Trước ngày thi tốt nghiệp THPT: 'Con lo một bố mẹ lo bội phần'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau 12 năm đèn sách miệt mài, đây là thời gian học sinh tốt nghiệp THPT chuẩn bị bước vào kỳ thi "2 trong 1" - thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học và cao đẳng chuyên nghiệp. Nỗi lòng phụ huynh muôn người muôn vẻ.

Trước ngày thi tốt nghiệp THPT: 'Con lo một bố mẹ lo bội phần'

Kỳ thi năm nay cơ bản giữ ổn định về phương thức tổ chức như năm 2021, được thực hiện trên tinh thần phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và triển khai của Bộ và các địa phương.

Nỗi lòng phụ huynh trước ngày con thi

Nấu chè đậu đỏ cho con ăn, thức trắng cả đêm canh giờ do sợ muộn hay vượt cả trăm cây số chỉ để động viên con vài câu… đó là tâm trạng của không ít phụ huynh có con đi thi tốt nghiệp. Trong khi các thí sinh đang cố gắng dồn tất cả sức lực, trí óc 12 năm đèn sách để làm bài đạt kết quả tốt.

Ngày mai các con thi, cha mẹ dặn dò chuẩn bị mọi thứ, nhiều người đi hàng trăm cây số mong được gặp để động viên con trước giờ thi, ngồi chờ suốt hai tiếng đồng hồ trước cổng trường, ngóng trông con từ trường thi bước ra khi đồng hồ điểm giờ làm bài kết thúc

Trong những câu chuyện xoay quanh “đề tài” thi cử, nhiều người cũng rất tin vào tâm linh, ngoài việc thắp hương cầu khấn, đi chùa, nấu chè đậu đỏ để cho con em ăn trước khi đi thi, nhắc con khi ra khỏi nhà phải bước chân phải.

“Tối nay tôi chuẩn bị cho nó chiếc áo màu đỏ mặc đi thi cho hên”, một phụ huynh có con thi ở trường Thăng Long kể với mọi người.

Còn hai vợ chồng phụ huynh có con học trường Đống Đa kể, kết quả thi học kỳ và thi thử rất tốt, cháu cũng học đều nhưng vẫn lo lắm, cả nhà đứng ngồi không yên, hồi hộp vô cùng. Dẫu sao đó cũng là kết quả của 12 năm con ngồi trên ghế nhà trường.

Trong khi anh Long, nhà ở Hòa Bình cho biết: “Ngày thường, mẹ cháu đi chợ nấu nướng nhưng hôm nay, tôi muốn tận tay tạo ngày đặc biệt cho con. Tôi vào bếp, nấu mấy thứ con thích và vui đùa với con để giải tỏa tâm lý lo lắng.

Không chỉ chia sẻ, động viên tinh thần... nhiều phụ huynh cũng tranh thủ thời gian rảnh phân tích, lý giải những điều hợp lý, không hợp lý trong kỳ thi như năm nay đề thi các môn khá hay, hợp với học lực thí sinh, không khí diễn ra an toàn, trật tự, nghiêm túc… nhưng hai môn Địa và Sử dồn chung vào một ngày thì “tội nghiệp tụi nhỏ”, vì đây là hai môn “học thuộc”.

Hãy tạo không khí vui vẻ cho con trước ngày thi.

Hãy tạo không khí vui vẻ cho con trước ngày thi.

Chị Loan, cán bộ ở công ty xây dựng tâm sự: “Con lo một thì bố mẹ lo gấp bội phần”. Đó cũng là tâm lý chung của những người làm cha, làm mẹ khi đưa con em mình đến các điểm thi tốt nghiệp THPT.

Anh Tùng (nhà ở Nguyễn Trãi, Hà Đông) cho biết: “Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 có thời điểm chương trình học của các em bị gián đoạn nên tôi lo không biết lượng kiến thức mà con em mình tiếp thu được đến đâu và làm bài thi có tốt không? Nghĩ khổ thân các con sinh 2004 quá, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam cả 3 năm học đều phải học online vì vướng đại dịch Covid-19. Có rất nhiều kiến thức, kỹ năng mà học online không thể truyền đạt hết được cho các con. Không biết năm nay đề thi cho các bạn khỉ con này sẽ ra sao?”.

"Mong sao con đỗ đạt theo ý muốn, nguyện vọng của con. Trong kỳ thi này, thời tiết rất thuận lợi, trời không mưa gió. Mong con sẽ hoàn thành tốt bài thi" - một phụ huynh ở Vĩnh Phúc chia sẻ.

Trong khi đó, anh Hà Huy (phụ huynh của một học sinh trường Lương Thế Vinh) chia sẻ nhà mình: “Ngày mai 7/7, con gái tôi sẽ thi tốt nghiệp cấp 3. Sáng nay cháu vẫn mải mê học, cả nhà phải sang phòng con ôm vai rồi động viên con “đừng bị căng thẳng. Cố gắng lên, ai cũng phải trải qua kỳ thi đó một lần trong đời mà. Khi thi, chị đừng căng thẳng, cứ nghĩ đến những điều tốt đẹp là sẽ làm bài tốt ngay mà”.

Phụ huynh cần làm gì?

"Trước kỳ thi quan trọng chuẩn bị cho một hành trình mới, cha mẹ và các con thường thấy lo lắng là điều rất dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu lo lắng quá sẽ ảnh hưởng tới cả tâm lý, sức khỏe của cả cha mẹ và con cái", chị Mai Chi - chuyên gia tâm lý - tình cảm, giảng viên Đại học Đông Đô (Hà Nội), tư vấn.

Về mặt thể chất, hãy để con tự lựa chọn những món ăn con thích, không nên ép con ăn quá nhiều sẽ gây thêm căng thẳng cho con. Cha mẹ hãy cân đối về lượng dinh dưỡng như rau, củ, quả, tinh bột và chất đạm để con có sức khoẻ tốt.

Về mặt tâm lý, thực tế nếu bố mẹ càng quan tâm thái quá, các con càng cảm thấy áp lực. Áp lực ở chỗ, sợ làm cha mẹ thất vọng. Hãy quan tâm vừa đủ để khích lệ con, cho con biết đây là cơ hội để con gia tăng tính tự chủ, tính tự lập và xác định kế hoạch mục tiêu cho bản thân trong tương lai. Cũng cho con biết rằng, bố mẹ luôn mong con thật bản lĩnh và tự tin hơn, đấy mới là điều bố mẹ cần ở con.

Phụ huynh có thể làm một số việc giúp con bảo đảm chất lượng ôn tập trước khi thi và ổn định tâm trạng trong khi thi. Trước tiên, tinh thần của cha mẹ phải ổn định trước, như thế sẽ làm cho con cái thi cử với tâm trạng ổn định.

Trong thời gian còn lại ngắn ngủi con cái ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi, phụ huynh cần loại bỏ những ảnh hưởng đến từ bên ngoài, đảm bảo luôn ở trong trạng thái hòa nhã. Điều đó có tác dụng lớn đến chất lượng ôn tập của con.

Phải tạo bầu không khí gia đình đầm ấm, hòa thuận. Sức mạnh tình cảm là hết sức to lớn, bầu không khí đầm ấm sẽ làm tiêu tan sự lo âu, buồn phiền và nóng vội, giúp các em điều chỉnh về tinh thần, nâng cao chất lượng ôn tập. Phụ huynh cần khuyên con cố gắng hết sức mình.

Bản thân bố mẹ và những người thân trong gia đình phải luôn vui vẻ, tạo một không khí an vui trong chính ngôi nhà của mình. Bố mẹ nên thu xếp mọi việc sao cho gia đình êm đẹp nhất, mọi sinh hoạt như ăn, ngủ, làm việc nên đúng khung giờ, để các con có nhiều thời gian học tập, thư giãn và nghỉ sớm.

Bố mẹ hãy cùng con chuẩn bị đi thi, có thể mang theo chai nước suối, giấy, khẩu trang và các giấy tờ liên quan, đồ dùng học tập cho các buổi thi.

Trước giờ thi, bố mẹ hãy vui vẻ nói với con rằng, bố mẹ biết con đã rất cố gắng trong thời gian qua, chỉ cần con bình tĩnh, tự tin và chúc con đạt kết quả tốt. Cả nhà mình luôn đồng hành cùng con".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.