Trò chơi dân gian giúp trẻ phát triển toàn diển cả thể lực, tinh thần và trí tuệ

GD&TĐ - Trò chơi dân gian là di sản quan trọng trong kho tàng văn hóa Việt Nam. Đó là những sáng tạo chung mang tính cộng đồng với đầy đủ các giá trị lịch sử, văn hóa tinh thần và kỹ năng rèn luyện thể chất, sự khéo léo, dẻo dai…

Trò chơi dân gian giúp trẻ phát triển toàn diện cả thể lực, tinh thần và trí tuệ.
Trò chơi dân gian giúp trẻ phát triển toàn diện cả thể lực, tinh thần và trí tuệ.

Thông qua các trò chơi, con người mong ước tới một giá trị tinh thần, cuộc sống cao đẹp. Xin giới thiệu cùng bạn đọc một số trò chơi dân gian mà trẻ con thường chơi.

 “Nhảy bao bố” - hướng tới ước vọng có sức khỏe dồi dào

“Nhảy bao bố”: Là trò chơi hướng tới ước vọng có sức khỏe dồi dào để lao động sản xuất.

“Nhảy bao bố” đòi hỏi người chơi phải có sức bật và sự khéo léo. Việc khó nhất của trò chơi là phải giữ thăng bằng vì rất dễ vấp ngã khi cố sức nhảy nhanh để vượt qua đối thủ. Bên cạnh đó, trò chơi còn gia tăng tính đồng đội bởi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên.

Nhảy bao bố rèn luyện sự khéo léo cho trẻ
Nhảy bao bố rèn luyện sự khéo léo cho trẻ

Trò chơi này vừa giúp người chơi luyện tập thể lực, sức bền và khả năng nhảy xa khi sử dụng bao bố, đồng thời vừa tạo không khí thoải mái, thư giãn sau những giờ học tập, lao động căng thẳng.

“Đánh đáo” - luyện rèn sự chuẩn xác, khả năng tính toán

“Đánh đáo” là trò chơi chứa giá trị tín ngưỡng văn hóa sâu sắc. Trong dân gian, con người thường cầu cho mình và người thân sức khỏe, sự thông minh, khôn khéo và một đích đến cho cuộc sống đủ đầy.

Đánh đáo tuy đơn giản nhưng chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Trò chơi thể hiện sự hòa hợp âm dương giữa Cha - Mẹ và Đất - Trời (hình vuông của “đáo” thể hiện tính âm, vòng tròn quanh khu vực đánh đáo thể hiện tính dương). Từ đó, gửi gắm những ước vọng về mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi nảy nở.

Đánh đáo rèn sự chuẩn xác, khả năng tính toán cho trẻ
Đánh đáo rèn sự chuẩn xác, khả năng tính toán cho trẻ

Ngoài ra trò chơi còn luyện rèn sự chuẩn xác, khả năng tính toán, phán đoán của người chơi, trên hết đó là phải có tâm lý và tinh thần mạnh mẽ, ý chí vươn lên giành chiến thắng của mỗi người.

“Ô ăn quan” - phát triển tư duy khoa học tính toán

“Ô ăn quan” là trò chơi mang tính chiến thuật, nhằm phát triển tư duy khoa học tính toán.

“Ô ăn quan” (hay ô quan, ăn quan) có nguồn gốc từ châu Phi hàm chứa ý nghĩa về việc gieo hạt trong nông nghiệp. Trò chơi đến Việt Nam không có nghĩa gieo hạt như nguyên gốc mà trở thành trò chơi mang tư tưởng lấy của quan chia cho người nghèo (lấy sỏi ở ô lớn hai đầu chia vào các ô khác).

Ô ăn quan giúp trẻ phát triển tư duy khoa học tính toán
 Ô ăn quan giúp trẻ phát triển tư duy khoa học tính toán

Chỉ cần một số hạt sỏi kẻ một ô dãy hai tầng là có thể chơi. Trò chơi kết thúc khi trên bàn hết sỏi, hoặc hết ô quan hai đầu thì ván chơi kết thúc gọi là “hết quan toàn dân kéo về”. Thắng thua căn cứ vào số điểm ăn được.

“Đi cà kheo” - trò chơi hướng đến rèn luyện sự khéo léo, linh hoạt và tháo vát

Từ một công cụ hỗ trợ trong hoạt động lao động sản xuất của người nông dân, “Đi cà kheo” dần trở thành một trò chơi rèn luyện sự dẻo dai, khéo léo, uyển chuyển, linh hoạt trên đôi cà kheo. Cà kheo được làm từ tre hoặc trúc già có mặt ở mọi miền quê và gần với nền văn hóa của Việt Nam.

Đi cà kheo rèn luyện cho trẻ sự khéo léo, linh hoạt, dẻo dai.
Đi cà kheo rèn luyện cho trẻ sự khéo léo, linh hoạt, dẻo dai.

Người “Đi cà kheo” phải điều chỉnh theo nguyên tắc vật lí thăng bằng. Đây là một trò tương đối khó bởi không phải ai cũng giữ được thăng bằng khéo léo điều khiển cà kheo kết hợp nhịp nhàng cả chân và tay.

Cùng nhau trải nghiệm những trò chơi dân gian giúp con người gần nhau hơn, nhất là giữa các thế hệ: cha mẹ và con cái, ông bà và cháu chắt, các anh, chị, em với nhau… Các trò chơi dân gian còn rèn luyện cho trẻ nhỏ sự kiên trì, tính toán, sự khéo léo, sức khỏe dẻo dai và cả sự linh hoạt trong cuộc sống. Thông qua các trò chơi dân gian trẻ còn góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trong việc lưu giữ và phát huy các di sản văn hóa của Việt Nam.

Ông Nguyễn Tuấn Hưng – Phó Giám đốc Trung tâm UNESCO Bảo tồn và giao lưu Văn hóa quốc tế ICEP – HaNoi Classy chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ