Nguyễn Ngọc Triệu có pháp danh là Thích Đồng Huệ, cựu Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (nguyên Trụ trì chùa Nôm, Hưng Yên) bị cáo buộc cầm hàng trăm ngàn USD đi giúp Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức không bị pháp luật xử lý.
Vượt giới luật, nhà sư trả giá
Theo dự kiến, ngày 17/9 tới TAND Hà Nội sẽ xét xử vụ “chạy án” với số tiền hàng triệu USD tại Bệnh viện Thủ Đức, TPHCM.
Trong vụ án này, Bùi Trung Kiên, cựu cán bộ Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an (C03) bị truy tố, xét xử về tộiLừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngoài Bùi Trung Kiên còn có Lê Thanh An, cựu cán bộ C03; Trần Văn Long - Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông Du Lịch Việt; Bùi Thị Hồng Giang - luật sư; Hà Duy Tuấn - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty Đầu tư Long Thịnh cùng bị truy tố xét xử về tội Môi giới hối lộ.
Nhân vật đặc biệt khác cùng bị truy tố về tội Môi giới hối lộ là Nguyễn Ngọc Triệu.
Trước khi vướng vòng lao lý, Nguyễn Ngọc Triệu là nhà sư, Trụ trì ở chùa Nôm (Hưng Yên). Khi đó, Triệu có pháp danh là Thích Đồng Huệ, là Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Theo cáo buộc, đầu năm 2021, cơ quan bảo vệ pháp luật xác minh các hoạt động liên quan đấu thầu ở Bệnh viện Thủ Đức. Nguyễn Minh Quân là Giám đốc bệnh viện lo sợ bị lộ các sai phạm. Vì vậy, bị can Quân đã nhờ Bùi Trung Kiên (khi đó là cán bộ C03) giúp Quân không bị điều tra.
Kiên đồng ý giúp với giá 2,2 triệu USD. Cựu cán bộ C03 sau đó được ông Quân chuyển đủ số tiền này trong 5 lần.
Tuy nhiên đến giữa năm 2021, thấy cảnh sát vẫn điều tra sai phạm của mình nên Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức đòi tiền Kiên. Kiên đã trả lại 1,15 triệu USD.
Làm việc với cảnh sát, Kiên khai không được phân công nhiệm vụ xác minh sự việc liên quan Bệnh viện Thủ Đức và ông ta “biết rõ bản thân không có khả năng và cũng không có ý định” nhờ ai xin giúp nhưng vì muốn chiếm đoạt tiền để chi tiêu cá nhân nên vẫn nhận lời “chạy án” cho ông Quân.
Diễn biến tiếp theo, ông Quân do không “nhờ” được Kiên nên sau đó gặp bị cáo Trần Văn Long. Người này lại giới thiệu ông Quân đến gặp luật sư Bùi Thị Hồng Giang tư vấn pháp lý. Vị này và bị cáo Giang ký hợp đồng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp với chi phí 1,2 tỷ đồng.
Giang sau đó đồng ý giúp ông Quân, thu phí dịch vụ 120.000 USD. Nữ luật sư tiếp đến lại nhờ Lê Thanh An, cán bộ C03 tác động trong vụ việc của ông Quân.
Tháng 7/2021, An nói có thể giúp ông Quân “thoát trách nhiệm hình sự” rồi cùng Giang, Long nhận 1,5 triệu USD của ông Quân.
Có tiền, An không trực tiếp mà tiếp tục nhờ Hà Duy Tuấn xử lý. Tuấn cầm 970.000 USD đến nhờ Nguyễn Ngọc Triệu xin giúp đỡ. Sư ông Nguyễn Ngọc Triệu nhận lời rồi lại đi nhờ một người khác giúp đỡ Quân không bị xử lý hình sự nhưng không được.
Khai với cơ quan tố tụng, ông Nguyễn Ngọc Triệu cho rằng chỉ nhận 400.000 USD của bị cáo Tuấn. Tại cáo trạng, viện kiểm sát xác nhận con số này, bác lời khai của Tuấn.
Như vậy, trong vụ án này, từ tháng 3/2021 - 7/2021, Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức đã nhiều lần đưa cho Kiên, Giang và Long số tiền 2,67 triệu USD (tương đương gần 60 tỷ đồng) để “chạy án”.
Do chủ động khai báo việc chi tiền “chạy án” nên Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức không bị truy cứu về tội Đưa hối lộ.
Tài năng sụp đổ trước khi “ngã ngựa”
Nguyên Giám đốc Bệnh viên Thủ Đức Nguyễn Minh Quân. |
Ông Nguyễn Minh Quân (sinh năm 1973) được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức, nay là Bệnh viện thành phố Thủ Đức khi mới 34 tuổi.
Ông Quân được đánh giá là người có đóng góp lớn trong việc nâng tầm bệnh viện này, đưa Bệnh viện Thủ Đức trở thành một hiện tượng của ngành y tế.
Chỉ sau hai năm làm Giám đốc, Bệnh viện Thủ Đức được nâng cấp từ hạng 3 lên hạng 2. 6 năm sau (năm 2015), Bệnh viện Thủ Đức trở thành đơn vị tuyến quận/huyện duy nhất cả nước được xếp hạng 1. Lúc bấy giờ, bệnh viện được xếp vào nhóm 10 bệnh viện hàng đầu của TPHCM về chất lượng điều trị, bệnh viện quận mổ tim hở đầu tiên cả nước.
Trong số những kỹ thuật cao mà ông Nguyễn Minh Quân triển khai tại Bệnh viện quận Thủ Đức là kỹ thuật thông tim và phương pháp nút hóa chất động mạch, trị ung thư gan gây được tiếng vang mạnh mẽ trong giới chuyên môn.
Năm 2019, Bệnh viện Thủ Đức TPHCM tiếp tục trở thành bệnh viện quận đầu tiên cả nước được giao nhiệm vụ “chỉ đạo tuyến”.
Ngoài nhiệm vụ “chỉ đạo tuyến”, Bệnh viện Thủ Đức còn được Bộ Y tế cho phép thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TPHCM và các tỉnh/thành phố khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và miền Trung – Tây Nguyên.
Đến ngày 7/11, ông Quân và Nguyễn Văn Lợi (35 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Nguyễn Tâm) bị lực lượng làm nhiệm vụ của Bộ Công an bắt tạm giam về hành vi Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 222 Bộ luật Hình sự.