Trung Quốc: Công việc mới lên ngôi thời Covid - 19

GD&TĐ - Một công việc mới mang tên “hỗ trợ viên nghiên cứu trực tuyến”, đã được Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc công nhận.

Một sinh viên tham dự lớp học trực tuyến tại nhà vào tháng 2.
Một sinh viên tham dự lớp học trực tuyến tại nhà vào tháng 2.

Đây là công việc giúp điều chỉnh các khóa học lớn trên Internet phù hợp với nhu cầu cá nhân.

Theo mô tả công việc do Bộ công bố, những người hỗ trợ nghiên cứu trực tuyến có thể lập kế hoạch học tập được cá nhân hóa. Nhờ đó, hướng dẫn người học trực tuyến thông qua các khóa học.

Họ cũng sẽ đóng vai trò hỗ trợ, như đánh giá hiệu suất của lớp, đưa ra phản hồi và giúp khắc phục các sự cố kỹ thuật bao gồm quá tải video và lỗi đăng nhập. Trong khi đó, giảng viên sẽ tạo và giám sát các nhóm trò chuyện trên phương tiện truyền thông xã hội được sinh viên sử dụng. Nhờ đó, giúp thảo luận về các vấn đề học tập.

Guan Xu (29 tuổi), hỗ trợ viên tại Youdao Premium Courses, thuộc NetEase Youdao - công ty giáo dục trực tuyến, cho biết, các nhiệm vụ dần trở thành chuyên môn khi quy mô trung bình của lớp học trực tuyến mở rộng từ hàng chục đến hàng nghìn sinh viên. 

Trong giai đoạn công việc này còn khá mới mẻ, các công ty gia sư trực tuyến đã chuyển sang tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học hỗ trợ cho giảng viên. Qua đó, hỗ trợ viên sẽ xử lý các vấn đề phi học tập, như sự cố hệ thống hoặc thu bài tập. Điều này nhằm giúp giáo viên tập trung hơn vào việc giảng dạy.

Li Ke - một giảng viên toán tại Bắc Kinh, cho biết các hỗ trợ viên đã giúp người dạy có thể tiếp cận với rất nhiều học sinh. Khi ngày càng nhiều công ty giảng dạy trực tuyến “mọc lên”, các nhà cung cấp cạnh tranh bằng cách đưa ra nội dung được thiết kế riêng. 

Động thái đó cho thấy nhiệm vụ của hỗ trợ viên mở rộng sang các lĩnh vực, bao gồm: Bán hàng và quản lý khách hàng. Điều này có nghĩa là họ cần có khả năng giới thiệu các gói bài giảng dựa trên nhu cầu của sinh viên. Đồng thời, điều hành các diễn đàn và phòng trò chuyện như một phần của nỗ lực củng cố lòng tin của khách hàng.

Trước khi trở thành công việc chính thức, các công ty dạy kèm trực tuyến đã tuyển dụng những tài năng như vậy dưới các chức danh mơ hồ, từ gia sư đến nhân viên bán hàng, tạo ra sự nhầm lẫn về nhiệm vụ.

Bà Guan cho biết, chức danh mới này được kỳ vọng sẽ giúp những người tìm việc có cái nhìn rõ ràng hơn về nghề. Đồng thời, tăng cường tập trung vào việc lập các kế hoạch cá nhân hóa - điều cốt lõi đối với giá trị của công việc.

“Với các chứng chỉ do chính phủ cấp, những người không đủ tiêu chuẩn khó có thể tham gia vào lĩnh vực này. Điều đó tốt cho sự phát triển của ngành”, bà Guan nhận định.

Theo tianyancha.com - một nhà cung cấp dữ liệu doanh nghiệp, số lượng các công ty giảng dạy điện tử đã tăng mạnh kể từ năm 2014, đạt hơn 250.000 vào tháng 7.

iResearch - công ty tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết giá trị của thị trường gia sư trực tuyến đã vượt 200 tỷ nhân dân tệ (29,1 tỷ USD) vào cuối năm 2017, gần gấp 3 lần so với năm 2012.

Con số này dự kiến ​​lên tới 540 tỷ nhân dân tệ trong năm nay, sau khi đại dịch chứng kiến ​​nhiều tổ chức dạy kèm truyền thống chuyển các hoạt động kinh doanh sang trực tuyến. Tianyancha.com cho biết, hơn 20.000 nhà cung cấp khóa học đã đăng ký từ tháng 1 -  tháng 5.

Sự mở rộng này một phần được thúc đẩy bởi những nỗ lực nhằm thu hẹp khoảng cách ngày càng tăng giữa thành thị và nông thôn trong giáo dục. Bà Guan cho biết, việc dạy kèm trực tuyến với giá cả phải chăng có thể giúp phá vỡ những hạn chế về địa lý và thời gian. Đồng thời, cho phép học sinh từ các vùng khác nhau chia sẻ các nguồn tài nguyên giáo dục tốt nhất.

Theo China Daily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.