Thông tin trên đã được ấn phẩm Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ đăng tải, có tham khảo hình ảnh vệ tinh của Airbus.
Ngày nay, năng lực sản xuất của Triều Tiên bao gồm khoảng 200 nhà máy chuyên chế tạo đạn dược, được sử dụng phục vụ cho nhu cầu quân đội của mình và hỗ trợ Nga tiến hành chiến tranh chống lại Ukraine.
Ngoài việc trực tiếp mở rộng năng lực sản xuất, Bình Nhưỡng còn tăng đáng kể nguồn cung cấp đạn dược cho Moskva, mang lại lợi thế cho đồng minh trong cuộc chiến tiêu hao.
Theo một số quan chức quốc phòng Mỹ và các nhà phân tích tình báo từ OSINT, Nga đã nhận được hơn 1 triệu quả đạn pháo 122 và 152 mm từ Triều Tiên. Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy việc mở rộng tổ hợp lắp ráp chuyên sản xuất tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Tên lửa lớp Hwasong-11 của Triều Tiên, phương Tây gọi là KN-23 và KN-24, được sản xuất tại một nhà máy ở bờ biển phía Đông nước này. Ngoài ra khoảng 20.000 container chứa vũ khí, đạn dược cũng như các hệ thống pháo và tên lửa đạn đạo đã được gửi đến Nga.
Khoản thanh toán của Nga cho số vũ khí bao gồm việc gửi cho Triều Tiên nhiên liệu và thiết bị để hỗ trợ sản xuất. Bên cạnh đó, Moskva đang chuẩn bị cung cấp thiết bị công nghệ cao cho Bình Nhưỡng nhằm cải thiện độ chính xác cho các hệ thống tên lửa, phòng không và hàng không của Triều Tiên.
Trước đó có thông tin cho rằng Nga đã ký kết thỏa thuận chuyển giao các máy bay chiến đấu thời Liên Xô để đổi lấy việc hỗ trợ từ binh sĩ Triều Tiên trong cuộc chiến chống Ukraine.
Tư lệnh Quân đội Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương - Đô đốc Hải quân Samuel John Paparo lưu ý rằng việc chuyển giao máy bay là một trong những lĩnh vực ưu tiên, vì Không quân Triều Tiên đã rất lỗi thời và cần được cập nhật.
Về phần mình, Triều Tiên đang chuyển giao cho Nga các khẩu pháo M1989 Koksan cỡ nòng 170 mm, vũ khí này được ghi nhận trong quá trình đưa ra chiến trường bằng đường sắt.