Trường Đại học kết thúc đợt 1 nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ: Nắm chắc cơ hội

Trường Đại học kết thúc đợt 1 nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ: Nắm chắc cơ hội

Vượt dự kiến

TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Công nghiệp TPHCM - IUH) cho biết: Năm 2020, trường dành 30% tổng chỉ tiêu các ngành tại cơ sở TPHCM cho phương thức xét tuyển bằng học bạ, tương đương khoảng 2.400 thí sinh. Tại Quảng Ngãi, xét học bạ chiếm tới 50% chỉ tiêu mỗi ngành. Đầu tháng 8, nhà trường sẽ thông báo những hồ sơ có mức điểm học bạ phù hợp. Đợt 2 (từ 10 - 20/8), trường tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ cho một số ngành còn thiếu như Môi trường, Công trình giao thông, Kỹ thuật xây dựng…

Trường ĐH Lạc Hồng (LHU, Đồng Nai) nhận được 15.676 hồ sơ đăng ký xét tuyển bằng học bạ. Theo TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng LHU, chỉ tiêu dành cho xét tuyển học bạ của trường là 60%, trong đó ngành Dược lấy điểm trung bình 8,0 và các ngành còn lại từ 6,0 trở lên.

Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) nhận hồ sơ đăng ký theo phương thức xét tuyển học bạ (gồm hai hình thức là xét học bạ 3 học kỳ và xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn) từ ngày 16/3. Đến thời điểm hiện tại, trường nhận khoảng 8.750 nguyện vọng xét tuyển học bạ theo cả hai hình thức.

Theo ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Phó Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh HUTECH, năm 2020, nhà trường xét tuyển theo 3 phương thức: Xét tuyển kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐH Quốc gia TPHCM và xét tuyển học bạ. Trong đó, với tổng chỉ tiêu tuyển sinh 6.600 cho 45 ngành đào tạo, phương thức xét tuyển học bạ chiếm 25%, tương ứng 1.650 chỉ tiêu tuyển sinh của trường.

Phương thức tuyển sinh phù hợp

ThS Nguyễn Thị Xuân Dung (HUTECH) cho rằng: Xét tuyển học bạ là phương thức phù hợp, giúp thí sinh có thể trúng tuyển vào đúng ngành yêu thích và tận dụng được lợi thế của mình một cách hiệu quả. Hình thức này đặc biệt hiệu quả với thí sinh có năng lực học tập tốt nhưng tâm lý chưa thật vững vàng, có thể bị tác động bởi ngoại cảnh... Bởi Kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ là "cửa ải" về năng lực, mà còn thử thách khả năng tập trung, tâm lý thi cử của thí sinh.

"Năm 2020, hầu hết trường đại học áp dụng nhiều phương thức xét tuyển nên việc đăng ký tham gia đồng thời giúp thí sinh có lợi thế đáng kể. Bên cạnh tận dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học, sử dụng hình thức xét tuyển học bạ để nắm bắt cơ hội vào đại học từ kết quả học tập được xem là giải pháp thông minh và hiệu quả. Tất nhiên, nếu không ngại áp lực thi cử, thí sinh có thể tham gia thêm kỳ thi ĐGNL do các đại học, trường đại học tổ chức… Tham gia thêm một phương thức xét tuyển, nghĩa là thí sinh đã tự mở thêm cho mình một cánh cửa để bước vào giảng đường đại học" - ThS Nguyễn Thị Xuân Dung chia sẻ.

Tương tự, TS Nguyễn Vũ Quỳnh (LHU) cho rằng: Thí sinh có thể sử dụng nhiều hình thức khác nhau để xét tuyển như dùng học bạ, đăng ký thi ĐGNL, tuyển thẳng, xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT... Điều quan trọng, các em hãy cân nhắc kỹ và lựa chọn phương án tối ưu nhất (phương án có điểm cao nhất) để xét tuyển vào trường nhằm mục đích tăng cơ hội trúng tuyển và giành những suất học bổng.

Thí sinh cần cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ, đừng cố tìm mọi cách để vào một trường đại học nào đó mà hãy lựa chọn những ngành mình yêu thích, kể cả ngành đó ở trường tốp dưới thậm chí ở bậc cao đẳng… Nếu chọn không đúng năng lực, sở trường sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập và năng suất lao động sau này. - TS Nguyễn Vũ Quỳnh (Phó Hiệu trưởng LHU)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ