Đến dự và phát biểu chỉ đạo hội thảo có GS.TS-KH Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, GS.TS Nguyễn Trọng Uyển, Chủ tịch phân hội khoa học và công nghệ các hợp chất vô cơ; PGS.TS Nguyễn Thám - Hiệu trưởng trường ĐHSP Huế cùng hơn 100 cán bộ giảng dạy, nghiên cứu.
Tại hội thảo lần này, BTC đã nhận được 136 bài báo khoa học thuộc các chuyên ngành vật liệu xúc tác, vật liệu y sinh, vật liệu gốm, vật liệu na no, vật liệu chứa đất hiếm và phân bón, sinh học.
Tuy nhiên do hạn chế về thời gian nên chỉ có 12 tham luận về các đề tài: Nghiên cứu chiết một số nguyên tố đất hiếm bằng hỗn hợp triphenylphotphin oxit, axitdi (2-etylhexy) photporic từ môi trường a xit acetic và các dẫn xuất clo của nó của ThS. Phạm Yên Khang; phương pháp đơn giản điều chế vật liệu nano TiO2 pha tạp đồng thời bởi N và W có hoạt tính quang xúc tác cao trong vùng ánh nhìn thấy của TS. Nguyễn Văn Hưng; Nghiên cứu ảnh hưởng của phức chất đất hiếm với axit lactic kích thích sinh trưởng trên cây cà chua ở Đơn Dương- Lâm Đồng của TS. Nguyễn Thành Anh… được trình bày tại hội thảo.
GS.TS Nguyễn Trọng Uyển - Chủ tịch phân hội khoa học và công nghệ các hợp chất vô cơ - tặng bức tranh lưu niệm cho trường ĐHSP Huế |
Có thể nói rằng sản xuất các hợp chất vô cơ và phân bón có vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp hóa chất ở nước ta và đóng góp lớn trong việc phát triển nông nghiệp, các ngành công nghiệp khác.
Việc tổ chức hội thảo định kỳ hai năm một lần giúp các nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, nghiên cứu tìm hiểu mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau hoàn thiện đề tài, đưa nhanh các kết quả nghiên cứu vào cuộc sống, sản xuất.
Đặc biệt từ hội thảo lần này sẽ duy trì phiên Poster và trao giải thưởng Poster nhằm giới thiệu các công trình khoa học chất lượng cũng như động viên kịp thời các nhà khoa học.