Trong vắt một tiếng cười

Trong vắt một tiếng cười

(GD&TĐ) - Nghiệp diễn đã gắn liền với cuộc đời, chưa một lần gián đoạn sự nghiệp bởi bất cứ lý do gì. Suốt 52 năm góp với nhân gian một tiếng cười, ông đã tạo được nhiều ấn tượng trong lòng người hâm mộ.

Hai bước ngoặt của cuộc đời

NSƯT Bảo Quốc sinh năm 1949 trong một gia đình có truyền thống cải lương. Cha ông là nghệ sĩ nổi tiếng Năm Nghĩa (Lư Hòa Nghĩa), mẹ là bà Nguyễn Thị Thơ (bà Bầu Thơ), chị là nghệ sĩ Thanh Nga... Từ cậu học trò Lư Bảo Quốc, tinh nghịch, quậy phá của Trường Petrus Ký (nay là Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM) đến một danh hài Bảo Quốc nổi danh như hôm nay là cả một quá trình khổ luyện không ngừng.

PV: Thưa NSƯT Bảo Quốc, hẳn trong ông vẫn còn in sâu ký ức về những ngày đầu tiên mới bước lên sân khấu?

NSƯT Bảo Quốc : Ngay từ nhỏ, cha tôi đã muốn các con nối nghiệp ông. Khi cha tôi sáng lập đoàn Thanh Minh năm 1959, chị Thanh Nga đã diễn đào chánh. Còn tôi lúc ấy chỉ mê đá banh, tính tình lại hiếu động, nghịch ngợm nên hằng ngày dù được cha tập diễn, tập ca, nhưng tôi cũng chẳng mấy đam mê. Tình cờ một lần, cậu bé trạc 10 tuổi như tôi đóng trong vở Người vợ không bao giờ cưới bị bệnh đột xuất, tôi bất đắc dĩ phải thế vai. Tôi còn nhớ lúc ấy, cha tôi đứng trong cánh gà vừa xem vừa lo, mặt mày thật căng thẳng, không ngờ tôi diễn ngọt xớt. Ngay đêm đó, cha tôi ngã bệnh nặng rồi qua đời. Nỗi mất mát quá lớn đã để lại một dấu ấn mạnh trong tôi, tôi bắt đầu biết suy nghĩ, yêu cái nghề của cha và hiểu rằng đây là nghiệp tổ của gia đình. Từ đó tôi theo nghề luôn cho đến bây giờ.

NSƯT Bảo Quốc
NSƯT Bảo Quốc

* Được biết, Bảo Quốc khởi nghiệp bắt đầu từ những vai kép mùi. Vậy cơ duyên nào khiến ông chuyển sang hài và thành công cho đến ngày hôm nay?

- Đúng vậy, thời gian đầu mới theo nghề, tôi toàn diễn kép mùi. Cơ duyên chuyển sang hài bắt đầu từ lần đóng thế cho anh Thanh Việt, một danh hài rất nổi tiếng thời đó, trong vở Con ma nhà họ Hứa. Hôm ấy, anh Thanh Việt ngã bệnh, chị Thanh Nga bảo tôi thế vai này, tôi giãy nảy “Em biết gì mà diễn hài”, chị cương quyết: “Chị thấy em có khả năng hài, cứ mạnh dạn diễn đi”. Không ngờ màn diễn hài hôm đó quá thành công, khán giả cười ngất. Cũng nhờ sự cương quyết của chị Thanh Nga mà khi chuyển qua hài, tôi đã phát huy hết sở trường của mình và không ngừng tìm tòi, học hỏi. Đối với tôi, nghề diễn là tình yêu, là trách nhiệm, phải yêu mới thấy hứng thú, say mê. Vai lớn hay nhỏ cũng quan trọng như nhau, cần phải diễn hết mình. Năm 18 tuổi, tôi đoạt giải Thanh Tâm nhờ vai chính trong vở Hiệp sĩ mù, lại là con trai của bà bầu Thơ lừng lẫy. Vậy mà đùng một cái, đạo diễn Ngô Y Linh lại chọn tôi đóng vai hài nhỏ xíu, Chương Hầu, trong vở Tiếng trống Mê Linh. Không ngờ, vai này tiếp tục giúp tên tôi ngự trị trong lòng khán giả. Rồi đến vai Y xì ke trong Bóng tối và ánh sáng, nhân vật trọn vở tác giả viết chưa đầy một trang giấy, nhưng tôi cũng xung phong nhận và tiếp tục thành công. Gần đây có vai vị giáo sư hói đầu trong vở Người vợ ma cũng chỉ là một vai thoáng qua nhưng khán giả cũng rất thích.

* Nhiều nghệ sĩ trẻ không chỉ kính trọng tài năng của ông mà còn ở nhân cách, ông luôn là “bàn đạp” để cho các em trẻ bật lên?

- Tôi xem ai theo nghề này cũng như là người trong một gia đình. Tôi từng đứng chung sân khấu với những bậc lão thành. Họ đã thương và dẫn dắt tôi thì giờ tôi cũng ứng xử như thế với người trẻ. Tôi vui vì có thể xem mình là “chiếc cầu nối” cho thế hệ đàn em, đàn cháu. Đôi khi 9 giờ sáng tập tuồng, 9 giờ kém 15, tôi đã ngồi đợi một mình giữa sân khấu vắng lặng. Nhiều khi 11-12 giờ, các em trẻ mới đến tập. Lúc đầu tôi cũng hơi giận, nhưng sau đó tôi đã luyện cho mình cách thông cảm với tuổi trẻ cũng như thông cảm với con cháu mình, có thể các em còn ham vui, tối qua diễn xong còn đi chơi khuya nên sáng dậy sớm không nổi. Nhưng chính vì các em, cháu thấy tôi ngồi đợi như thế nên dần dần không tái diễn việc đến trễ nữa. Được như vậy, tôi thấy vui vì đã làm gương cho tụi nhỏ được chút ít.

Khi danh hài không… cười

* Trong quãng đời đi hát, kỷ niệm nào khiến ông không thể nào quên?

- Đó là đêm diễn cuối cùng của vở Thái hậu Dương Vân Nga trên khấu Thanh Minh - Thanh Nga năm 1978, đây là suất diễn thứ hai trong ngày, vào màn cuối, tôi đứng trong cánh gà nói với chị Thanh Nga: “Khán giả đông quá chị ha”. Chị trả lời: “Khán giả yêu mến nên dù mệt mỏi vẫn phải cố gắng biểu diễn hết mình. Tối nay về, chị sẽ ngủ một giấc cho đã”. Không ngờ sau đó, chị bị sát hại và chị đã ngủ một giấc ngàn thu. Lần thứ hai là sau ngày chị Thanh Nga mất, lần đầu tiên đoàn diễn lại vở Thái hậu Dương Vân Nga do Kim Hương thay vai chị, tôi vừa “Muôn tâu thái hậu” là nghẹn lời, ứa nước mắt không sao nói được. Phải một lúc sau, tôi mới trấn tĩnh để làm trò tiếp cho khán giả cười...

Bảo Quốc trong Ngao sò ốc hến
Bảo Quốc trong Ngao sò ốc hến

* Có vai diễn nào mà ông không dám làm cho khán giả cười?

- Đó là vai Nhan Tấn trong vở kịch Nỏ thần trên sân khấu kịch Hồng Vân. Suốt vở, tôi không gây một tiếng cười nào. Ban đầu, “bà bầu” Hồng Vân định phân cho tôi vai An Dương Vương. Nhưng tôi lại chọn vai Nhan Tấn vì muốn phiêu lưu để khán giả thấy một “Bảo Quốc không giống Bảo Quốc nữa”. Có lớp diễn giữa Nhan Tấn với hai chú lính gác ngục, vô đúng chất hài của tôi. Tôi định “bung” một tí cho khán giả cười đỡ căng thẳng, nhưng rồi thôi vì sợ làm hỏng đường dây kịch bản. Vai diễn “không cười” này đã giúp tôi đoạt chiếc Huy chương vàng trong Hội diễn Sân khấu toàn quốc 2009.

* Được mệnh danh là “Đệ nhất danh hài”, vậy ông tự nhận xét thế nào về phong cách hài của mình?

- Tôi là luôn luôn tôn trọng khán giả, hài phải biết chọn lọc, không nên lố lăng làm cho khán giả bực mình rồi dẫn đến nhàm chán. Mà điều này, một số anh em hài trẻ chưa hiểu đúng, vô tình khiến cho khán giả thiếu thiện cảm với hài. Để chọn một vở hài tham gia, điều đầu tiên tôi đòi hỏi là vai đó phải có nội dung “sạch sẽ”, từ đó tôi sẽ phát triển cho vai diễn hay hơn.

Live show đời người

* 52 năm góp với nhân gian một tiếng cười có phải là live show duy nhất trong cuộc đời của ông?

- Một nghệ sĩ có thể làm hai ba live show, còn tôi làm live show vừa qua xem như lần duy nhất cho cả đời, vừa để kỷ niệm, vừa gửi lời cảm ơn đến khán giả, đến những bậc thầy, đồng nghiệp, gia đình luôn sát cánh, ủng hộ tôi trên con đường nghệ thuật. 52 năm là một đoạn đường dài của nghệ thuật. Tôi đã đi qua nhiều khó khăn và vẫn đứng vững trên con đường sự nghiệp là nhờ sự dạy dỗ tận tình của những người thầy như má bảy Phùng Há, chú Ba Vân, thầy Năm Châu, ba tôi, chị Thanh Nga, danh hài Thanh Việt… Họ đã giúp cho tôi có một niềm tin, lòng say mê với nghề và đã nhận được tình thương của khán giả.

* Phân nửa live show dành cho cải lương, hẳn ông vẫn còn tâm huyết với bộ môn truyền thống này?

- Với tôi, cải lương luôn là máu thịt và là truyền thống của gia đình. Qua các trích đoạn cải lương trong chương trình, tôi muốn góp phần nhắc nhở những ai đã quên cải lương hãy nhớ lại cải lương và những ai chưa biết cải lương hãy tìm đến với cải lương. Bởi vì đây là giá trị văn hóa dân tộc cần được gìn giữ và phát huy.

* Bên cạnh duyên nghề, anh còn có một duyên tình bền vững?

- Vợ tôi chính là mối tình đầu của tôi. Hồi đó tôi mới 19 tuổi, vợ tôi 17, mối tình của chúng tôi cũng trải qua bao thăng trầm. Cô ấy là nữ sinh trường Gia Long, xinh đẹp, học giỏi, con nhà gia giáo. Không thích sống dựa vào gia đình, hai vợ chồng tôi tự lập từ hai bàn tay trắng. Suốt bao năm chung sống, dù khó khăn đến đâu, cô ấy cũng luôn âm thầm nâng đỡ tôi, nuôi dạy con cái nên người. Đặc biệt là rất yêu nghề của chồng. Đến giờ, tháng nào vợ chồng tôi cũng thu xếp để đi du lịch cùng nhau.

* Xin cảm ơn ông.

Song Minh 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ