Trump, Putin gặp nhau trong “cơn bão an ninh mạng”

GD&TĐ - Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka (Nhật Bản), nơi sẽ diễn ra cuộc gặp giữa Donald Trump và V. Putin, tờ New York Times đưa tin về việc Mỹ có kế hoạch tấn công mạng máy tính trong hệ thống năng lượng của Nga. Theo nguồn tin của tờ báo, các cuộc tấn công của hacker nhằm cảnh báo Moscow không can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 và trong trường hợp xảy ra xung đột giữa hai nước, chúng trở thành cơ sở cho một cuộc tấn công toàn diện trong không gian mạng. Theo các nhà phân tích, những thông tin rò rỉ trên nhằm đẩy Moscow vào cuộc đối đầu với quy mô lớn và phá vỡ tiến trình bình thường hóa quan hệ Nga - Mỹ.

Cuộc gặp Trump-Putin tại Osaka sẽ đưa quan hệ Nga-Mỹ ấm lên?
Cuộc gặp Trump-Putin tại Osaka sẽ đưa quan hệ Nga-Mỹ ấm lên?

Mỹ tấn công mạng Nga?

Ngày 16/6, The New York Times trích nguồn từ các quan chức (giấu tên) của chính quyền Mỹ đưa tin về Chiến lược mới của Bộ chỉ huy không gian mạng của quân đội Hoa Kỳ. Theo họ, trong những năm gần đây, Bộ chỉ huy không gian mạng của các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ đã gia tăng số vụ hack trong các mạng máy tính của hệ thống năng lượng ở Nga. Chưa hết, hacker Mỹ còn tổ chức cài đặt phần mềm độc hại vào các mạng quan trọng khác ở Nga.

Nguồn tin của New York Times khẳng định, vào thời điểm hiện tại chỉ tập trung vào việc thu thập thông tin và thể hiện các cơ hội chống phá. Washington tin rằng những hành động này sẽ là lời cảnh báo cho Điện Kremlin nhằm ngăn chặn sự can thiệp (có thể) của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới.

Nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết, các sĩ quan quân đội và tình báo đã quyết định không thông báo cho Tổng thống Trump về việc thực hiện chiến lược mới vì sợ thông tin này có thể được tiết lộ trong các cuộc họp của người đứng đầu Nhà Trắng với đại diện nước ngoài.

Trên thực tế, Bộ chỉ huy mạng Hoa Kỳ đã cho phép rò rỉ thông tin về cuộc tấn công hệ thống mạng Nga. Chẳng hạn, vào cuối tháng 2 năm nay, các ấn phẩm của Mỹ đã khẳng định, vào ngày diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ (tháng 11/2018), các chuyên gia của Lầu Năm Góc đã ngắt kết nối Cơ quan Nghiên cứu Internet St. Petersburg khỏi lưới điện và truy cập Internet. Mỹ cho rằng, tổ chức này có liên quan đến doanh nhân Yevgeny Prigogine và bị buộc tội truyền bá thông tin sai lệch trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua. Hóa ra, cuộc tấn công là một phần của Chiến dịch “Russia Small Group”, được người đứng đầu Bộ chỉ huy mạng Hoa Kỳ Paul Nakasone phê duyệt vào tháng 8/2018. Trong chiến dịch này, 4 đối tượng ở Nga đã bị tấn công.

Những người ủng hộ các biện pháp cứng rắn ở Washington, bao gồm đại diện của FBI và Bộ An ninh Nội địa, đã nhiều lần tuyên bố rằng tin tặc Nga có thể xâm nhập vào mạng nội bộ của một số nhà máy điện, bao gồm cả các nhà máy hạt nhân. Theo các quan chức, đường ống dẫn dầu và khí đốt của đất nước, cũng như một số hồ chứa đã bị đe dọa.

Thông thường, Lầu Năm Góc và chính quyền Mỹ không bình luận về các hoạt động có thể có trong không gian mạng. Tuy nhiên, phát biểu tại một hội nghị do The Wall Street Journal tổ chức vào thứ Ba tuần trước, Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton nói: “Hoa Kỳ có thể mở rộng danh sách các mục tiêu không gian mạng để nói với Nga hoặc bất kỳ ai khác có liên quan đến các hoạt động không gian mạng chống lại chúng tôi: Họ sẽ phải trả giá”.

Rò rỉ thông tin hay chủ động phá hoại quan hệ Nga - Mỹ?

Chính Donald Trump đã gọi thông tin về số vụ tấn công mạng ngày càng tăng đối với các hệ thống mạng của Nga là “sự phản bội”.

Trên Twitter của mình, Tổng thống Mỹ viết: “…Tờ Thời báo New York vừa đăng tải một câu chuyện rằng, Hoa Kỳ đã gia tăng đáng kể số vụ tấn công mạng nhằm vào Nga… Đây là một hành động phản bội ảo và điều này không đúng! Các phương tiện truyền thông tham nhũng của chúng tôi đã sẵn sàng cho bất cứ điều gì! Họ là những kẻ hèn nhát thực sự và, không nghi ngờ gì họ là kẻ thù của nhân dân!”.

Trao đổi với “Kommersant”, ông Yuri Rogulev, Giám đốc Quỹ Franklin Roosevelt nói: “Trước cuộc gặp của hai Tổng thống ở Helsinki, trên các phương tiện truyền thông Mỹ đã đăng tải về các vụ tấn công tin tặc của Nga vào hệ thống mạng ở Hoa Kỳ. Như một quy luật, những câu chuyện về tin tặc có một tiếng vang lớn, trong khi gần như không thể xác nhận cũng như phủ nhận chúng. Do đó, đây là một công cụ có lợi để tạo nền tảng cho một cuộc đối đầu mới”.

Cùng quan điểm với Yuri Rogulev, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (Nga) Ruslan Pukhov cho rằng: Các vụ rò rỉ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông hàng đầu của Mỹ về các cuộc tấn công của tin tặc Mỹ vào các hệ thống điện của Nga có thể gây bất ổn nghiêm trọng trong bối cảnh xung đột giữa hai nước. Thông tin trên Thời báo New York không gì khác hơn là một thách thức trực tiếp đối với Nga, điều mà Moscow không thể không đáp trả.

Theo các nhà phân tích, những đối thủ của Tổng thống Mỹ đã công khai chống lại tiến trình bình thường hóa quan hệ Nga - Mỹ bằng cách chủ động thiết lập một giai điệu đối đầu cho cuộc gặp sắp tới của V. Putin và Donald Trump.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.