Chính quyền TT Trump đã vài lần đe dọa áp thuế vào đất hiếm do Trung Quốc sản xuất trong năm qua, tuy nhiên mặt hàng này vẫn chưa bị đánh thuế vì nó được dùng trong những điện thoại iPhone cho tới hệ thống dẫn đường tên lửa công nghệ cao.
Đất hiếm là một nhóm gồm 17 nguyên tố trong bảng tuần hoàn, nó có trong một loạt các thiết bị công nghệ cao như điện thoại di động, cối xay gió, các thiết bị hybrid.
Đất hiếm thực sự có nhiều trong lớp vỏ Trái đất hơn so với các kim loại quý như vàng, bạch kim, nhưng chúng “hiếm” bởi vì chỉ thường tồn tại trong tự nhiên dưới dạng hợp chất với các kim loại khác. Việc tinh chế và chiết xuất chúng với số lượng lớn về mặt thương mại rất tốn kém, đặc biệt vì nó đòi hỏi những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường.
Người ta thường tìm thấy đất hiếm ở Trung Quốc, bang California của Mỹ, Australia, Brazil, Burundi, Ấn Độ, Malaysia, Nga, Thái Lan và Việt Nam với trữ lượng toàn cầu khoảng 120 triệu tấn.
Cho tới những năm 80, Mỹ là nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới trong hàng thập kỷ. Tuy nhiên, theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ, kể từ khi Trung Quốc tiến hành khai thác các trữ lượng đất hiếm, đất nước này đã tạo ra hơn 90% sản lượng đất hiếm của thế giới.
Năm ngoái, Trung Quốc khai thác khoảng 120.000 tấn các nguyên tố đất hiếm, chiếm 71% tổng sản lượng toàn cầu.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan tới đất hiếm
Mỏ Mountain Pass ở California là nhà sản xuất đất hiếm duy nhất của Mỹ, tuy nhiên nó đã đóng cửa năm 2015 do phá sản và được bán cho một tập đoàn của Mỹ nhưng do công ty Shenghe Rescources Holding của Trung Quốc đứng sau.
Năm ngoái, việc sản xuất đất hiếm được khôi phục trở lại và các sản phẩm được chở sang Trung Quốc để tinh chế.
Theo số liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, Trung Quốc cũng là nước xuất khẩu đất hiếm lớn nhất sang Mỹ. Đây là nguồn cung cho số đất hiếm trị giá 155 triệu USD mà Mỹ nhập năm ngoái. Rất có thể Trung Quốc sẽ lợi dụng việc Mỹ phụ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc để đối phó Mỹ trong cuộc chiến thương mại.
Trung Quốc đã từng tận dụng lợi thế về đất hiếm. Năm 2010, sau vụ va chạm của tàu đánh cá Trung Quốc và tàu tuần tra Nhật Bản gần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang có tranh chấp, Trung Quốc đã giảm hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm mà các nhà sản xuất Nhật như Toyota, Panasonic… phải dựa vào. Tuy nhiên, Nhật Bản đã nỗ lực tìm kiếm các nguồn thay thế sau đó.