Trình Chính phủ phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2023 kéo dài 7 ngày

GD&TĐ - Bộ Nội vụ thống nhất đề xuất Chính phủ phê duyệt phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2023 kéo dài 7 ngày và không lựa chọn phương án nghỉ 9 ngày.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Nội vụ vừa có văn bản gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thống nhất đề xuất Chính phủ phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2023 kéo dài 7 ngày và không lựa chọn phương án nghỉ 9 ngày.

Theo phương án mà Bộ Nội vụ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thống nhất, công chức, viên chức nghỉ Tết Nguyên đán 2023 từ thứ Sáu ngày 20/1/2023 Dương lịch đến hết thứ Năm ngày 26/1/2023 Dương lịch (tức ngày 29 tháng chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão).

Về dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm 2023, Bộ Nội Vụ cũng thống nhất trình Chính phủ phương án công chức, viên chức được nghỉ lễ 4 ngày từ thứ Sáu ngày 1/9/2023 đến hết thứ Hai ngày 4/9/2023.

Trước đó, hồi cuối tháng 8, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lấy ý kiến các bộ, ngành để trình Thủ tướng đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán và nghỉ lễ quốc khánh năm 2023.

Bộ này đưa ra hai phương án nghỉ Tết Nguyên đán năm 2023, với số ngày nghỉ có thể kéo dài đến 9 ngày.

Cụ thể, phương án 1, công chức, viên chức nghỉ Tết Nguyên đán 2023 từ thứ Sáu ngày 20/1/2023 Dương lịch đến hết thứ Năm ngày 26/1/2023 Dương lịch (tức ngày 29 tháng chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng giêng năm Quý Mão).

Với phương án này, dịp nghỉ Tết Nguyên đán công chức, viên chức sẽ được nghỉ 7 ngày, bao gồm 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán và hai ngày nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần theo quy định của Bộ luật Lao động.

Phương án 2, công chức, viên chức nghỉ Tết Nguyên đán 2023 từ thứ Bảy ngày 21/1/2023 Dương lịch đến hết Chủ nhật ngày 29/1/2023 dương lịch (tức ngày 30 tháng chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 8 tháng giêng năm Quý Mão).

Với phương án này, dịp nghỉ Tết Nguyên đán công chức, viên chức sẽ được nghỉ 9 ngày. Trong đó có 5 ngày nghỉ tết và hai ngày nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần theo quy định Bộ luật Lao động và hai ngày nghỉ hằng tuần.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng trong hai phương án trên đơn vị đề xuất phương án 1. Vì phương án này đảm bảo tổng số ngày nghỉ liên tục không quá dài (7 ngày), đồng thời đảm bảo hài hòa thời gian nghỉ trước và sau tết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...