Để bảo đảm an toàn tuyệt đối, các nhà trường cùng nhiều lực lượng tiến hành rà soát toàn diện, nỗ lực khắc phục hậu quả do mưa, bão, lũ gây ra.
Theo đó, các trường học bị ảnh hưởng bởi mưa, lũ đều đã nhanh chóng dọn dẹp và khôi phục môi trường học tập ngay sau khi bão và lũ lụt qua đi.
Tại Trường Mầm non thị trấn Hạ Hòa (huyện Hạ Hòa) hơn 50 cán bộ, giáo viên nhân viên nhà trường và các lực lượng được huy động để dọn dẹp trường lớp.
Giáo viên ở các trường trên địa bàn thị trấn cùng đến hỗ trợ trường, phục hồi lại cơ sở vật chất để đón học sinh trở lại.
Theo cô Trần Thị Tô Thắm- Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Hạ Hòa, giáo viên phối hợp cùng các lực lượng đã thực hiện vệ sinh, lau chùi, quét dọn rác thải và lớp bùn đất đọng lại tại các lớp học, sân trường, sẵn sàng đón học sinh quay trở lại trường.
Nhà trường đã vệ sinh tiêu trùng khử độc khu vực trong và ngoài lớp học để đảm bảo môi trường sạch sẽ, tránh lây nhiễm bệnh tật sau mưa lũ.
Tại Trường Tiểu học Đồng Lương (huyện Cẩm Khê), việc dạy học trở lại bình thường sau cơn bão số 3. Mưa bão khiến mái nhà hai tầng của nhà trường bị tốc, bay hư hỏng.
Ngay khi bão đi qua, cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Đồng Lương cùng các lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả, hiện tại đảm bảo đón học sinh đi học trở lại.
Thầy Vi Khánh Toàn - Hiệu trường Trường THPT Chân Mộng (huyện Đoan Hùng) cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhà trường bị bay toàn bộ mái của dãy nhà lớp học hai tầng; bị hỏng nhiều hệ thống bảng trên sân trường....
Nhà trường đã xin ý kiến các cấp lãnh đạo khắc phục cơ sở vật chất, phối hợp với các lực lượng kết nghĩa, dân quân tự vệ của địa phương để khắc phục hậu quả bước đầu. Đặc biệt nhanh chóng khắc phục hệ thống điện thắp sáng, máy chiếu, bảng thông minh phục vụ công tác dạy và học.
Theo nhà giáo ưu tú Phùng Quốc Lập, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ, để khắc phục và xử lý kịp thời hậu quả do cơn bão số 3 gây ra, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất phục vụ ngay việc giảng dạy, học tập cho năm học mới, các cơ sở giáo dục huy động tối đa nguồn lực, nhân lực khắc phục các thiệt hại, nhanh chóng sửa lại những nhà lớp học, nhà điều hành, hạng mục phụ trợ, tường rào bị hư hỏng...
Đồng thời, các cơ sở giáo dục tiếp tục chủ động theo dõi, cập nhật tình hình, diễn biến thời tiết mưa, lũ, nguy cơ sạt lở sau bão; phổ biến, hướng dẫn tới cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh về các phương án đảm bảo an toàn trong quá trình đến trường và từ trường về nhà;
Tuyệt đối không đi qua lại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, khu vực có nguy cơ bị sạt lở nếu không đảm bảo an toàn. Đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong quá trình học tập, sinh hoạt tại trường.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cần rà soát, kiểm tra lại cơ sở vật chất đảm bảo an toàn cho học sinh đến học tập. Củng cố hệ thống y tế học đường, kiểm tra chất lượng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh sau bão lũ.
Theo thống kê sơ bộ của ngành GD&ĐT tỉnh Phú Thọ, toàn tỉnh có 194 trường bị thiệt hại về tài sản, trong đó 60 trường bị tốc mái, 23 trường bị ngập, 406 cây xanh của các nhà trường bị đổ.