Trước đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu, muộn nhất ngày 31/3, các sở GD&ĐT phải hoàn thành việc rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu về khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên. Các trường THPT và địa phương đã hoàn tất quy trình này, tiếp tục chuẩn bị cho công đoạn tiếp theo.
Bám sát hướng dẫn của Bộ GD&ĐT
Năm nay, Trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ) có gần 300 học sinh lớp 12. Thầy Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thế Lượng cho hay, 100% học sinh thuộc diện khu vực 2 nông thôn (KV2-NT). Toàn trường có 16 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số.
“Các dữ liệu này đã được nhà trường cập nhật trên hệ thống. Ngoài thông tin về đối tượng ưu tiên và khu vực ưu tiên, chúng tôi cũng hoàn tất việc cập nhật dữ liệu về học bạ của học sinh, gồm năm lớp 10, 11 và học kỳ I năm lớp 12”, thầy Lượng chia sẻ.
Cũng theo thầy Lượng, qua khảo sát sơ bộ, 100% học sinh của Trường THPT Hạ Hòa đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, tham gia xét tuyển đại học, cao đẳng. Hiện, các em đã có mã định danh, căn cước công dân.
Tại Trường THPT Hồng Quang (Hải Dương), thầy Hiệu trưởng Vũ Thanh Lam thông tin, toàn trường khoảng 500 học sinh lớp 12. Nhà trường thường xuyên lưu ý học sinh kiểm tra thông tin cá nhân, đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên để không bị nhầm lẫn, sai sót khi đưa lên hệ thống.
“Riêng về học bạ THPT, nhà trường đã cập nhật đến hết học kỳ I năm lớp 12. Qua đó, tạo thuận lợi cho thí sinh tham gia xét tuyển sớm bằng phương thức học bạ của một số cơ sở giáo dục đại học”, thầy Lam chia sẻ.
Với hơn 400 học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Hùng Vương (Gia Lai) hoàn thành cập nhật các dữ liệu về học bạ của 5 học kỳ (từ lớp 10 đến học kỳ I năm lớp 12). Các thông tin về khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên cũng có đầy đủ. “Để không xảy ra sai sót, chúng tôi yêu cầu thí sinh rà soát thật kỹ thông tin cá nhân, từ căn cước công dân, đến đối tượng ưu tiên. Muộn nhất đến 17 giờ ngày 25/7, thí sinh phải xác nhận thông tin chế độ ưu tiên của mình và điều chỉnh sai sót (nếu có)”, cô Hiệu trưởng Lê Thị Thu nhấn mạnh.
Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh Bình Định có khoảng 15.000 học sinh lớp 12. Ông Đào Đức Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT - thông tin, đến thời điểm này, các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên đã hoàn thành việc rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu về khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên. Sở sẽ bám sát chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT để thực hiện các quy trình liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng…
“Sở đang chỉ đạo các bộ phận chuyên môn và nhà trường triển khai công đoạn tiếp theo. Dự kiến, cuối tháng 5, trong tháng 6 tiến hành rà soát kết quả điểm học tập cấp THPT (học bạ) trên Hệ thống. Đầu tháng 7, tổ chức cho thí sinh thử thực hành việc đăng ký xét tuyển, nộp lệ phí dịch vụ tuyển sinh (lệ phí xét tuyển) trên Hệ thống”, ông Tuấn cho hay.
Học sinh lớp 12 của Trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ). Ảnh: NTCC |
Tránh nhầm lẫn, sai sót
Liên quan đến việc rà soát, cập nhật thông tin của học sinh đang học lớp 12 năm học 2022 - 2023 trên cơ sở dữ liệu ngành phục vụ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2023, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương Lương Văn Việt yêu cầu, trước 17 giờ ngày 21/4, các đơn vị rà soát, cập nhật đầy đủ thông tin cá nhân của học sinh đang học lớp 12 năm học 2022 - 2023.
Thông tin bao gồm: Họ và tên, ngày sinh, giới tính, dân tộc, chứng minh thư/căn cước công dân (đồng thời là số định danh cá nhân)/số hộ chiếu (đối với học sinh không có quốc tịch Việt Nam); nơi thường trú. Cập nhật điểm tổng kết từng môn học (có tính điểm), điểm tổng kết, xếp loại học lực, hạnh kiểm của từng học kỳ và cả năm của các năm học lớp 10, 11 và học kỳ I năm lớp 12.
Trước 17 giờ ngày 31/5, rà soát, cập nhật điểm tổng kết từng môn học (có tính điểm), điểm tổng kết, xếp loại học lực, hạnh kiểm của học kỳ II và cả năm lớp 12.
“Sau thời gian yêu cầu, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành tự động khóa, thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn các thông tin”, ông Việt nhấn mạnh.
Khẳng định, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023 giữ ổn định như năm 2022, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ (GD&ĐT) - nhấn mạnh, công tác tuyển sinh được tăng cường ứng dụng chuyển đổi số vào các khâu. Theo đó, thí sinh có thể thực hiện trực tuyến từ khi các em đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, cho đến khâu cuối cùng là xác nhận nhập học.
Trước mắt, chậm nhất ngày 31/3, các sở GD&ĐT phải hoàn thành việc rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu về khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên. Cũng trong thời gian này, Bộ GD&ĐT phối hợp cùng các cơ sở đào tạo hoàn thành cơ sở dữ liệu ngành trên Hệ thống HEMIS, phục vụ công tác xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2023.
Nhấn mạnh, thí sinh cần rà soát thông tin cá nhân của mình để bảo đảm độ chính xác, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhắc lại, năm 2022, một số thí sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng. Có em còn chắc chắn sẽ trúng tuyển vào trường đã đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, thí sinh lại nhầm lẫn về đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên. Do nghĩ mình được cộng điểm ưu tiên và mặc định đã trúng tuyển đại học. “Đáng tiếc, các em đã sai lầm, dẫn đến trượt đại học”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay.
Theo dự kiến kế hoạch tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2023, thí sinh vẫn có thể sửa sai, xác nhận thông tin chế độ ưu tiên của mình. Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng trong khoảng thời gian nhất định, được tính từ ngày thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT đến trước 17 giờ ngày 25/7.