Đến dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga; lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cùng đại diện các trường ĐH, CĐ trong cả nước.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ - cho biết: Trong suốt quá trình phát triển, trường nghiêm túc thực hiện phương châm Học đi đôi với hành - Nghiên cứu khoa học đi sát với sản xuất và đời sống. Thầy trò của trường không chỉ dạy và học trong khuôn viên trường mà còn dạy và học trên đồng ruộng, ở nhà máy, xí nghiệp, công trường. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân, làm thí nghiệm ngay trên đất nông dân để nhân nhanh một giống mới, một kỹ thuật canh tác mới…
Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, Trường ĐH Cần Thơ đã đào tạo hơn 90.000 kỹ sư, cử nhân, bác sĩ hệ chính quy và hơn 40.000 kỹ sư, cử nhân hệ ngoài chính quy; hơn 6.100 thạc sĩ và tiến sĩ. Lực lượng này là nguồn nhân lực quan trọng, đã và đang phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Nhiều năm qua, công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của trường được chú trọng, phục vụ đắc lực cho sự phát triển vùng ĐBSCL và cả nước. Nổi bật là chương trình nghiên cứu cải tạo đất phèn vùng ĐBSCL đã đưa gần 5 triệu ha đất phèn hoang hóa đi vào sản xuất với năng suất, chất lượng cao. Chương trình 60-02, điều tra cơ bản vùng ĐBSCL và Chương trình quy hoạch tổng thể giáo dục làm cơ sở cho quy hoạch phát triển sản xuất, kinh tế, văn hóa, xã hội vùng.
Chương trình nghiên cứu Tôm - Artémia cải thiện đời sống dân nghèo ven biển Sóc Trăng và Bạc Liêu. Chương trình nghiên cứu cây lúa và hệ thống canh tác đã lai tạo và tuyển chọn giống lúa kháng rầy, năng suất cao và các hệ thống canh tác thích hợp…
Nhân dịp này, Trường ĐH Cần Thơ vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch nước tặng.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực của tập thể nhà trường trong suốt 50 năm hình thành và phát triển, trong đó nhà trường đã có nhiều nỗ lực trong việc dạy học và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Đến nay ĐH Cần Thơ là một trong những trường ĐH đứng đầu cả nước, và đứng thứ 39 trong số 100 trường đại học hàng đầu Đông Nam Á, được bình chọn tháng 1/2016 vừa qua. Những nỗ lực, trách nhiệm đó của nhà trường luôn được xã hội trân trọng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn Trường ĐH Cần Thơ tiếp tục giữ vững những thành tích đạt được. Thời gian tới cần phát huy để nhà trường trở thành một trong những đơn vị đi đầu trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL và cả nước. Đặc biệt trường cũng phải đi đầu trong đổi mới giáo dục để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT…
Phó Thủ tướng nhắn nhủ đến các SV cần xác định rõ mục tiêu học tập không những để thoát nghèo, mà còn góp phần phát triển đất nước. SV vừa học vừa dành thời gian để tìm hiểu thêm kiến thức, bài giảng để giỏi hơn. Là sinh viên thì phải biết làm việc tốt, sống tử tế, và phải làm người có học trong mọi hành vi từ trong nhà trường đến ngoài xã hội.
Viện ĐH Cần Thơ khi thành lập gồm ĐH Khoa học, ĐH Sư phạm, ĐH Văn khoa, ĐH Luật khoa, Trường CĐ nông nghiệp, Trung tâm sinh ngữ và 8 phòng ban chức năng. Lễ khai giảng năm học đầu tiên được tổ chức vào ngày 30/9/1966 có 985 SV.
Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Viện ĐH Cần Thơ được đổi tên thành Trường ĐH Cần Thơ. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đến nay trường là một trong các trường ĐH đa ngành đa lĩnh vực ở Việt Nam với 16 khoa, 3 viện nghiên cứu, 18 trung tâm, 15 phòng ban chức năng. Hiện tại trường đã phát triển 96 chuyên ngành đào tạo ĐH với khoảng 56.000 SV. Bên cạnh đào tạo bậc ĐH, trường đã phát triển 38 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 15 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ với quy mô gần 4000 học viên.
Hiện nay trường có 2.021 cán bộ, viên chức và người lao động, trong đó có 5 giáo sư, 110 phó giáo sư, 319 tiến sĩ, 948 thạc sĩ. Riêng đội ngũ giảng dạy có 1.188 người, có 1.027/1.188 giảng viên có trình độ sau ĐH (tỷ lệ 86,5%).