Bà Ngô Thị Thanh Hằng (Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội) phát biểu tại Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Thành tích của Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã góp phần khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và thành phố về xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia GD- ĐT cho học sinh - thế hệ chủ nhân tương lai của Thủ đô, của đất nước”.
Bà Ngô Thị Thanh Hằng: “Đây là niềm tự hào không chỉ của riêng trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, mà còn là niềm vinh dự, tự hào chung của ngành giáo dục Thủ đô" |
“Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã phát triển thành một ngôi trường có trên 3.000 HS và trên 400 cán bộ, giáo viên, nhân viên... như hiện nay. Chúng tôi thật sự vui mừng và xúc động khi nhớ lại cách đây 15 năm, chúng tôi cùng với nhà giáo, tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa - người khởi lập trường Nguyễn Bỉnh Khiêm - sau khi được thành phố cấp gần 8.000m2 đất tại quận Cầu Giấy, đã xây dựng trường, đến nay có được một ngôi trường rất khang trang, đẹp, hiện đại, đạt Chuẩn Quốc gia, chuẩn chất lượng cao của thành phố Hà Nội” - Bà Ngô Thị Thanh Hằng nhớ lại.
Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm coi hạnh phúc và tiến bộ của học sinh là 2 chỉ số quan trọng nhất. |
Thầy Đàm Tiến Nam (Hiệu trưởng trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm) chia sẻ: “Là mô hình nhà trường được ra đời theo tinh thần xã hội hóa, Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn coi việc cống hiến vì cộng đồng là một niềm vinh dự, đồng thời luôn quan tâm xây dựng, mở rộng mối quan hệ hợp tác cả trong nước và quốc tế để học hỏi, hội nhập và phát triển”.
Theo thầy Đàm Tiến Nam, 25 năm qua, gần 15 nghìn học sinh đã tốt nghiệp để bước vào cuộc sống. Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm là ngôi trường có mục tiêu giáo dục rõ ràng: “Dạy học là dạy làm người”. Mục tiêu của nhà trường là đào tạo những con người sống tự chủ, trách nhiệm, biết yêu thương, có khả năng sáng tạo, thích ứng cao với giai đoạn hội nhập hôm nay.
Triết lý này đã được hoàn thiện bằng những quan điểm giáo dục cơ bản luôn hướng về mục tiêu nhằm phát hiện, khơi dậy và phát huy những tiềm năng của mỗi học trò như phương châm: “Chăm lo đến từng học sinh, giúp cho mỗi trò đều tiến bộ”.
Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm coi hạnh phúc và tiến bộ của học sinh là 2 chỉ số quan trọng nhất. Nhà trường coi trọng sự thay đổi, tiến bộ của mỗi học trò, chứ không phải điểm số thành tích là thước đo chất lượng của nhà trường.
Một sự khác biệt nữa ở trường Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà trường luôn coi trọng mọi yếu tố giúp học sinh nên người và hạnh phúc, kể cả các yếu tố vốn bị coi là phụ. Các môn vốn bị coi là phụ luôn có một vị trí đặc biệt ở trường Nguyễn Bỉnh Khiêm: Môn Giáo dục Công dân để học sinh hình thành nhân cách, môn Thể dục để phát triển thể chất, môn Nghệ thuật để bồi đắp cho mỗi học sinh một tâm hồn phong phú qua các giờ học đổi mới...