Trường học ở Thanh Hóa tăng cường phòng chống thuốc lá

GD&TĐ - Trước những tác hại của thuốc lá, nhiều trường học tại Thanh Hóa  đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh.

Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa trao giải cuộc thi Tìm hiểu quy định pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá. Ảnh: NTCC
Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa trao giải cuộc thi Tìm hiểu quy định pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá. Ảnh: NTCC

Nhà trường phối hợp với gia đình trong phòng chống thuốc lá

Hiện nay, bên cạnh thuốc lá truyền thống, thị trường còn xuất hiện các loại thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng... Những sản phẩm này đang dần xâm nhập vào trường học và cộng đồng, ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi, lối sống và sức khỏe của thanh thiếu niên, kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe, kinh tế và xã hội.

Trước thực trạng trên, nhiều trường học tại Thanh Hóa đã chủ động triển khai các hoạt động tuyên truyền, giúp học sinh nhận thức rõ tác hại của thuốc lá.

Tại Trường THPT Lam Kinh (huyện Thọ Xuân), ngay từ đầu năm học 2024–2025, nhà trường đã tổ chức các buổi sinh hoạt dưới cờ với nội dung xoay quanh an toàn giao thông và tác hại của thuốc lá.

Ông Nguyễn Minh Đạo – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ngay từ đầu năm học, nhà trường tổ chức đối thoại với phụ huynh và yêu cầu học sinh cùng phụ huynh ký cam kết không hút hoặc sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử trong trường. Đồng thời, toàn thể cán bộ, giáo viên cũng được quán triệt nghiêm túc về việc không hút thuốc trong khuôn viên trường học”.

1f0ee5a8df616a3f3370.jpg
Trường THPT Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa) tổ chức ngoại khóa chuyên đề phòng chống tác hại thuốc lá. Ảnh: NTCC.

Ban giám hiệu nhà trường đặc biệt chú trọng đến tác phong, hình ảnh và nền nếp của đội ngũ giáo viên là những người làm gương cho học sinh. Môi trường giáo dục lành mạnh, không khói thuốc là tiêu chí quan trọng mà nhà trường theo đuổi.

“Ban nề nếp thường xuyên tổ chức kiểm tra đột xuất tại các lớp học nhằm phát hiện, ngăn chặn học sinh mang hoặc sử dụng thuốc lá. Hệ thống camera giám sát cũng hỗ trợ đáng kể trong việc kiểm soát hành vi này”, ông Đạo chia sẻ.

Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Các biện pháp trên chỉ phát huy hiệu quả trong thời gian học sinh có mặt tại trường. Vì vậy, nhà trường phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để giúp học sinh hiểu rõ và tránh xa thuốc lá, từ đó xây dựng thói quen lành mạnh ngoài giờ học”.

Nếu phát hiện học sinh hút thuốc, nhà trường sẽ phối hợp cùng gia đình giáo dục, uốn nắn. Những trường hợp tái phạm sẽ bị xử lý theo mức kỷ luật đã quy định trong nội quy trường học.

Giáo viên làm gương, nhà trường chủ động giám sát

Tại Trường THPT Dân tộc nội trú Thanh Hóa, công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá – đặc biệt là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng cũng được đẩy mạnh.

Ông Hà Duyên Tùng – Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên lồng ghép nội dung này vào các buổi sinh hoạt dưới cờ, thông qua video, hình ảnh trực quan. Nhà trường cũng tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá”.

Bên cạnh đó, nhà trường đã ban hành bộ quy tắc ứng xử dành cho học sinh với mục tiêu xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh. Các tiêu chí phòng, chống tác hại của thuốc lá được đưa vào nội dung xét thi đua của các lớp. Tập thể và cá nhân có cách làm hay, sáng tạo sẽ được biểu dương, khen thưởng.

Tại Trường PTDTNT-THCS Quan Sơn, thầy cô giáo đóng vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền và giám sát học sinh.

Ông Lê Duy Dũng – Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Chúng tôi giao nhiệm vụ cụ thể cho giáo viên chủ nhiệm và giáo viên tổng phụ trách trong việc theo dõi, nhắc nhở học sinh. Đồng thời, phối hợp với lực lượng công an tổ chức các buổi tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá và ma túy”.

56d87636-97cc-4cf8-9d0d-6c5764c0cc4e.jpg
Học sinh Trường THPT Quan Sơn được tuyên truyền về tác hại của thuốc lá. Ảnh: NTCC

Nếu phát hiện học sinh sử dụng thuốc lá, giáo viên sẽ yêu cầu viết bản tường trình, ký cam kết không tái phạm. Nhà trường cũng mời phụ huynh đến làm việc để thống nhất biện pháp quản lý con em. Nhờ đặc thù là trường nội trú, hiện chưa ghi nhận trường hợp học sinh hút thuốc. Dù vậy, hoạt động tuyên truyền vẫn được thực hiện thường xuyên ngay từ đầu năm học.

Ông Lê Huy Hà – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn, khẳng định: “Ngay từ đầu năm học, chúng tôi đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá với mục tiêu không có khói thuốc trong trường học”.

Các hoạt động tuyên truyền được triển khai đồng bộ tại các trường, đặc biệt ở cấp THCS và THPT. Phòng GD&ĐT cũng hướng dẫn cán bộ, giáo viên và học sinh nắm rõ các quy định của pháp luật liên quan đến phòng chống tác hại của thuốc lá.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục huyện phối hợp cùng các đơn vị tổ chức các hội thi tuyên truyền, tìm hiểu kiến thức về thuốc lá và tác hại của nó; cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát việc thực hiện tại các trường.

“Phòng GD&ĐT yêu cầu các đơn vị biểu dương, khen thưởng kịp thời những mô hình hiệu quả, sáng tạo. Đồng thời duy trì các đoàn kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất nhằm đảm bảo các hoạt động phòng, chống thuốc lá được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả”, ông Lê Huy Hà - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn (Thanh Hóa).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ