Syria là đất nước có trữ lượng dầu đáng kể và đây mới là đích ngắm của Bắc Kinh. Mấy ngày nay, báo chí Nga cảnh báo: Moscow có thể thắng trong cuộc chiến quân sự, nhưng rất có thể sẽ bại trận trong lĩnh vực kinh tế ở Syria.
Nhìn lại quan hệ Trung Quốc - Syria
Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Syria Walid Muallem bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ tại New York, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cam kết: Trung Quốc sẽ hỗ trợ Syria phát triển kinh tế và xã hội. Bắc Kinh rất coi trọng quan hệ Trung Quốc - Syria và "không né tránh" cả việc tái thiết Syria - Tân Hoa Xã trích lời Vương Nghị.
Trên thực tế, Trung Quốc không "né tránh" - ngay cả lúc cuộc chiến Syria khốc liệt nhất, Bắc Kinh cũng không quên những lợi ích chiến lược của mình ở một nước Trung Đông. Damascus nhớ điều này không khác gì sự trợ giúp quân sự của Moscow và Tehran. “Tất nhiên, chúng tôi hy vọng rằng quá trình (phục hồi) sẽ dựa trên ba nước chính hỗ trợ cho Syria trong cuộc khủng hoảng này: Nga, Trung Quốc và Iran” - Tổng thống Bashar Assad hứa với RIA Novosti vào tháng 3/2016.
Ở thời điểm trước chiến tranh, Trung Quốc là nước xuất khẩu hàng hóa chính sang Syria (hơn 2,2 tỷ đô la trong năm 2009). Bắc Kinh tích cực đầu tư vào một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Syria - dầu mỏ. Có thể khẳng định, năm 2010, Công ty Dầu khí quốc gia Trung Quốc, cùng với Royal Dutch Shell đã trở thành đồng sở hữu của Al-Furat Petroleum - công ty lọc dầu chính của Syria. Syria được coi là một trong những "nút" của dự án "Con đường tơ lụa mới" - một trong những tuyến đường của hệ thống giao thông Á - Âu qua Iran và Iraq tới các cảng ở Địa Trung Hải của Syria. Bằng cách này, "Con đường tơ lụa" của Trung Quốc sẽ bỏ qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước hết, Trung Quốc quan tâm đến việc khôi phục cơ sở hạ tầng ở Syria. Ai sở hữu cơ sở hạ tầng, đường sắt thì người đó sở hữu đất nước ấy - Alexey Maslov nói.
Về hợp tác chính trị - quân sự giữa “chế độ gia đình Assad” và Bắc Kinh có từ thời Mao Trạch Đông. Ông Hafez Assad - cha của Tổng thống Syria hiện tại được cho là người biết cách hòa thuận với Liên Xô và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cùng một lúc. Trở lại năm 1969, Mustafa Tlas, người đứng đầu quân đội Syria - cánh tay phải của Assad (cha), đã được phái đi Bắc Kinh để sắp xếp việc cung cấp vũ khí từ Trung Quốc và thậm chí có một bức ảnh với Mao. Tlas là Bộ trưởng Quốc phòng Syria cho đến năm 2002, và họ nói rằng đó là Bashar Asad, người đã lấy "ngai vàng" của cha mình mà không bị cản trở. Từ đây, Trung Quốc đã giúp Damascus trong việc phát triển chương trình tên lửa Syria.
Không ngạc nhiên khi thấy các chuyến thăm của Hải quân Trung Quốc được gửi đến bờ biển Syria năm 2013, thời điểm cuộc nội chiến đang diễn ra. Rõ ràng, Trung Quốc muốn "biểu thị sự hiện diện" của mình ở Syria với cách tiếp cận hết sức thận trọng.
“Trung Quốc đã nhiều lần được mời tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình ở Syria. Vào cuối năm 2016 và năm 2017, Bắc Kinh nói rằng, họ đang xem xét cơ hội này. Tuy nhiên, Trung Quốc không tham gia vào các hoạt động quân sự. Trung Quốc, một mặt quan sát cuộc đụng độ giữa chính quyền Damascus và phe đối lập Syria, mặt khác, giữa Nga và Mỹ sẽ kết thúc như thế nào theo kiểu "tọa sơn quan hổ đấu". Và bây giờ, khi cuộc chiến ở Syria gần như đã kết thúc, Trung Quốc bắt đầu tuyên bố rằng họ sẵn sàng hỗ trợ nhân đạo. Đây là chiến thuật thường gặp của Trung Quốc" - Nhà Trung Quốc học Alexey Maslov nói với tờ "Tầm Nhìn".
Nga không "kéo hạt dẻ ra khỏi lửa" cho Trung Quốc xơi
Điều mà cả thế giới đều biết, những thành công của quân đội Syria trên các mặt trận là nhờ sự hỗ trợ đặc biệt của quân đội Nga. Vấn đề này quan trọng hơn nhiều so với những lời hứa tham gia vào việc tái thiết sau chiến tranh của Bắc Kinh. Vào năm 2016, khi Palmyr và Aleppo được giải phóng, Trung Quốc đã thành lập Ban đại diện đặc biệt về Syria. Năm 2017, Bắc Kinh đã công bố một kế hoạch đầu tư khoảng 2 tỷ USD vào việc xây dựng một khu công nghiệp ở Syria với sự tham gia của 150 công ty Trung Quốc. Năm ngoái, các công ty Trung Quốc cùng với các công ty Nga và Iran đã tham gia Triển lãm Quốc tế tại Damascus - lần đầu tiên kể từ thời tiền chiến. Khi ấy, dư luận đồn rằng Huawei của Trung Quốc có thể tham gia vào việc tái thiết viễn thông ở Syria.
Trước hết, Trung Quốc quan tâm đến việc khôi phục cơ sở hạ tầng ở Syria. Ai sở hữu cơ sở hạ tầng, đường sắt thì người đó sở hữu đất nước ấy - Alexey Maslov nói.
Thứ hai, Trung Quốc quan tâm đến việc tham gia vào việc tìm kiếm và khai thác các mỏ dầu ở Syria. Về chuyện này, Trung Quốc thâm nhập vào Syria từ trước cuộc nội chiến.
Và cuối cùng là đào tạo và đào tạo lại cán bộ Syria.
"Người Trung Quốc chắc chắn sẽ đến Syria. Giờ đây, vấn đề quan trọng nhất ở Syria không phải là ai sẽ thắng mà là ai sẽ tham gia vào việc khôi phục nền kinh tế - ông Maslov đặt vấn đề.
Tất nhiên, Trung Quốc muốn kinh tế Syria sẽ đi theo mô hình Trung Quốc. Có thể giả định rằng Bắc Kinh sẽ cung cấp cho Syria các cố vấn kinh tế và công nghệ của mình - Alexey Maslov nói.
Và như vậy, Trung Quốc sẽ là đối thủ cạnh tranh với Nga trong việc khôi phục Syria - ông Maslov nhấn mạnh.
“Nói thẳng ra, Nga đã đầu tư rất lớn và chịu nhiều tổn thất ở Syria. Vì vậy, chúng ta có quyền tin vào "một số miếng" trong cái bánh Syria” - Alexey Maslov khẳng định.
Nga tham gia tái thiết Syria là chuyện đương nhiên. Sự phục hồi của Syria có lợi cho Nga trong vấn đề địa chính trị.
Trong cuộc đối thoại trực tuyến vừa rồi, Tổng thống Nga V.Putin khẳng định: "Nga đã đóng góp quyết định vào bước ngoặt trong cuộc chiến Syria, rõ ràng không có lý do gì chỉ đơn giản là "kéo hạt dẻ ra khỏi lửa" vì lợi ích của Trung Quốc hay EU. Ở đất nước này, chúng tôi không chỉ có chiến lược quân sự mà còn cả lợi ích kinh tế".
Thực ra, Moscow muốn có nhiều quốc gia tham gia vào công việc quan trọng này. Ông Konstantin Simonov, Giám đốc Quỹ An ninh năng lượng quốc gia Nga khẳng định: “Lợi ích là hết sức quan trọng và chúng tôi đang cố gắng làm cho việc khôi phục Syria trở thành một vấn đề toàn cầu. Sự phục hồi của Syria cũng sẽ đồng nghĩa với việc các quốc gia tham gia khôi phục Syria đã công nhận "chế độ Assad" vẫn còn ít nhất cho đến khi có cuộc bầu cử mới".
Tuy nhiên, việc EU tham gia vào tái thiết Syria là khá nan giải - EU ra điều kiện rằng "Assad bạo chúa" phải rút lui ngay tức khắc. Chính vì vậy, việc tái thiết Syria có lẽ cơ bản sẽ là Nga, Trung Quốc, Iran, trong đó, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Nga.