Trường Đại học Vinh ban hành Bộ chuẩn 'Đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo'

GD&TĐ - Trường Đại học Vinh vừa công bố Bộ chuẩn "Đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo" phiên bản 1.0.

Hội nghị tập huấn lấy ý kiến hoàn thiện bộ chuẩn đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo.
Hội nghị tập huấn lấy ý kiến hoàn thiện bộ chuẩn đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo.

Ngày 2/10/2023, tại Lễ khai giảng khóa đào tạo thứ 64, trước sự chứng kiến của gần 4.000 tân sinh viên, Trường Đại học Vinh đã công bố Bộ chuẩn "Đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo" phiên bản 1.0.

PV Báo GD&TĐ đã có cuộc phỏng vấn GS.TS. Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng để có thêm thông tin về Bộ chuẩn này.

GS.TS. Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh.
GS.TS. Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh.

Giải tỏa 2 "điểm nghẽn" trong phát triển chương trình đào tạo

PV: Xin Giáo sư cho biết về tính cần thiết của việc xây dựng Bộ chuẩn "Đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo"?

GS.TS. Nguyễn Huy Bằng: Chương trình đào tạo là yếu tố chính nói lên chất lượng của cơ sở giáo dục đại học. Hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học đã được tự chủ xây dựng chương trình đào tạo khi đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo chất lượng. Có thể nói, yêu cầu về đáp ứng điều kiện đảm bảo chất lượng đã góp phần tạo nên "văn hóa chất lượng" trong tiến trình tự chủ đại học hiện nay.

Thống kê kết quả kiểm định của hơn 1.000 chương trình đào tạo trong nước cho thấy hạn chế chung hiện nay là công tác phát triển chương trình đào tạo. Đặc biệt, có hai "điểm nghẽn"trong phát triển chương trình đào tạo là chương trình dạy học chưa tương thích với chuẩn đầu ra và chưa đánh giá được kết quả học tập theo chuẩn đầu ra.

Trước thực trạng đó, Trường Đại học Vinh đã thí điểm xây dựng mô hình đánh giá kết quả học tập theo chuẩn đầu ra cùng với mô hình tổ chức dạy học. Thực tiễn thí điểm cho thấy, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng đào tạo và tối ưu hóa chi phí thì cần thiết phải ban hành bộ chuẩn để điều tiết hoạt động đào tạo đồng bộ theo lộ trình phát triển của Nhà trường.

PV: Bộ chuẩn đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo của Trường Đại học Vinh đã được xây dựng trên cơ sở nào, thưa giáo sư?

GS.TS. Nguyễn Huy Bằng: Bộ chuẩn "Đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo" phiên bản 1.0 được Nhà trường xây dựng dựa trên Bộ chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo của Hiệp hội các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA phiên bản 4.0), bộ chuẩn của Hiệp hội CDIO (phiên bản 3.0) và các yêu cầu về đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo hiện hành của Việt Nam.

Đồng thời, Bộ chuẩn này đã tích hợp một số mô hình phát triển chương trình dạy học (mô hình tương thích kiến tạo, dạy học đảo ngược, dạy học hỗn hợp) và mô hình đánh giá định lượng kết quả học tập theo chuẩn đầu ra (do Trường Đại học Vinh đã xây dựng).

Đại diện Lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Lãnh đạo Trường Đại học Vinh thực hiện nghi thức công bố Bộ chuẩn Đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo (2/10/2023).

Đại diện Lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Lãnh đạo Trường Đại học Vinh thực hiện nghi thức công bố Bộ chuẩn Đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo (2/10/2023).

PV: Xin Giáo sư cho biết thêm về nội dung và điểm đặc sắc của Bộ chuẩn?

GS.TS. Nguyễn Huy Bằng: Nội dung của Bộ chuẩn được cấu trúc theo 8 tiêu chuẩn, với 54 tiêu chí, gồm:

Tiêu chuẩn 1: Mục tiêu và chuẩn đầu ra chương trình đào tạo, 6 tiêu chí;

Tiêu chuẩn 2: Cấu trúc và nội dung chương trình dạy học, 7 tiêu chí;

Tiêu chuẩn 3: Phương thức dạy học, 6 tiêu chí;

Tiêu chuẩn 4: Đánh giá kết quả học tập của người học, 7 tiêu chí;

Tiêu chuẩn 5: Đội ngũ giảng viên, 8 tiêu chí;

Tiêu chuẩn 6: Hỗ trợ người học, 6 tiêu chí;

Tiêu chuẩn 7: Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, 9 tiêu chí;

Tiêu chuẩn 8: Đầu ra và kết quả đạt được (5 tiêu chí).

Mỗi tiêu chí được trình bày theo trình tự: các yêu cầu, minh chứng cần đạt (theo các chỉ số mô tả) và hướng dẫn thực hiện.Do đó, dù là tiêu chí định tính hay định lượng thì đều khả thi trong đo lường đánh giá.

Ngoài ra, Bộ chuẩn cũng phân định rõ vai trò tham gia của các bên liên quan (đặc biệt là nhà tuyển dụng) trong hoạt động lấy ý kiến phản hồi để cải tiến chương trình đào tạo và sự tham gia vào quá trình đào tạo (qua các môn học được triển khai bằng hình thức dự án).

Điểm đặc sắc của Bộ chuẩn là đã bao hàm đầy đủ các yêu cầu đảm bảo chất chương trình đào tạo của Bộ chuẩn AUN-QA4.0 và Bộ chuẩn CDIO 3.0 theo các mô hình cụ thể, đặc biệt là mô hình thiết kế và chương trình đào tạo, mô hình đánh giá định lượng kết quả học tập theo chuẩn đầu ra.

Thành quả của quá trình nghiên cứu, thử nghiệm thận trọng và chặt chẽ

PV: Để ban hành Bộ chuẩn này, chắc hẳn Trường Đại học Vinh đã rất dày công xây dựng?

GS.TS. Nguyễn Huy Bằng: Bộ chuẩn đảm bảo chất lượng là kết quả của cả một quá trình nghiên cứu, thử nghiệm thận trọng và chặt chẽ. Nhà trường đã triển khai xây dựng gần 2năm, qua nhiều lần tổ chức lấy ý kiến đóng góp của giảng viên toàn trường và các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Khó khăn lớn nhất là việc lồng ghép đồng thời các tiêu chuẩn của Bộ chuẩn AUN-QA 4.0 và Bộ chuẩn CDIO 3.0 cùng với các quy định hiện hành của Việt Nam, đồng thời cụ thể hóa thành các quy định theo lộ trình phát triển của Trường Đại học Vinh.

Qua các lần hội thảo và tổ chức lấy ý kiến, mô hình thiết kế chương trình dạy học theo hướng học tập chủ động và trải nghiệm, kiến tạo sản phẩm học tập gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đánh giá định lượng kết quả học tập theo chuẩn đầu ra... đã được bổ sung và điều chỉnh, trở thành yêu cầu chung của Nhà trường đối với tất cả các chương trình đào tạo.

Hội nghị tập huấn lấy ý kiến hoàn thiện bộ chuẩn đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo.
Hội nghị tập huấn lấy ý kiến hoàn thiện bộ chuẩn đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo.

Hướng đến tốp 1000 đại học hàng đầu thế giới vào năm 2045

PV: Xin Giáo sư cho biết kỳ vọng của Trường Đại học Vinh khi ban hành Bộ chuẩn đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo?

GS.TS. Nguyễn Huy Bằng: Trước khi ban hành Bộ chuẩn, Trường Đại học Vinh đã áp dụng thí điểm mô hình đánh giá kết quả học tập theo chuẩn đầu ra và cung cấp kết quả định lượng về mức độ đạt được chuẩn đầu ra.

Các chương trình đào tạo của Nhà trường được kiểm định năm 2023 (sau khi áp dụng thí điểm mô hình này) đã được các chuyên gia kiểm định đánh giá cao và số các tiêu chí xuất sắccũng nhiều hơn trước đây cỡ 10% và số tiêu chí chưa đạt được giảm xuống đáng kể. Vì vậy, khi xây dựng và ban hành Bộ chuẩn, Nhà trường kỳ vọng đây sẽ là bộ công cụ nâng cao hiệu quả hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong và tối ưu hóa các nguồn lực phát triển chương trình đào tạo, đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo chất lượng của Việt Nam và quốc tế theo lộ trình hội nhập của Nhà trường.

Đặc biệt, Bộ chuẩn này còn đặt ra 5 tiêu chí với những yêu cầu như là những hình mẫu tiêu biểu:

1) Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo;

2) Chương trình dạy học được thiết kế tương thích với chuẩn đầu ra;

3) Dạy học hướng người học tới tư duy sáng tạo, đổi mới và khởi nghiệp;

4) Các phương pháp đánh giá giúp đo lường được chuẩn đầu ra;

5) Hệ thống công nghệ thông tin.

PV: Định hướng phát triển tiếp theo của Bộ chuẩn là như thế nào thưa Giáo sư?

GS.TS. Nguyễn Huy Bằng: Trước hết, chúng tôi nhận thức rằng, cải tiến chất lượng là hoạt động thường xuyên và liên tục để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các bên liên quan. Vì vậy, phiên bản 1.0 của Bộ chuẩn này là bước đi đầu tiên để khắc phục những hạn chế chung đang tồn tại trong hoạt động đào tạo hiện nay và là giải pháp tổng thể nâng cao chất lượng.

Hiện nay, Nhà trường đang xây dựng Phần mềm đảm bảo chất lượng để hỗ trợ quá trình triển khai Bộ chuẩn.

Tới đây, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chuẩn chương trình đào tạo theo nhóm ngành, đồng thời, theo lộ trình hội nhập quốc tế, một số ngành đào tạo của Trường Đại học Vinh sẽ được đầu tư phát triển nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định quốc tế chuyên sâu như ABET, FIBAA...

Và, trường sẽ tiếp tục phát triển Bộ chuẩn theo các hướng chuyên sâu của từng nhóm ngành và theo từng trình độ đào tạo (đại học, thạc sĩ, tiến sĩ). Chúng tôi luôn xem cải tiến chất lượng chương trình đào tạo là yếu tố cốt lõi trong lộ trình phát triển để hiện thực hóa Tầm nhìn của Nhà trường trở thành đại học thông minh, xếp hạng tốp 500 đại học hàng đầu châu Á vào năm 2030, hướng đến tốp 1000 đại học hàng đầu thế giới vào năm 2045.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ