Trường học Cao Bằng 'căng mình' khắc phục hậu quả sau lũ kịp đón học sinh

GD&TĐ - Các trường học tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng bị ảnh hưởng khiến việc tổ chức cho học sinh đi học trở lại gặp rất nhiều khó khăn.

Trường học Cao Bằng 'căng mình' khắc phục hậu quả sau lũ kịp đón học sinh

Khẩn trương, khắc phục hậu quả

Thực hiện phương châm "4 tại chỗ", ngành giáo dục tỉnh Cao Bằng đã huy động lực lượng khẩn trương ổn định, khắc phục hậu quả sau mưa bão, đảm bảo an toàn và các điều kiện học tập của học sinh, năm học 2024 - 2025.

Tại huyện Bảo Lâm, một trong những huyện chịu ảnh hưởng lớn từ cơn bão số 3, toàn huyện có 45 trường học, hiện nay, có 5 trường bị ảnh hưởng nặng nề, thiệt hại về cơ sở vật chất do mưa lũ gây ra, chủ yếu các trường đều bị nước dâng gây ngập úng, sạt lở xung quanh các công trình lớp học, nhà công vụ gây nguy hiểm.

z5825042346742_7dec948e3b7069462691b857f8ed7dd8.jpg
Trường THPT Bảo Lạc (huyện Bảo Lạc) dọn dẹp trường lớp sau bão

Ông Sầm Ngọc Cao, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bảo Lâm chia sẻ: “Ngay khi xảy ra sạt lở, ngập úng các trường học đã chủ động phối hợp cùng các lực lượng của địa phương, lực lượng Công an, Quân sự cùng một số phụ huynh học sinh đã di dời các thiết bị dạy học đến nơi đảm bảo an toàn.

Phòng đã chỉ đạo các trường bị ảnh hưởng khẩn trương khắc phục hậu quả của bão lũ, đồng thời chủ động lên kế hoạch dạy bù cho học sinh.

Các nhà trường phối hợp chặt chẽ với gia đình để quản lý, bảo đảm an toàn cho học sinh đến khi mưa lũ đi qua. Trước mắt đang theo dõi để thực hiện khắc phục nên chưa thể đón học sinh trở lại trường theo kế hoạch”.

Còn tại huyện Hà Quảng, hiện vẫn còn 4 trong tổng số 74 trường bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 vừa qua còn đang bị ngập nước.

Huyện đang tiếp tục theo dõi tình hình, chờ nước rút, tập trung khắc phục hậu quả nhằm bảo đảm đầy đủ các điều kiện an toàn mới đón học sinh trở lại trường học.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hà Quảng cho biết: Đến thời điểm này, cơ bản các trường học trên địa bàn huyện đã tích cực dọn dẹp vệ sinh để sẵn sàng quay trở lại hoạt động dạy và học bình thường.

Đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cán bộ, giáo viên và học sinh

Thực hiện Công điện số 1200/CĐ-BGDĐT ngày 10/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chỉ đạo công tác khắc phục sau bão số 3; Công văn số 2361/UBND-KT ngày 10/9/2024 của UBND tỉnh về việc chỉ đạo chủ động khắc phục hậu quả do mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn tỉnh, Sở GD&ĐT Cao Bằng yêu cầu các đơn vị khẩn trương tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, học sinh nhà trường và thực hiện nghiêm các văn bản đã gửi.

Trong đó, tiến hành khắc phục hậu quả thiên tai, rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất; vệ sinh môi trường,… đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh, học viên, sinh viên trở lại học tập. Các phòng GD&ĐT tích cực tham mưu UBND huyện, Thành phố tiến hành rà soát đánh giá nguy cơ sạt lở khu vực trường học, kịp thời sửa chữa trường, lớp, trang thiết bị dạy học bị hư hại do mưa bão, hỗ trợ học sinh nhu yếu phẩm, đồ dùng, sách vở,...

Tiếp tục cho trẻ em, học sinh, học viên trên địa bàn tỉnh nghỉ học để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và người học.

z5825043329900_8dce9530ddbf60ffa1ed7a2279c9b482.jpg
Lực lượng chức năng hỗ trợ trường Mầm non 1-6 (thành phố Cao Bằng) dọn dẹp, vệ sinh trường lớp học

Cụ thể: Cấp học mầm non, tiểu học nghỉ học đến hết ngày 15/9/2024. Các cấp học còn lại nghỉ học đến hết ngày 13/9/2024. Sau ngày cho phép nghỉ học, tùy theo tình hình thực tiễn các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động dạy và học; nếu chưa thể tổ chức dạy học được thì báo cáo giám đốc sở GD&ĐT.

Bà Nguyễn Ngọc Thư, giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Đối với các cơ sở giáo dục tiếp tục tổ chức dạy học từ ngày 11/9/2024, nhất trí theo đề xuất của trưởng phòng GD&ĐT và hiệu trưởng nhà trường, gồm các trường phổ thông dân nội trú tỉnh, phổ thông dân nội trú: Thông Nông, Hà Quảng, Bảo Lạc, Thạch An, Bảo Lâm, Hoà An, Hạ Lang, Trường Cao đẳng Sư phạm ( đối với sinh viên năm 2 và năm 3).

Tuy nhiên, lãnh đạo các đơn vị cần đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và người học thuộc phạm vi quản lý.

Theo số liệu báo cáo từ Sở GD&ĐT, cơn bão số 3 vừa qua đã làm 6 em học sinh và 1 thầy giáo trường PTDT bán trú THCS Ca Thành, huyện Nguyên Bình thiệt mạng. Hiện vẫn còn 1 giáo viên trường Mầm non Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình và 1 em học sinh mất tích nghi đã bị vùi lấp tại điểm sạt lở Khuổi Ngoạ, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình.

Về cơ sở vật chất: Cơn bão số 3 đã làm hư hỏng 19 trường. Trong đó, bị thiệt hại nặng nề tại 2 huyện Bảo Lâm và Bảo Lạc như: Trường TH&THCS Đức Hạnh, Trường Mầm non Vĩnh Quang bị sạt lở taluy âm nhà công vụ, phòng sinh hoạt chung; Trường Tiểu học Cốc Lỳ, xã Đức Hạnh: Tại Điểm trường Cà Đổng B bị sạt lở đất vào tường; Mầm non Pác Miầu nước ngập sân trường, tầng 1 nhà lớp học, nhà ăn; Trường Mầm non Thái Sơn, xã Thái Sơn: Điểm trường Bản Là bị nứt chân kè taluy âm, nguy cơ đổ chân kè không đảm bảo an toàn cho dạy và học.

Tại huyện Bảo Lạc: Trường PTDTBT TH&THCS Xuân Trường bị đổ sập tường rào; THCS Hồng Trị đổ sập 01 bức tường, hư hỏng mái và cửa sổ; THCS Đình Phùng ta luy âm sụt lún, gãy mặt đường bê tông; PTDT bán trú TH&THCS Hồng An: đổ sập kè, tường rào; Mầm non Thượng Hà sạt lở đất đá taluy dương; Điểm trường Nà Viềng thuộc Trường PPTDTBT Tiểu học thượng Hà sạt lở đất đá taluy dương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.