Trường chất lượng cao: Khó đạt chuẩn!

Trường chất lượng cao: Khó đạt chuẩn!

(GD&TĐ) - Có một nghịch lý xảy ra: những trường phổ thông, mầm non ở trung tâm đô thị, nhất là các đô thị “cổ” ở Đồng bằng sông Cửu Long rất khó xây dựng thành trường đạt chuẩn quốc gia, bởi không thể mở rộng diện tích trường trước nhu cầu đô thị hóa. Trong khi đó dân số ngày càng tăng, phụ huynh, nhất là đội ngũ công chức, viên chức cấp thị, cấp tỉnh luôn “chạy đua” đưa con đến các trường chất lượng cao làm sĩ số lớp ở các trường đó tăng gấp đôi. Nhiều hiệu trưởng than: “Chúng tôi càng phấn đấu đưa chất lượng giáo dục lên cao thì cơ hội đạt chuẩn quốc gia càng xa tầm tay!”. Cận cảnh ngành giáo dục Vĩnh Long...

Chuyện ở những ngôi trường top đầu

Ở phường 1, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long có những ngôi trường tiểu học, trung học đầu tiên của tỉnh có bề dày từ 60 năm đến một thế kỷ, như: Tiểu học Nguyễn Du (gốc là Nam tiểu học -1950), THCS Lê Quý Đôn (gốc là Collège de Vĩnh Long - 1949), THPT Lưu Văn Liệt (gốc là École Primaire -1875)… Đó là những ngôi trường mà người Vĩnh Long từ xưa đến nay rất tự hào khi được học.

Hiện nay, ở Vĩnh Long, những ai quan tâm đến sự học của con em mình đều mong muốn các cháu được vào học ở những trường vừa nêu vì con đường thăng tiến rộng mở. Thậm chí người ta kháo nhau một “lập trình” cố định đoạn đường đi học của một học sinh thành tài như sau: Nhỏ, vào Nhà trẻ Huỳnh Kim Phụng, lên Mầm non A - phường 1. Từ đây dễ dàng tuyển vô Tiểu học Nguyễn Du. Từ Tiểu học Nguyễn Du sẽ dễ dàng chuyển qua học Trường THCS Lê Quý Đôn. Học sinh tốt nghiệp Lê Quý Đôn 50%, vô Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, số còn lại vô Trường THPT Lưu Văn Liệt. Qui trình ấy con em chắc 80% đậu vào các trường đại học có tiếng ở TP Hồ Chí Minh. Còn vào đại học, cao đẳng nói chung có thể trên 95%.

Sân trường TH Nguyễn Du giờ ra chơi
Sân trường TH Nguyễn Du giờ ra chơi

Trường THCS Lê Quý Đôn có trên 2.000 học sinh, nhưng ngôi trường tọa lạc trên khu đất 3.000m2 ở trung tâm đô thị. Đặt vấn đề xây dựng trường chuẩn Quốc gia, thầy Nhiêu Sấm - hiệu trưởng cười: “Chúng tôi không dám mơ đến trường chuẩn! Nhưng trường chất lượng cao thì chúng tôi phấn đấu”.

Và thầy nêu một vài con số thành tích trong năm học này: trường có 8 em đạt học sinh giỏi quốc gia, 1 huy chương vàng duy nhất của tỉnh về giải toán trên mạng, 2 huy chương bạc. Học sinh giỏi cấp tỉnh chiếm 8/11 em toàn tỉnh. Và hơn 50% học sinh đầu vào Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm là từ học sinh của trường.

Đặt vấn đề: nếu chỉ thu học sinh trên địa bàn phường 1 thôi thì trường có đạt chuẩn? Thầy Nhiêu Sấm cười: “1.300 học sinh trên diện tích 3.000m2. Dân số phường ổn định, nhưng số học sinh đầu cấp tăng hàng năm!”.

Trường THPT Lưu Văn Liệt, cũng trên địa bàn phường 1, nhiều năm liền có tỉ lệ học sinh thi tốt nghiệp THPT đạt 100%, thi đậu ĐH, CĐ khoảng 80%. Học sinh thi tuyển vào trường có điểm cao ngất ngưởng từ 28 - 32 điểm, chỉ sau Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Thầy Nguyễn Bá Tường - hiệu trưởng nhà trường, nói: “Cái gì chúng tôi cũng đạt chuẩn. Chỉ có khu hiệu bộ và phòng chức năng thì ọp ẹp thế này!”. Trường đang xây dựng khối phòng học 28 phòng đủ đáp ứng cho khối học sinh học đúng chuẩn. Còn chuyện diện tích đất mở rộng và dự án xây dựng giai đoạn 2 các công trình như phòng chức năng, khu hiệu bộ thì phải đến năm 2014 mới được ghi vốn đầu tư.

Trường TH Nguyễn Du, có 1.400 học sinh, trong khi diện tích trường 5.300m2, bình quân 3,8m2/học sinh. Năm học 2012-2013 có 270 học sinh lớp 1. Hiện tại điều tra số học sinh trên địa bàn trong độ tuổi vào lớp 1 là trên 300 em. Thầy hiệu trưởng nói: “Tuyển sinh đầu cấp hết sức nóng bỏng, số liệu điều tra là vậy nhưng năm nào nhập học cũng tăng thêm 50 em!”.

Trường MN 9 hoành tráng chỉ mới có 4 lớp học
Trường MN 9 hoành tráng chỉ mới có 4 lớp học

Giải nhiệt áp lực từ phụ huynh

Các trường MN, TH, THCS ở phường 1 ưu tiên thu nhận học sinh trên địa bàn. Thế nhưng khi vào học, người ta thấy có xe đưa rước học sinh ở tận huyện Mang Thít và các xã, phường vùng ven đến cổng trường.

Phụ huynh Nguyễn Văn Hưng, ở xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, chủ cơ sở sản xuất gạch ngói, hàng ngày đưa con đi học ở Trường Nguyễn Du, bật mí: “Mình phải chuyển hộ khẩu con mình nhập lên nhà dì nó mới đi học trường này được!”. Ban Giám hiệu trường Nguyễn Du còn cho biết: “Vào hè, cứ phải đổi sim điện thoại, bởi nhiều bạn bè, cán bộ gởi con, làm sao mà nhận cho hết. Mích lòng lắm!”

Thầy Nhiêu Sấm, HT Trường THCS Lê Quý Đôn nói: “Phụ huynh hay lắm! Đầu năm nhận 370 học sinh có hộ khẩu phường 1. Đến lúc làm hồ sơ học sinh thì quá nửa học sinh có cha mẹ ở huyện. Cũng nói thẳng, 8 học sinh giỏi cấp quốc gia của trường cũng là học sinh ở huyện lên! Tôi nghĩ, phụ huynh ngày càng quan tâm đến việc chọn trường cho con cái học là hiện tượng tốt thôi”.

TP Vĩnh Long có 17/43 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó THCS có 4/8 trường, TH 8/19, MN 5/16.

Bà Nguyễn Thị Thu Vân, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Vĩnh Long cho biết, ngành GD TP Vĩnh Long đã khảo sát và lên kế hoạch cho từng trường, từ đó có lộ trình đầu tư đạt chuẩn Quốc gia. Nhưng, một số trường ở phường 1 thì phải chấp nhận không thể nào đạt chuẩn, bởi không thể mở rộng diện tích, trong khi áp lực xã hội ngày càng tăng. Để giảm áp lực cho các trường trung tâm thì ngành cần đầu tư cho các phường lân cận đạt chuẩn. Chẳng hạn Trường THCS Nguyễn Trường Tộ có thể chia sẻ gánh nặng cho Trường Lê Quý Đôn. Vùng ven có Trường THCS Nguyễn Khuyến. Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu xã Tân Hội được địa phương cấp 4.000 m2. Trường THCS Cao Thắng - phường 5, được cấp 8.000 m2 để xây dựng trường chuẩn. Ngành cũng đầu tư cho Trường TH Phạm Hùng - phường 9 đạt chuẩn để kéo dãn học sinh ra khỏi trung tâm. Đặc biệt, đầu tư Trường MN9 với quy mô 15 lớp đạt chuẩn, trang thiết bị hiện đại nhất Vĩnh Long để thu hút trẻ.

Đôi điều suy nghĩ

Đến thăm trường MN9, nằm trên đại lộ Võ Văn Kiệt hoành tráng, chỉ cách trung tâm chợ 3 cây số. Ngôi trường xây dựng 3 tầng, trên diện tích 4.700m2 với 15 phòng học, 10 phòng chức năng, một nhà ăn một chiều khép kín hiện đại. Mỗi lớp học trang bị 1 máy tính, một Projector, một ti vi 32 inches, 1 đàn organ. Phòng nghệ thuật trang bị thêm 10 đàn organ nữa. Phòng vi tính 10 máy, phòng họp ban giám hiệu, phòng hội nghị… Trang thiết bị đồ gỗ, đồ dùng dạy học, đồ chơi… đúng chuẩn của Bộ GD& ĐT.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Thư, hiệu trưởng nhà trường dẫn chúng tôi tham quan từng phòng, từng lớp để tìm hiểu sinh hoạt. Cô nói: “Trường hiện chỉ có 4 lớp học, còn trống 11 lớp. Trong khi cơ sở tốt vậy đó, nhờ nhà báo quảng bá dùm!”. Đúng là cơ sở vật chất ở đây, các trường MN khác ở Vĩnh Long có mơ cũng không thấy.

Trường THCS Nguyễn Khuyến, xã Tân Ngãi, TP Vĩnh Long là trường chuẩn QG, cách trung tâm TP 5 km, có cơ sở vật chất đủ sức cho học sinh học 2 buổi/ngày, nhưng… còn dư phòng!

Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, Tiểu học Trần Quốc Toản trên địa bàn phường 4, cách trung tâm 2-3 km, đạt chuẩn. Học sinh ở địa bàn thành phố ít, phải tuyển thêm học sinh từ xã Long Phước, xã Phước Hậu của huyện Long Hồ ra học…, nhưng vẫn dư phòng.

Cô Nguyễn Thị Thu Vân cho rằng, ngoài chuyện đầu tư trường chuẩn vùng ngoài trung tâm, nâng chất lượng giáo dục, còn cần sự ý thức của xã hội thì mới gỡ khó được cho các trường trung tâm.

Từ thực tế trên, để giảm áp lực cho trường chất lượng cao ở trung tâm thành phố, tiến tới đạt chuẩn, thì ngoài việc xây dựng trường chuẩn ở vùng ven, cần nhân ra một số trường chất lượng cao. Để làm được điều đó, cần có chính sách luân chuyển giáo viên giỏi, cán bộ quản lý có kinh nghiệm để làm nòng cốt cho trường mới. Vĩnh Long đã có mô hình Trường THCS Nguyễn Trường Tộ từ trường bán công thành trường chất lượng cao, đạt chuẩn được nhân dân tín nhiệm.

Nguyễn Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.