Trong cơm có gì?

GD&TĐ - Được ăn một bữa cơm “hơn ở nhà”, lại không phải đi về giữa trưa, bụng vừa no cái chữ vừa no miếng cơm, thế là các em không bỏ học.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ở thị trấn Đắk Glei tỉnh Kon Tum có một trường tiểu học với đa số là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Nói thị trấn cho có vẻ phố phường nhưng kỳ thực, nó nằm ở vùng biên giới, trên Đường Hồ Chí Minh, nơi dẫn về nhà ngục Đắk Glei.

Gần 80 năm trước (1942), nhà thơ Tố Hữu đã bị giam ở đây và vượt ngục tại nhà tù này. Nói vậy để dễ hình dung sự heo hút của địa danh nói trên và cũng để hiểu vì sao, ngay giữa thị trấn mà lại có bếp ăn dành cho học sinh người thiểu số dù các em không thuộc diện được Nhà nước nuôi.

Trường có 370 học sinh nhưng có 59 em ở thôn Long Nang mới chuyển về từ năm học này. Nhà các em cách trường cả nửa buổi đường.

Học ngày hai buổi nên buổi trưa các em phải về nhà ăn cơm rồi mới trở lại lớp. Thế nhưng, nhiều em đã ở nhà luôn vì không đủ sức và không đủ thời gian để đi một quãng đường núi “ngút hơi” như thế.

Nhận thấy nguy cơ bỏ học từ số học sinh này rất cao, các thầy giáo ở trường bèn “huy động tình thương” trong đồng nghiệp, thầy thì góp tiền, cô thì góp gạo, có người góp mì tôm… để nấu bữa trưa cho 59 em này.

Các thầy cô giáo ở trường giờ đây có việc “làm thêm”: Sáng sớm họ phải tranh thủ ra chợ cóc ở thị trấn để mua những gì có thể, trưa tranh thủ nấu bữa cơm cho các em. Được ăn một bữa cơm “hơn ở nhà”, lại không phải đi về giữa trưa, bụng vừa no cái chữ vừa no miếng cơm, thế là các em không bỏ học.

Thấy vậy, nhiều phụ huynh, dù con họ không phải ở lại ăn trưa nhưng vẫn xắn tay áo cùng các thầy chăm lo cho các em.

Ở nhiều địa phương, phong trào “kéo học sinh ra lớp” được phát động, triển khai khá rậm rộ nhưng học sinh vẫn cứ nghỉ học. Các thầy cô giáo ở Đắk Glei chả phải hô hào, vẫn giữ chân được các em bằng bữa cơm dù còn đạm bạc nhưng chứa đầy tình yêu thương và trách nhiệm.

Mà đâu chỉ có ở Đắk Glei! Ở huyện Krông Nô tỉnh Đắk Nông cũng đã có mô hình “giữ chân các em” như thế này từ vài năm nay. Lác đác ở một vài điểm trường thuộc các huyện vùng cao Quảng Nam, Quảng Ngãi, nhiều cô giáo cũng đã “dát mỏng” đồng lương ít ỏi của mình để thêm một vài gói mì tôm, đôi ba ký gạo cho các cháu được no bụng đặng tiếp tục theo học.

Mấy bữa nay, trên các diễn đàn báo chí và mạng xã hội “dậy sóng” với chuyện gian lận điểm trong kỳ tuyển sinh năm 2018. Nào là 3 môn có 2 điểm nhưng cũng thủ khoa; nào là có cả con những vị lãnh đạo trong ngành Giáo dục, lãnh đạo công an và cả ông Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cũng bị bêu tên trong vụ gian điểm này.

Nghe những thông tin như thế vừa nhức đầu lại vừa xấu hổ. Ngày nào báo chí cũng nhắc đến chuyện gian lận ấy, như thể giáo dục chỉ mỗi chuyện xấu xa nọ thôi.

May thay, giữa những vùng cao heo hút, vẫn có những người thầy, những cán bộ lãnh đạo hết lòng vì các em, cũng là hết lòng vì tương lai đất nước. Rồi mai đây, bước chân của các em sẽ in dấu lên trăm miền Tổ quốc. Trong dặm dài gian nan phía chân trời ấy, chúng ta tin rằng, các em sẽ chẳng quên những bữa cơm trưa đầy tình nghĩa thầy trò như thế.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn có chương trình “Cơm có thịt” thu hút sự chú ý và ủng hộ của nhiều người. Tôi chỉ bổ sung thêm rằng, trong cơm của các em học sinh vùng cao Đắk Glei, Đắk Nông hay Trà Bồng, Nam Giang… nay còn có tấm lòng nữa. Xin nhắc lại là “trong cơm còn có tấm lòng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ