Vụ thử nghiệm được khẳng định diễn ra hôm thứ Sáu (22/4) vừa qua, từ trung tâm phóng tên lửa Wuzhai miền trung Trung Quốc, các nguồn tin quân sự Mỹ khẳng định. Các vệ tinh của Mỹ đã theo dõi vụ phóng ngay sau khi tên lửa rời mặt đất.
Từ bãi phóng, tên lửa siêu thanh DF-ZF bay lên rìa tầng khí quyển và hướng về phía tây với vận tốc hàng nghìn km/giờ, trước khi tới một điểm va chạm ở phía tây Trung Quốc. Đây là lần thứ 7 Trung Quốc thử nghiệm tên lửa siêu thanh vốn có thể đạt vận tốc từ 6.173 - 12.359 km/h.
Giới chức tình báo Mỹ nhận định Trung Quốc có kế hoạch sử dụng tên lửa siêu thanh để mang theo đầu đạn hạt nhân xuyên qua các hệ thống phòng thủ chống tên lửa ngày càng tinh vi. DF-ZF cũng có thể được sử dụng cho các vũ khí tấn công chiến lược thông thường, với khả năng tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên thế giới trong vòng 1 giờ.
Mỹ bất an
Người phát ngôn Lầu Năm Góc từ chối bình luận về vụ phóng thử DF-ZF mới nhất, nhưng khẳng định: “Chúng tôi theo dõi quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc một cách kỹ lưỡng”, ông Bill Urban nói.
Trong khi đó, ông Randy Forbes - chủ tịch tiểu ban hải quân, thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ - khẳng định các vụ thử tên lửa siêu thanh của Trung Quốc là một mối quan ngại.
“Việc Trung Quốc liên tục thử nghiệm tên lửa siêu thanh cho thấy Bắc Kinh quyết tâm thay đổi cả cán cân quân sự thông thường và hạt nhân, tiềm ẩn những nguy cơ nghiêm trọng đối với sự ổn định tại châu Á”, ông Forbes khẳng định với Free Beacon.
Hồi tháng 1, đô đốc Cecil Haney, tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến lược của Mỹ khẳng định HGV nằm trong số một loạt vũ khí và tên lửa công nghệ cao Trung Quốc đang phát triển và triển khai. Những vũ khí này có thể mang đầu đạn thông thường và hạt nhân.
Trung Quốc lâu nay vẫn giữ bí mật chương trình DF-ZF. Tháng 3/2015, một người phát ngôn Bộ quốc phòng nước này từng xác nhân, một vụ thử tên lửa siêu thanh được trang Free Beacon đăng tải.
Trong ít nhất một thử nghiệm, thiết bị lượn đã thực hiện “những chuyển hướng cực đại” ở vận tốc tương đương từ 5 - 10 lần vận tốc âm thanh.
Chạy đua vũ khí siêu thanh
Vụ thử tên lửa siêu thanh của Trung Quốc diễn ra chỉ 3 ngày sau khi Nga tiến hành phóng thử nghiệm tương tự. Trong thử nghiệm đó, Nga sử dụng một tên lửa đạn đạo SS-19, được phóng từ một căn cứ phía đông nước này.
Trang Free Beacon dẫn lời các nhà phân tích cho rằng một cuộc chạy đua vũ khí siêu thanh đang diễn ra giữa Nga, Mỹ và Trung Quốc. Ấn Độ cũng đang nghiên cứu loại vũ khí này.
Với việc các radar, cảm biến và thiết bị đánh chặn tên lửa ngày một uy lực hơn, các tên lửa siêu thanh được xem như bước nhảy vọt về công nghệ trong năng lực tấn công, để vượt qua các hệ thống đánh chặn.
Ông Mark Schneider, một cựu chuyên gia các lực lượng chiến lược của Lầu Năm Góc, cho rằng HGV mới của Trung Quốc là một mối đe dọa nghiêm trọng.
“Trong các cuộc điều trần trước ủy ban Trung Quốc của Quốc hội, một nhà phân tích tình báo Không quân tiết lộ thiết bị đó được trang bị vũ khí hạt nhân, mặc dù chúng cũng có phiên bản dành cho vũ khí thông thường”, Schneider nói. “Người Trung Quốc có lẽ thấy đây là một trong những vũ khí quyền trượng sát thủ của mình, được thiết kế để đánh bại Mỹ”.
Theo ông Schneider, một nghiên cứu của Học viện Khoa học Quốc gia Mỹ kết luận trước các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa, tốc độ siêu thanh là đặc điểm sánh ngang với các tính năng tàng hình né radar cấp cao. “Tốc độ siêu thanh cũng giúp tới mục tiêu rất nhanh và có thể giữ vai trò quyết định trong ứng phó các mục tiêu di động”, vị chuyên gia nói.