Chia sẻ tại lễ khai giảng, TS Huỳnh Bá Lân, Chủ tịch Hội đồng Trường, Hiệu trưởng Trường ĐH Quản lý và Công nghệ TP.HCM cho biết từ khi dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thành lập (2013) đến lúc trường khai giảng khoá đầu tiên là gần 10 năm. Đó là khoảng thời gian đầy gian nan, thử thách, đầy khó khăn nhưng chưa bao giờ đội ngũ sáng lập có ý muốn bỏ cuộc giữa chừng.
"Với định hướng xây dựng ngôi trường đại học đẳng cấp quốc tế, tinh thần giáo dục khai phóng, chúng tôi có quyền khát vọng và tin tưởng khát vọng ấy sẽ trở thành hiện thực.
Đó là UMT sẽ trở thành di sản cho các thế hệ tương lai, là biểu tượng về văn hóa giáo dục của TP HCM và đất nước Việt Nam. Và để có thể làm được điều đó, ngay từ ban đầu, yếu tố quy hoạch đồng bộ, bài bản và chuyên nghiệp là cực kỳ quan trọng, cơ sở vật chất hiện đại và chương trình đào tạo chất lượng phải luôn song hành cùng nhau" - TS Huỳnh Bá Lân nói.
PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu tại buổi lễ khai giảng. |
Hiệu trưởng UMT cũng cho biết chương trình đào tạo chất lượng của UMT được xây dựng theo chuẩn kiểm định ACBSP, ASIIN (Mỹ, châu Âu); phương pháp dạy và học khác biệt; đội ngũ giảng viên là các chuyên gia đầu ngành có tâm và tầm, thành công cả trong học thuật lẫn kinh doanh, tốt nghiệp từ các trường danh tiếng của Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Nhật Bản, Thái Lan… UMT cũng đẩy mạnh các chương trình hợp tác quốc tế với doanh nghiệp, đại học nhằm mang đến nhiều cơ hội lớn hơn cho sinh viên.
Phát biểu tại lễ khai giảng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM là một trường đại học tư thục còn rất mới mẻ nhưng được khánh thành với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng chuẩn quốc tế. Thứ trưởng rất tin tưởng vào đội ngũ Ban Giám hiệu, giảng viên, nhân viên và Chương trình đào tạo của nhà trường, trong đó phần lớn giảng viên là thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp tại các trường đại học nước ngoài.
"Tôi tin tưởng rằng trong tương lai không xa, nơi đây sẽ trở thành môi trường giáo dục đại học tiên tiến hàng đầu, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Để có được thành tựu bước đầu như ngày hôm này, tôi ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực hết mình của tập thể nhà trường khi phải vượt qua 2 năm đại dịch Covid-19 đầy khó khăn để vừa hình thành phát triển đội ngũ, vừa tuyển sinh, đồng thời phải đảm bảo hoàn thành gấp rút tiến độ thi công, xây dựng để có thể khánh thành và khai giảng kịp thời năm học 2022-2023. Điều đó đòi hỏi sự quyết tâm và tập trung cao độ cả về nhân lực, tài lực và Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM đã làm được điều đó" - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham gia lễ trồng cây tại khuôn viên nhà trường. |
Với nền tảng khởi đầu đầy vững chắc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc hy vọng nhà trường sẽ tiếp tục giữ vững, phát huy tinh thần đó trên con đường phát triển sắp tới, phấn đấu và quyết tâm cao vượt qua nhiều khó khăn, thực hiện tốt các cuộc vận động và phong trào của ngành giáo dục - đào tạo vì mục tiêu chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội và doanh nghiệp, đạt được thành tích tốt trong xây dựng, đào tạo, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học và phát triển nhà trường.
Tại lễ khai giảng, Trường ĐH Quản lý và Công nghệ TP.HCM công bố dành 8 tỉ đồng trao học bổng cho sinh viên, trong đó 4 sinh viên xuất sắc nhận được học bổng tòan khoá trị giá 360 triệu đồng/sinh viên.
Năm 2022, Trường ĐH Quản lý và Công nghệ TP.HCM (UMT) tuyển sinh khóa đầu tiên với 600 chỉ tiêu cho 6 ngành đào tạo theo 5 phương thức xét tuyển.
Những sinh viên đầu tiên của Trường ĐH Quản lý và Công nghệ TP.HCM. |