đủ mức lương cơ bản trong bất cứ hoàn cảnh nào. Riêng GV, NV hợp đồng lao động ngắn hạn thì đành nói lời chia tay.
Nếu dịch bệnh kéo dài thì chưa biết thế nào, nhất là đời sống của không ít GV, NV các trường tư đang dạy học theo diện hợp đồng lao động từng năm một? Việc chi trả trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho những đối tượng này và chính sách của Nhà nước hỗ trợ người lao động bị mất việc trong trường hợp dịch bệnh này là hết sức cần thiết”.
Để cầm cự mùa dịch bệnh, cô Nguyễn Thị Hải Yến, Hiệu trưởng của 3 cơ sở Mầm non tư thục Duy Nhật Tân (phường Thạnh Xuân, quận 12, TPHCM) tâm sự: Chúng tôi có gần 100 CB, GV, NV, do nguồn thu mấy tháng nay không có, nên lãnh đạo nhà trường lúc nào cũng như ngồi trên “đống lửa”.
Đa số GV, NV của trường tạm thời nghỉ việc không lương. Tôi và một số NV phục vụ (làm bếp) phải tận dụng thời gian rảnh chuyển qua bán hàng online. Chúng tôi tự chế biến nhiều mặt hàng ăn như: Cơm chiên, súp cua, bánh bột lọc, há cảo, bánh ít nhân trần, chả giò…, rồi bán qua mạng để sống tạm…
Xoay xở làm thêm
“Thương các cô giáo vô cùng, vì dịch bệnh gây nên cảnh thất nghiệp tạm thời, chưa rõ khi nào các trường cả nước mở cửa trở lại...”. Đó là nỗi lo đau đáu của cô Lê Thị Minh Hoan đang phụ giúp chồng quản lý 2 cơ sở Mầm non tư thục ở phường An Phú Đông, quận 12, TPHCM.
Để an toàn cho cả gia đình và giúp bố mẹ làm nương rẫy trong thời gian dịch bệnh này, cô Hoan đã cùng với 2 con về nhà mẹ ở Lâm Hà, Lâm Đồng. Hàng ngày cô Hoan giúp gia đình làm rẫy tiêu, cà phê… chờ đợi hết dịch bệnh, để mái trường mầm non lại rộn tiếng ca vui.
Qua tìm hiểu sơ bộ, nhiều GV, NV các trường tư thục ở TPHCM đang phải vật lộn kiếm kế mưu sinh mùa đại dịch Covid-19. Họ làm đủ thứ nghề, đa số hành nghề phụ việc nhà - chăm sóc trẻ cho những gia đình có nhu cầu (việc làm này rất thuận lợi với các cô giáo mầm non và tiểu học).
Nhiều thầy cô chọn công việc bán hàng - shipper qua mạng, tuy nhiên thu nhập khá bấp bênh. Một số thầy cô tìm kế sinh nhai dạy kèm tư gia, do dịch bệnh nên nhu cầu học thêm cũng giảm đáng kể. Bên cạnh đó, thu nhập của nhiều vị cha mẹ học sinh thời dịch bệnh cũng đang bị ảnh hưởng không nhỏ, vì vậy việc chi trả chi phí cho con cái học thêm khá khó khăn…
Ngày 27/3/2020, tại Kỳ họp thứ 19 - Hội đồng Nhân dân TPHCM đã ra Nghị quyết hỗ trợ người lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh (mà không có đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp), với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng trong vòng 3 tháng. Trong đó chú ý lực lượng GV các nhóm trẻ, mầm non và mẫu giáo ngoài công lập.