Bộ GD&ĐT khẩn trương tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.
Điều này nhằm bảo đảm phù hợp với các quy định của Luật Giáo dục 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và yêu cầu thực tiễn của địa phương để tỉnh có căn cứ pháp lý xây dựng mức thu học phí cho năm học 2021 - 2022 và những năm tiếp theo.
Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 sẽ có hiệu lực đến hết năm học 2020 - 2021.
Để có căn cứ pháp lý cho các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện cơ chế thu học phí từ năm học 2021 - 2022 và các năm tiếp theo, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với bộ, ngành và cơ quan liên quan xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP và hiện nay đã trình Chính phủ để xem xét, phê duyệt.
Để chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, học sinh và người dân do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid và các đợt thiên tai bão lũ ở nhiều địa phương trong thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT đã lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Nghị định và báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên mức học phí của năm học 2021 - 2022 ổn định không tăng so với năm học 2020 - 2021.
Từ năm học 2022 - 2023, mức học phí được điều chỉnh tăng theo lộ trình phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế để từng bước thực hiện lộ trình tính đủ chi phí theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giá và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.