Ngành Kinh tế Thể thao là ngành đầu tiên và duy nhất được trường ĐH Hoa Sen mở và tuyển sinh đào tạo bậc cử nhân trong năm nay. Chương trình đào tạo ngành Kinh tế Thể thao cung cấp những kiến thức và phát triển các kỹ năng về quản lý và kinh doanh trong lĩnh vực thể thao hiện đại đồng thời rèn luyện thái độ nghề nghiệp để người học làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến kinh tế thể thao.
Sinh viên sẽ được đào tạo đủ kiến thức, kỹ năng và năng lực chuyên môn để hiểu về cơ cấu tổ chức và hoạt động của các loại hình thể thao hiện đại; biết về cách thức vận hành và quản lý trong lĩnh vực kinh tế thể thao; vận dụng kỹ năng liên quan đến quản trị, tiếp thị, tài chính và kinh tế trong các lĩnh vực kinh doanh thể thao; phân tích nhu cầu của các bên liên quan bao gồm: Khách hàng, đối tác, nhà tài trợ, nhà cung cấp,…; đánh giá cơ hội và hiệu quả kinh doanh trong lĩnh vực kinh tế thể thao; lập kế hoạch kinh doanh, quản lý các mô hình hoạt động kinh tế thể thao.
Được biết, chương trình đào tạo cử nhân Kinh tế Thể thao của Trường Đại học Hoa Sen có lộ trình là 3,5 năm và đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong lĩnh vực hoạt động thể thao.
Ngành Kinh tế Thể thao mở ra những con đường lập nghiệp thực sự cho sinh viên tốt nghiệp và định hướng nghề rõ ràng như: Kinh doanh các sản phẩm thể thao, quản lý kinh doanh công trình thể thao, phát triển kinh doanh mô hình CLB, tổ chức giải đấu thể thao nghiệp dư và chuyên nghiệp; tổ chức các sự kiện doanh nghiệp, sự kiện cá nhân, lễ hội…; phát triển kinh doanh du lịch thể thao, thể thao giải trí, …
TS Nguyễn Thị Hiền Thanh – Trưởng Ban dự án mở ngành Kinh tế Thể thao cho biết, Chương trình học cử nhân Kinh tế Thể thao của Trường Đại học Hoa Sen sẽ đào tạo nên những chuyên gia kinh tế thể thao, định hướng chiến lược phát triển trong lĩnh vực kinh doanh TDTT - là người tính được các bài toán về doanh thu bán vé, số lượng vận động, marketing và tài trợ,...
“Đó là điều không dễ và nếu nói ở tầm vĩ mô thì lãnh đạo ngành TDTT cũng phải có tư duy về kinh tế cho các bài toán này, nhất là với những sự kiện TDTT quốc tế do Việt Nam đăng cai. Hiện nay, thiếu các chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh thể thao, nên chưa nhận thấy thể thao là mũi nhọn để khai thác khía cạnh kinh tế.” – TS Thanh nhấn mạnh.
Phát biểu tại sự kiện, ông Mai Bá Hùng – Phó giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao TP.HCM cho biết, cần phải có một cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách chăm lo phát triển thể dục thể thao và cả kinh doanh thể dục thể thao. Trong đó, nhà nước không trực tiếp kinh doanh mà giữ vai trò định hướng, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, quản lý, giám sát, điều chỉnh các hoạt động kinh doanh theo pháp luật.