“Cho đi” để “nhận lại”
Với sinh viên UEF, học tập không chỉ qua sách vở mà còn thông qua các hoạt động kết nối cộng đồng. Chính những trải nghiệm phong phú từ những chuyến đi, hoạt động thiện nguyện đã giúp cho sinh viên trưởng thành hơn; đồng thời góp phần mang đến hy vọng, niềm vui, động lực cho những số phận kém may mắn vươn lên trong cuộc sống.
4 năm trở lại đây, các dự án vì cộng đồng là một trong những điểm sáng trong bức tranh hoạt động của sinh viên UEF. Có thể kể như các dự án Kỹ năng tài chính với Diều ngược gió (dạy kỹ năng quản lý tài chính cho các em nhỏ); Sáng tạo vì xã hội (giúp trẻ sáng tạo nhiều sản phẩm phục vụ cộng đồng); Hình ảnh hóa tài liệu cho tổ chức Niềm tin; Heart to Hand (dạy kèm các môn học và hỗ trợ dịch thuật tài liệu tiếng Anh cho tổ chức Niềm tin); các dự án về hỗ trợ trẻ em ở mái ấm nhà mở, dạy học, chăm lo đối tượng chính sách tại các trung tâm bảo trợ xã hội…
Mỗi một dự án, chương trình khép lại cũng là lúc mở ra cho sinh viên UEF những bài học, lan tỏa những giá trị đẹp. Từ những tháng ngày “cho đi”, sinh viên cũng “nhận lại” được nhiều kiến thức, kỹ năng và “ươm mầm hạt giống cảm xúc” từ thực tế cuộc sống.
Trần Thu Huyền - sinh viên năm 3, ngành Quan hệ công chúng cho biết nhờ tham gia dự án cộng đồng mà em đã áp dụng ngay được kiến thức vừa học để tạo ra các giá trị cho xã hội. Từ đó, em có được môi trường rèn luyện chuyên môn, bồi dưỡng thêm nhiều kỹ năng cần thiết.
"Cuộc sống còn những khó khăn, vì vậy mỗi chúng ta phải không ngừng vươn lên từng ngày. Như con ong góp mật cho đời, chúng em luôn mong muốn góp một hành động nhân ái nhỏ để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn", Thu Huyền nói.
Sinh viên UEF trong một dự án dạy học cho các em nhỏ tại mái ấm, nhà mở. |
Mỗi dự án là một bài học lớn
Hai năm qua, khi dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến mọi lĩnh vực, các dự án vì cộng đồng của sinh viên, giảng viên UEF cũng nhiều hơn, đa dạng hơn. Theo ThS. Bùi Quang Đông - Trưởng phòng Công tác sinh viên, UEF, với mong muốn là người bạn đồng hành của trẻ em lang thang đường phố, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên UEF đã có những hoạt động thiết thực, giúp đỡ các em nhỏ tại nhiều trung tâm bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng trẻ mồ côi…
Đơn cử, sinh viên UEF vừa có hoạt động hỗ trợ các em nhỏ Trung tâm Phát huy Bình An có cơ hội đến trường học tập, vui chơi giải trí thông qua hoạt động bán gây quỹ các mặt hàng như túi xách, ví, ba lô, túi điện thoại, khăn quàng cổ, khăn tay, tạp dề, móc chìa khóa, ... hay các dự án Nụ cười em thơ, Sketch-note for good, Heart to hand… để tạo dựng thêm nhiều giá trị cho xã hội.
“Các hoạt động kết nối cộng đồng luôn nhận được sự quan tâm và tham gia của đông đảo sinh viên. Thông qua phương pháp học tập phục vụ cộng đồng, sinh viên UEF có thể sử dụng được những gì được học trong nhà trường để giải quyết những vấn đề thực tế từ cuộc sống. Các bạn không chỉ học cách áp dụng những kiến thức sách vở vào thực tiễn mà còn có thể trở thành những công dân tích cực đóng góp cho cộng đồng, xã hội", Th.S Đông nói.
Là người gắn bó tâm huyết với các dự án Service - Learning UEF (dạy và học lồng ghép hoạt động cộng đồng) từ ngày đầu thành lập, Th.S Đinh Nguyễn Thiên Ân – Phó Giám đốc Trung tâm Kết nối cộng đồng UEF chia sẻ: “Năm 2020, 2021 đi qua với rất nhiều thử thách về kinh tế - xã hội, vì thế hơn bao giờ hết, sinh viên cần nhận thức vai trò quan trọng của việc học tập và rèn luyện để thích ứng với thực tế khó khăn. Đồng thời, các bạn cần gìn giữ cho mình một tâm thế mạnh mẽ và tích cực để chuẩn bị cho tương lai.
“Những sự chuẩn bị cần thiết này có thể được tìm thấy trong các trải nghiệm Service-Learning. Trong năm vừa qua, UEF vẫn duy trì tốt các dự án và đánh dấu sự thành công trong công tác lồng ghép gắn kết cộng đồng vào một số môn học, gia tăng các dự án cộng đồng có tính trẻ trung, sáng tạo và cung cấp nhiều kỹ năng cần thiết cho các bạn", Th.S Thiên Ân nói.
Các bạn sinh viên UEF nhận bằng khen cho hành trình kết nối cộng đồng đầy xuất sắc của mình. |
Sinh viên Trần Minh Như cho biết lý do yêu thích các hoạt động Service – Learning là từ dự án đầu tiên tham gia, em đã thay đổi suy nghĩ và cảm nhận của bản thân.
“Được nhìn thấy những góc khuất của cộng đồng yếu thế, em nhận ra bản thân mình mong muốn được góp phần giúp đỡ mọi người nhiều hơn. Sau đó, em tham gia nhiều dự án hơn. Những dự án mà em với vai trò điều phối giúp em học được nhiều điều: sự chuẩn bị từ khâu ý tưởng, phân chia công việc rõ ràng, chuẩn bị các kỹ năng để tiếp xúc với các bạn nhỏ”, Minh Như chia sẻ.