Trường học vùng cao xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa

GD&TĐ - Đến với Trường PTDTNT THCS Tây Giang (huyện biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), chúng tôi thực sự xúc động trước niềm vui, phấn khởi của đội ngũ cán bộ, giáo viên, HS trong ngày khánh thành mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa.   

Trường học vùng cao xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa

Không chỉ là mô hình giáo dục kiến thức chủ quyền biển đảo hết sức bổ ích và lý thú, việc làm này còn vun đắp thêm tình yêu, niềm tự hào đối với biển đảo quê hương cho con em HS đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Góp sức xây dựng mô hình GD biển đảo cho HS

Theo thầy Nguyễn Thanh Triều – Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS Tây Giang, biển đảo là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, gắn với quá trình sinh tồn và phát triển từ ngàn đời của dân tộc ta, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Chính vì thế, công tác tuyên truyền giáo dục về chủ quyền biển, đảo cho thế hệ trẻ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong ngành GD hiện nay.

Nói về việc xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa của thầy trò nhà trường, thầy Nguyễn Thanh Triều cho biết: Thực hiện theo kế hoạch năm học 2016 - 2017, được sự đồng thuận giúp đỡ của lãnh đạo UBND 10 xã trên địa bàn huyện biên giới Tây Giang. Trường PTDTNT THCS Tây Giang đã triển khai xây dựng mô hình cột mốc tọa độ Đảo Trường Sa. Công trình thực sự thể hiện công sức, tâm huyết của cả hệ thống chính trị. Bởi vì, kinh phí xây dựng công trình là từ sự đóng góp của chính quyền 10 xã, còn người dân, phụ huynh, đội ngũ cán bộ, giáo viên trực tiếp chung tay góp sức thực hiện.

Mô hình cột mốc Trường Sa này được đặt tại vị trí trang trọng tại khuôn viên nhà trường, đối diện với công trình Gươl truyền thống của đồng bào dân tộc Tây Giang. Công trình cao 3,5 mét, tính cả bục và cột cờ, mô hình được chế tác theo nguyên mẫu. Mô hình cột mốc Trường Sa vừa khẳng đinh chủ quyền Tổ quốc, vừa tượng trưng cho lòng tự hào dân tộc, tình yêu biển đảo của HS, giáo viên nhà trường. Đồng thời, thể hiện tâm nguyện của lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể địa phương trong việc đẩy mạnh công tác giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng cho con em địa phương.

Nơi học tập, sinh hoạt lý thú, bổ ích cho HS, giáo viên

Thầy Nguyễn Thanh Triều, công tác giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, HS là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, thường xuyên của các cơ sở giáo dục, trong đó có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Thời gian qua, nội dung giáo dục tình yêu biển đảo cho HS vùng cao biên giới luôn được nhà trường, đội ngũ giáo viên triển khai thực hiện trong nhiều năm học qua. Tuy nhiên, làm thế nào để mỗi giờ học về biển đảo thực sự có chất lượng, mang lại ý nghĩa thiết thực và thu hút, lôi cuốn HS là điều mà trường học nào cũng hết sức trăn trở.

Bởi vậy, chủ trương xây dựng cột mốc đảo Trường Sa trong trường học là hình thức tuyên truyền trực quan sinh động, giúp HS cảm nhận sâu sắc về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tạo thành khối đoàn kết thống nhất trong ý chí và hành động theo sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

“Kể từ hôm nay, ngoài tượng công trình nhà Gươl, mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa sẽ là biểu tượng thứ 2 của nhà trường để giáo dục cho các thế hệ HS hôm nay và mai sau lòng yêu nước, giữ gìn truyền thống quý báu của dân tộc, ý chí quyết tâm giữ nước và sẵn sàng đấu tranh dưới nhiều hình thức để bảo vệ biển đảo và qua đó thể hiện tấm lòng, sự sẻ chia với những nỗi cực nhọc và vô cùng hiểm nguy của các chiến sĩ Trường Sa, các ngư dân đang ngày đêm bám biển, giữ gìn biển đảo thân yêu”, thầy Triều cho hay.

Theo thầy A Lăng Điếu – Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS Tây Giang, dạy học về chuyên đề giáo dục biển đảo là một nội dung đã được nhà trường, giáo viên triển khai thực hiện từ nhiều năm nay, tuy nhiên, làm thế nào để bài học luôn luôn là tâm điểm thu hút, lôi cuốn HS là một điều không phải giáo viên nào cũng thực hiện được. Chính vì vậy, mô hình giáo dục biển đảo đã thực sự mang lại động lực cho giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy.

Từ việc tổ chức bài giảng tích hợp, lồng ghép kiến thức giáo dục biển đảo trong chương trình các môn học, đến xây dựng thành các chuyên đề, chủ đề riêng về giáo dục biển đảo để giảng dạy cho HS. Chính điều đó, đã làm cho những giờ học về biển đảo càng trở nên sinh động, hấp dẫn và lôi cuốn. Các em HS hứng thú khi được học bài theo phương pháp trực quan sinh động, lấy mô hình giáo dục biển đảo làm công cụ giáo dục để khám phá, chiếm lĩnh kiến thức.

Mong rằng với mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa, nhà Gươl này sẽ được thầy cô giáo thường xuyên vận dụng trong giảng dạy, đặc biệt đối với các phân môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và tổ chức các hoạt động ngoại khóa, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, phẩm chất, lối sống cho HS.

Mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa trong trường học không chỉ là góc học tập sinh động, cung cấp thông tin về chủ quyền biển đảo mà còn nhắc nhở HS luôn hướng về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Dù nhận thêm loạt vũ khí mới nhưng Ukraine chưa thể ngăn được đà tiến của quân đội Nga.

Đột phá Semyonovka mang đến cơ hội nào?

GD&TĐ - Bộ Quốc phòng Nga hôm 29/4 thông báo quân đội từ Trung tâm Battlegroup đã hoàn thành việc kiểm soát khu định cư Semyonovka ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk.