(GD&TĐ) - Chừng 20 năm nay, ổi Đông Dư, huyện Gia Lâm, Hà Nội nổi tiếng ngon. Đấy là loại ổi găng, được trồng ngoài bãi phù sa màu mỡ do thường xuyên được sông Hồng bồi đắp mỗi năm. Bởi ổi ngon có tiếng nên hầu như ai đi qua địa phận này như đường đê sông Hồng hay quốc lộ 1B đều dừng chân ghé mua về làm quà. Đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của khách, người Đông Dư ngày ngày chịu khó, không kể năng mưa đều đem thứ sản vật ngon, bổ mà thiên nhiên ban tặng bày bán từ sớm cho đến tối.
Những khảo sát nghiên cứu khoa học đã cho thấy quả ổi có lợi cho sức khoẻ là điều không cần phải bàn cãi. Và thiên nhiên đã ban tặng cho Đông Dư một thổ nhưỡng tốt, một giống ổi găng ngon, kể cũng là một sự ưu ái, thiên vị so với nhiều vùng đất nằm trên rải đất bồi đắp phù sa của sông Hồng. Người Đông Dư không những được thưởng thức ổi ngon mà cũng nhờ cây ổi mà kinh tế phát triển nhìn thấy rõ.
Cụ Cậy bán ổi ven triền đê sông Hồng |
Về Đông Dư thấy cảnh làng xóm thật trù phú, xanh tươi. Nhà cao tầng dạng biệt thự nhà vườn mọc lên như nấm, mái chống nóng dạng ngói nhấp nhô, màu đỏ khang trang. Có cảm giác như cả xã là khu đô thị nhà vườn sinh thái. Cứ ngỡ, các căn biệt thự, nhà vườn ấy là của các đại gia nơi khác đến đây ngụ cư vì thấy môi trường trong lành, cũng không cách trung tâm Hà Nội bao xa. Nhưng qua tìm hiểu mới thấy phần lớn những ngôi nhà ấy là của người dân bao đời sinh sống trên địa bàn xã. Đất đai mầu mỡ cộng với biết ươm trồng những giống cây ổi tốt đã cho ra kết quả phát triển kinh tế của xã tăng cứ vùn vụt.
Nếu chỉ nhìn thoáng qua những lều quán lúp xúp trên triền đê Sông Hồng với những thúng mủng bày biện ổi theo hình chóp nón hay những cọc ổi trên đường quốc lộ 1B (đoạn qua huyện Gia Lâm) thi ai cũng nhầm tưởng họ là những người nông dân vất vả mưu sinh. Nhưng tìm hiểu sâu mới biết, đa phần họ đều là những triệu phú chân đất theo đúng nghĩa. Cụ Cậy thường hay bán ôi ven triền đê sông Hồng cho hay: Nhà cụ lúc nào cũng trồng vài ba trăm gốc ổi ngoài bãi và cánh đồng làng. Ngày ngày các con, cháu của cụ đi bứt quả ổi rồi đem ra cho cụ ngồi bán. Trung bình mỗi ngày cụ bán được khoảng từ 50-60kg ổi găng với giá 20.000đ/kg. Như vậy, tính ra mỗi ngày gia đình cụ thu nhập ước khoảng trên 1 triệu đồng - một mức thu nhập ngoài sức tưởng tượng!
Cứ tưởng thu nhập một ngày thì cao nhưng không đều vì chỉ khi vào mùa ổi mới cho thu nhập như vậy, nhưng không phải. Ôi Đông Dư ra quả quanh năm, cho thu hoạch quanh năm. Một minh chứng là hầu như những hàng bán ổi quanh xã không thấy khi nào hết ổi bán. Ổi Đông Dư được bán tứ mùa. Vì vậy những hộ gia đình như nhà cụ Cậy thu nhập rất ổn định, trung bình mỗi năm thu nhập khoảng 3-4 trăm triệu tiền bán ổi. Vì cây ổi ít bị sâu bệnh và nếu biết cách chăm sóc thì hầu như không mất vụ bao giờ.
Ổi được bán trên Quốc lộ 1B đoạn qua huyện Gia Lâm |
Tuy vậy, ổi Đông Dư được chia thành hai vụ chính. Vụ mua thường từ tháng 3 đến tháng 7 âm lịch. Còn lại gọi là ổi chiêm. Ổi mùa khác ổi chiêm ở chỗ quả có khía như chia thành múi. Còn lại mùi vị và độ ngon hầu như ít có sự khác biệt giữa hai vụ. Cây ổi từ lúc trồng cho đến khi được khai thác hái quả chừng khoảng mười năm phải đốn đi để trồng cây mới thì mới cho ổi ngon và năng suất cao được.
Do trồng ổi cho thu nhập cao nên ở Đông Dư bây giờ nhà nhà trồng ổi. Cứ có khoảng đất trông nào là người ta lại dễ dàng thấy cây ổi hiện hữu ở chỗ đó. Phong trào trồng ổi đã khiến cho nhiều nhà lưu luyến trồng lúa lắm cũng phải bỏ mà trồng ổi theo. Bởi đâu đâu cũng thấy trồng ổi nếu một mảnh ruộng nào đó trồng lúa thì coi như trồng lúa để đãi chuột, chuột sẽ cắn phá hết.
Ổi Đông Dư ngon là vậy, nhiều người biết tiếng, nhiều gia đình phất lên nhờ cây ổi. Nhưng tất cả chỉ là sản xuất tự phát, chưa được tổ chức chặt chẽ. Khi nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới thì cụ thể như quả ổi Đông Dư cũng cần nghĩ tới bản quyền, thương hiệu và tổ chức sản xuất thì mới cho hiệu quả kinh tế ngày càng cao và lâu bền được.
Trà My