Trường chuyên biệt: Ở đâu cũng thiếu

Trường chuyên biệt: Ở đâu cũng thiếu

(GD&TĐ) - Chương trình hành động của Ban chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật (Bộ GD&ĐT) giai đoạn 2001 - 2015 đề ra mục tiêu năm 2010 đưa 75% trẻ khuyết tật ra lớp và tỉ lệ này sẽ nâng lên con số 90% vào năm 2015. Thế nhưng thực tế, mục tiêu đó rất khó đạt được vì hệ thống trường chuyên biệt còn thiếu và yếu cả về số lượng và chất lượng.

Đụng đâu cũng thiếu

Trẻ thiểu năng trí tuệ tại làng Hòa Bình (Thanh Xuân, Hà Nội) đang học chữ
Trẻ thiểu năng trí tuệ tại làng Hòa Bình (Thanh Xuân, Hà Nội) đang học chữ
 

Mỗi năm các trường  chuyên biệt trong cả nước có đến cả trăm phụ huynh đến xin học cho con nhưng số trẻ được chấp nhận rất ít vì quá tải. Theo Chủ nhiệm khoa Giáo dục chuyên biệt, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương - TS Lê Thị Thúy Hằng: “Hiện nay tại Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục và phát triển trẻ khuyết tật của nhà trường có tới hơn 50 hồ sơ của gia đình các em gửi đến xin được vào học tại trung tâm thế nhưng nhà trường vẫn chưa xét duyệt vì điều kiện cơ sở vật chất hạn hẹp, đội ngũ giáo viên còn thiếu..."

Điều kiện về trường chuyên biệt cho trẻ khuyết tật cần những yêu cầu riêng, đặc biệt như: lối đi riêng, nhà vệ sinh riêng, đồ chơi giúp trẻ phát triển thể chất và trí tuệ, chưa kể những phương tiện dạy học tối thiểu khác. Tuy nhiên, hầu hết các trường chuyên biệt chưa đáp ứng được những yêu cầu này.

Về điều kiện giảng dạy hiện nay, phần lớn các trường chuyên biệt chưa có một giáo trình giảng dạy cụ thể. Thế nên, nhiều trường chỉ chú trọng dạy các bé phát triển về ngôn ngữ và các hành vi giao tiếp thông thường. Hơn nữa, đồ dùng dạy học tại nhiều trường chủ yếu là tranh minh họa nên rất khó trong việc giảng dạy trong khi trẻ khuyết tật nhận biết mọi việc chủ yếu bằng trực quan sinh động.

Bà Lã Thị Lụa - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT Ninh Bình) cho biết: Những năm trước, mỗi năm các trường học trên địa bàn tỉnh tiếp nhận khoảng 500 - 600 cháu khuyết tật vào học hòa nhập. Còn hiện nay, con số này chỉ vào khoảng 250 - 300 cháu, tỷ lệ huy động trẻ khuyết tật đến trường mới đạt khoảng 60%. Vì là học hòa nhập nên chưa có trường nào có chương trình giảng dạy dành riêng cho trẻ khuyết tật. Hơn nữa, thời gian dành cho đối tượng học sinh đặc biệt này không có nhiều.

Bên cạnh đó, việc phân loại trẻ khuyết tật nhà trường không thực hiện được vì không có chức năng khám và sàng lọc khuyết tật. Với đối tượng học sinh đặc biệt này, cần phải có trường lớp riêng, môi trường giáo dục riêng, giáo trình riêng mới mong các cháu phát triển. Đến năm học 2013 – 2014, tỉnh mới có được một trường chuyên biệt đi vào hoạt động bài bản, đó là Trường Mầm non chuyên biệt Mai Thế Hệ".

Cô Nguyễn Thị Thủy - giáo viên Trường THCS Hy Vọng  (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trẻ khuyết tật gấp rất nhiều so với trẻ bình thường. Muốn dạy được phải có hình ảnh cụ thể, đồ dùng dạy học cụ thể.

Chẳng hạn như trong tiết học, chúng tôi muốn các cháu nhận biết các loài vật như con gà, con lợn, con chó... thì phải cho trẻ quan sát và cô chỉ dẫn từng li, từng tí một bằng trực quan sinh động thì các cháu mới có thể hiểu và nhận biết dần dần. Hôm trước nói rồi, dạy rồi nhưng ngày mai lại nói lại, dạy lại bài học y như hôm qua, thậm chí đến cả tháng trời một bài học mà có cháu vẫn không phân biệt nổi. Thế nên với trẻ khuyết tật, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cẩn phải đầy đủ trong khi kinh phí lại có hạn”.

Thiếu giáo viên

Học sinh khiếm thính Trường Nguyễn Đình Chiểu tham dự ngày hội trẻ em khuyết tật
Học sinh khiếm thính Trường Nguyễn Đình Chiểu tham dự ngày hội trẻ em khuyết tật
 

Không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất. các trường dạy trẻ chuyên biệt còn gặp khó khăn vì không có nguồn tuyển giáo viên. Hiện tại, cả nước mới có 7 cơ sở đào tạo giáo viên chuyên biệt, hàng năm tốt nghiệp khoảng trên 200 người. Theo ước tính, số lượng giáo viên chuyên biệt ở Việt Nam hiện nay cần khoảng 200.000 người cho các cấp học. So với nhu cầu thực tế thì số lượng giáo viên được đào tạo còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Hà Nội và TPHCM là hai thành phố có nhiều trường chuyên biệt nhất. TPHCM hiện có khoảng hơn 30 trường chuyên biệt cả công lập, lẫn ngoài công lập. Hà Nội có khoảng 15 trường. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các trường đều không nhận thêm học sinh vì quá tải trong khi số giáo viên lại có hạn bởi thế mà các trường rất lo ngại không đảm bảo điều kiện nuôi dạy các cháu.

TS Lê Thị Minh Hà - Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt của Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng: "Hiện nay, rất ít sinh viên chọn ngành Giáo dục đặc biệt. Khoa đã nhiều năm đào tạo giáo viên chuyên về giáo dục đặc biệt, ngoài tuyển sinh chính quy còn mở những lớp tại chức và các khóa bồi dưỡng ngay tại các trường, các trung tâm nuôi, dạy trẻ khuyết tật nhưng vẫn rất thiếu so với nhu cầu.

Vừa qua, khoa chỉ có 36 sinh viên tốt nghiệp. Đợt tuyển sinh năm nay cũng chỉ có 89 hồ sơ thi đầu vào. Đã thế sau khi tốt nghiệp, nếu về dạy tại các trường chuyên biệt thì mới có ngạch lương riêng và các trường muốn nhận sinh viên phải tự trích quỹ trả lương.

Ở các tỉnh hiện nay, hầu như không có trường chuyên biệt lẫn trường hòa nhập, sinh viên học đã vất vả nhưng đến khi ra trường cũng ít cơ hội xin việc làm cho nên, dù tiêu chuẩn đầu vào khá thấp nhưng ít thí sinh mặn mà với ngành học này. Tình trạng thiếu giáo viên giáo dục đặc biệt sẽ còn kéo dài nếu không có giải pháp hỗ trợ".

Một lí do nữa khiến số lượng giáo viên chuyên biệt thiếu trầm trọng vì một số giáo viên không chịu được áp lực công việc đã bỏ nghề. Cô giáo Trần Đặng Ngọc Thùy – một giáo viên chuyên biệt Trường Ước mơ (TPHCM) chia sẻ: "Tôi thường xuyên bị trẻ cào cấu, cắn, ném đồ vật vào người. Muốn dạy trẻ chuyên biệt phải hết sức kiên trì, chịu đựng và phải thật sự thông cảm với các cháu. Nhiều đồng nghiệp của tôi không chịu được áp lực này đã bỏ nghề đi làm công việc khác".

Thực tế hiện nay, nhiều gia đình có trẻ khuyết tật muốn cho con em mình được nuôi, dạy, chăm sóc tại trường chuyên biệt với hy vọng con có những cơ hội chữa bệnh tốt hơn, sớm được hòa nhập cộng đồng, gia đình cũng bớt vất vả... Đó thực sự là một nhu cầu rất chính đáng của các bậc phụ huynh và quyền được đi học, được hòa nhập của trẻ khuyết tật.

- Theo thống kê của Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam điều tra năm 2008, trẻ khuyết tật có khoảng 1,1 triệu em thì mới chỉ có khoảng 24,22% được đi học ở các loại hình trường lớp. Điều đó cho thấy trẻ khuyết tật vô cùng thiệt thòi và số trường, lớp chuyên biệt còn thiếu rất nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của các gia đình có trẻ khuyết tật.

- Hiện tại cả nước mới có 7 cơ sở đào tạo giáo viên chuyên biệt, hàng năm tốt nghiệp khoảng trên 200 người. Theo ước tính, số lượng giáo viên chuyên biệt còn thiếu khoảng 200.000 người cho các cấp học.

HIền Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.