“TRƯỜNG HỌC MỚI”: Để học sinh thêm yêu mái trường

GD&TĐ - Nhà trường lý tưởng phải như thế nào để hàng ngày học sinh thích tới lớp? Để các em không phải khổ sở vì học quá tải và căng thẳng, đồng thời phát triển được tài năng của mình và tiếp thu được những kiến thức mở đường tới tương lai, nơi cái được trân trọng không phải là dầu hỏa, vũ khí, mà là trí tuệ? Liệu điều đó có trở thành hiện thực hay không?

Trường UWC Dilijan ở Armenia (UWC-Trường Thế giới Liên kết- là một tổ chức giáo dục quốc tế kết nối con người, quốc gia, và các nền văn hóa bằng giáo dục nhằm hướng tới sự hòa bình và một tương lai bền vững)
Trường UWC Dilijan ở Armenia (UWC-Trường Thế giới Liên kết- là một tổ chức giáo dục quốc tế kết nối con người, quốc gia, và các nền văn hóa bằng giáo dục nhằm hướng tới sự hòa bình và một tương lai bền vững)

Giáo dục là đầu tư chính cho tương lai, chính vì vậy mà xét trên quan điểm kinh tế, ở nhiều nước trên thế giới, lĩnh vực này phát triển nhanh hơn ngành dầu khí.

Trong thế kỷ XXI, không phải tài nguyên khoáng sản, không phải đất đai, không phải vũ khí đem lại thành công cho một quốc gia: giá trị cơ bản của thế giới hậu công nghiệp, như người ta nói, - đó là nguồn vốn con người. “Đứng đầu sẽ là những nước có nhiều người tài năng nhất tìm đến”, - bà Veronika Zonabend, người sáng lập UWC Dilijan College, phát biểu.

Tại diễn đàn giáo dục quốc tế World Schools Show, nơi tập trung các chuyên gia giáo dục, các thầy giáo và những người thành lập các cơ sở giáo dục đã nêu lên một chủ đề quan trọng: làm thế nào để hệ thống giáo dục thu hút và ủng hộ các tài năng trẻ?

Hiện tại, không hiếm khi những trẻ em say mê học tập cảm thấy trường học thông thường, truyền thống là một “nhà tù nhỏ”. Một trong những thành viên tham gia diễn đàn, học sinh lớp 9 Gosha Bondar phát biểu như vậy. “Cuộc sống đích thực” đối với em bắt đầu ngoài phạm vi nhà trường, trong trường em chỉ dành một phần ba năm học, phần thời gian còn lại chuẩn bị và tham gia các cuộc thi olympia về kỹ thuật robot hoặc học vẽ.

Các thầy giáo chấp nhận điều đó vì Gosha đoạt giải trong các cuộc thi và mang điểm về cho nhà trường - như vậy cậu bé đã thành công trong việc “tách khỏi hệ thống”. “Em thực sự thích môn lập trình và vẽ, những thứ không được coi trọng trong nhà trường, - cậu bé nói.

Chúng em không được dạy những kỹ năng quan trọng nhất, không được học những môn chính: triết học, hội họa, lịch sử, nghệ thuật hùng biện. Nhà trường cần phải dạy những gì giúp ích chúng em trong cuộc sống”.

Mục đích là tìm con đường tới đích

Những gì học sinh ở hầu hết các trường phổ thông học trong 11 năm, theo các em là nhàm chán, xa lạ với cuộc sống, không hiện đại: nhiều em tin rằng nhà trường không cung cấp kiến thức về các hiện tượng, mà chỉ cốt dạy để thi quốc gia thống nhất.

Những người tham gia dự án “Voice of youth/Tiếng nói trẻ em” than phiền rằng hiện nay trong giáo dục Nga đã xuất hiện khoảng cách rất lớn về tuổi tác và tâm lý giữa thầy giáo và học sinh: thầy giáo vẫn dạy theo hệ thống đã hình thành cách đây 200 năm, đã lỗi thời từ lâu.

“Hiện nay mục đích không phải là dạy file (tập tin), mà là con đường dẫn tới file, tới thông tin, - Gosha Bondar nói. Internet là một hệ thống bền vững nhất do nhân loại sáng tạo ra, trên thế giới ở đâu cũng có, và có thể tìm kiếm ở đấy bất cứ thông tin nào sau một giây.

Bản thân Gosha đã làm được một máy tính mini từ đồ chơi và có thể nối mạng bất cứ đâu. Cậu bé kể rằng niềm say mê robot đã giúp em thích thú môn Toán, Hóa học và Nghệ thuật.

Thật vậy, hình như, học sinh hiện nay cũng hình dung ra quá trính dạy học lý tưởng: nhiều bài tập và dự án thực hành, mỗi em đều có con đường riêng của mình, trọng tâm của nó là tạo ra hứng thú cho phép học sinh trong tương lai say mê một cái gì đấy.

Các em nói rằng nhà trường phổ thông cần phải có “những phòng học rộng và nhiều ánh sáng” và những thầy giáo trẻ, xuất sắc, họ sẽ là bạn của học sinh chứ không phải là những người giám sát. Những người sẽ “dạy các em học tập”, chứ không phải căm ghét nhà trường”.

Bà Veronika Zonabend cũng tin tưởng rằng mục đích chính của nhà trường không phải là cấp chứng chỉ, thậm chí không phải truyền thụ kiến thức, mà là tạo ra “thói quen học tập, hứng thú nhận thức”.

Bà nói rằng trong một nhà trường tốt, tất cả mọi người thường xuyên học tập: học sinh, thầy giáo, thậm chí các bậc phụ huynh: “Giáo dục không phải là sự lựa chọn chương trình, mà là đối thoại giữa học sinh và thầy giáo”. Nói cách khác, bà Veronika cho rằng nhà trường phải trở thành môi trường kích thích sự phát triển, sáng tạo và đối thoại.

Để thế hệ tiếp theo tìm ra ý nghĩa cuộc sống

Theo Bà Yulia Veshnikova, người thành lập “Trường học mới” Moskva, thật sai lầm nếu cho rằng nhà trường là nơi chuẩn bị cho học sinh đi vào cuộc sống. “Đó cũng là cuộc sống, trong nhà trường học sinh không chuẩn bị cho cuộc sống, mà là đang sống”, - bà nói.

Vì vậy những người sáng lập “Nhà trường mới” ngay trong giai đoạn xây dựng dự án đã khẳng định rằng ở đây có thể luôn luôn xảy ra một điều gì đấy, hơn nữa không chỉ đối với học sinh, sau các tiết học trẻ em và người lớn “từ bên ngoài” đến đây, vì nhà trường được coi như một sân chơi giáo dục mở “cho mọi người cùng có chung giá trị”.

Tất cả những cái đó động chạm tới một vấn đề quan trọng nữa – vấn đề về sức khỏe tâm lý của người học hiện nay. Tất nhiên, học sinh chịu ảnh hưởng tiêu cực của việc học tập, môi trường công nghệ, nhưng đó không phải là điều chủ yếu nhất.

“Vấn đề chủ yếu của thế hệ tiếp theo là tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống, - bà Veronika Zonabend khẳng định. – Nếu như trước đây mọi người chiến đấu để tồn tại thì hiện nay ở nhiều nước điều đó không còn cần thiết nữa. Vấn đề đặt ra là: học gì? Lấy gì lấp đầy sự vô nghĩa và khoảng trống nhận thức? Phải dạy học sinh suy nghĩ, phải biết được các em muốn học gì, tìm kiếm tài năng của mình – đó là nhiệm vụ chính của nhà trường hiện đại”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ