Triều Tiên thử tên lửa, trường học Nhật bối rối!

GD&TĐ - Trong 2 lần Triều Tiên bắn tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản mới đây, hệ thống cảnh báo quốc gia J-Alert được kích hoạt trên toàn quốc. Tuy nhiên, các trường học Nhật Bản đều bối rối và lúng túng trong tình huống này…

Triều Tiên thử tên lửa,  trường học Nhật bối rối!

Nghỉ học hay học muộn?

Khó khăn chung mà các trường gặp phải là việc đưa ra quyết định nghỉ học hay chỉ lùi thời gian vào học sau khi có một vụ phóng tên lửa được xác nhận.

Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm thứ 6 tuần trước (tên lửa bay qua Nhật Bản) xảy ra khi học sinh đang trên đường tới trường. Một trường học tại tỉnh Ibaraki đã quyết định cho nghỉ học; trong khi 222 trường tại 12 tỉnh, bao gồm cả Hokkaido, Aomori và Iwate, lùi giờ vào học.

Những quyết định trên là tuỳ thuộc vào các trường và cơ quan quản lí giáo dục địa phương tự quyết khi chưa có một chuẩn thống nhất cách xử trí trên toàn quốc.

Vào ngày 7/9, Phòng Giáo dục Yuzawa, tỉnh Akita, đã đưa ra quyết định tại cuộc họp các hiệu trưởng rằng nếu hệ thống cảnh báo quốc gia J-Alert phát đi cảnh báo lúc 6 giờ 30 sáng hoặc sớm hơn thì học sinh nên đợi ở nhà. Nếu cảnh báo phát đi lúc học sinh trên đường tới trường, giờ vào học sẽ được lùi lại 1 tiếng. Vì vậy, khi xảy ra vụ bắn tên lửa thứ 6 tuần trước, 17 trường tiểu học và THCS đã thực hiện quy định này, lùi giờ vào học 1 tiếng.

Trong khi đó, tại tỉnh Ibaraki, Hiệu trưởng Trường Tsuchiura Nihon University Secondary ban bố quyết định nghỉ học. Được hỏi tại sao không thay đổi quyết định sau khi tên lửa rơi xuống Thái Bình Dương, một lãnh đạo trường lí giải: “Không có gì bảo đảm một tên lửa khác sẽ không được phóng tiếp. Đó là một quyết định khó khăn”.

Loay hoay biện pháp phòng vệ

Một số trường, phòng tình huống tên lửa được bắn đi đúng vào giờ học, đã tổ chức diễn tập ứng phó.

Một trường tiểu học tại quận Chiyoda (Tokyo), tổ chức diễn tập như vậy vào sáng 8/9. Khi cảnh báo “Chúng tôi nhận thông báo một tên lửa được phóng đi” phát đi trên hệ thống loa truyền thanh, học sinh đeo mặt nạ phòng độc và di chuyển vào hành lang.

Một cảnh báo của Bộ Giáo dục hướng dẫn rằng khi tìm nơi trú ẩn trong một trận động đất nên tìm những nơi không có nguy cơ đổ sập hoặc vật thể rơi vào người - nhưng lại không có hướng dẫn cụ thể cần làm gì trong tình huống phóng tên lửa.

Vì vậy, trường học trên đành tự quyết định phương pháp ứng phó và tìm chỗ an toàn để trú ẩn, như hành lang - nơi không có cửa sổ kính.

“Chúng tôi không muốn làm bọn trẻ lo lắng nhưng chúng tôi muốn dạy chúng cách tự bảo vệ khi có bất trắc xảy ra” - Hiệu trưởng trường này cho biết.

Để ngăn chặn phân biệt đối xử, như kỳ thị trẻ em là công dân Triều Tiên tại Nhật Bản, trường không sử dụng từ “Triều Tiên” trong thông báo.

Một trường tiểu học tại đảo Okinoshima, tỉnh Shimane tổ chức diễn tập tương tự ngày 6/9. “Học sinh tiểu học khó mà hiểu được tình hình quốc tế đằng sau những vụ phóng tên lửa” - Hiệu trưởng trường này cho biết và nói thêm rằng trường không dạy học sinh những vấn đề như vậy.

Trong năm nay, Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao, Khoa học và Công nghệ có kế hoạch sửa đổi sổ tay hướng dẫn quản lí rủi ro để bổ sung thông tin về cách ứng phó với những vụ phóng tên lửa và những tình huống tương tự khác. Ví dụ trú ẩn ở đâu và thế nào khi có cảnh báo J-Alert.

“Triều Tiên hiện đang phóng tên lửa tầm cao hơn không phận quần đảo Nhật Bản. Mức độ khủng hoảng vẫn thấp nhưng mọi thứ có thể tồi tệ trong tương lai. Trường học không thể tự xoay xở tìm biện pháp bảo vệ an toàn và mạng sống của học sinh. Bộ Giáo dục và cơ quan giáo dục địa phương cần nhanh chóng ban hành quy chuẩn thống nhất biện pháp ứng phó” - Tatsumi Tanaka, Chuyên gia xử lí khủng hoảng, khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.