Triển vọng khôi phục rừng ở Việt Nam

GD&TĐ - Theo đánh giá của tờ Người Bảo Hộ (The Guardian), Anh, việc mở rộng các đồn điền trồng cây keo đạt chứng nhận FSC tại Việt Nam không chỉ chấm dứt nạn phá rừng tại quốc gia mà còn là phương pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ rừng cho cả Tiểu vùng Sông Mekong Mở rộng.

Hiện tại, chỉ 5,4% rừng trồng của Việt Nam đạt chứng nhận FSC
Hiện tại, chỉ 5,4% rừng trồng của Việt Nam đạt chứng nhận FSC

Theo vi.wikipedia.org, Tiểu vùng Sông Mekong Mở rộng (Greater Mekong Subregion - GMS) là khu vực địa lý bao gồm các quốc gia và lãnh thổ nằm trong lưu vực của sông Mekong, bao gồm: Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma, tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc.

Từ năm 1992, với sự giúp đỡ của Ngân hàng Phát triển Châu Á, các quốc gia và lãnh thổ nói trên đã cùng nhau tiến hành các chương trình hợp tác về kinh tế, bảo vệ môi trường. Khu vực này được xem là một điểm nóng về đa dạng sinh học của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế (Conservation International) và Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (World Wide Fund For Nature - WWF). GMS có diện tích 2,6 triệu km2 với dân số khoảng 326 triệu người.

Theo giám đốc công ty lâm nghiệp Tiền Phong, tỉnh Thừa Thiên Huế, “Tất cả bắt đầu từ cây con”. Chúng được Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam tại Hà Nội nhân giống từ “cây mẹ” với tỷ lệ sống lên đến 99%.

Kể từ khi kết thúc chiến tranh chống Mỹ, các vườn ươm keo giống đã là một phần của kế hoạch phát triển kinh tế, cung cấp cây giống cho các đồn điền. Sau cải cách năm 1986, việc cải tiến kỹ thuật nhân giống càng được chú trọng.

Nhân giống cây keo trong vườn ươm ở Việt Nam
Nhân giống cây keo trong vườn ươm ở Việt Nam

Sự tàn phá của chiến tranh gây suy thoái rừng Việt Nam ở mức độ cực kỳ nghiêm trọng, đến nỗi gần như không còn rừng nguyên sinh.

Theo dự đoán của thế giới, nếu không có hành động nào nhằm bảo vệ và khôi phục rừng, không chỉ Việt Nam mà toàn bộ Tiểu vùng Sông Mekong Mở rộng sẽ trở thành một trong những “mặt trận phá rừng” nóng bỏng nhất toàn cầu trong vòng 15 năm tới.

Khôi phục các khu rừng bị suy thoái cùng hệ động thực vật tự nhiên của nó, nuôi dưỡng rừng với các vùng đệm tự nhiên là một phần của kế hoạch tái tạo rừng.

Giải pháp này vừa cung cấp hành lang quan trọng cho động vật hoang dã vừa giảm sự phụ thuộc của quốc gia vào hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.

Không chỉ thế, nhờ vào thị trường kinh doanh gỗ keo bền vững, việc phát triển các đồn điền còn giải quyết nạn phá rừng, mang đến công ăn việc làm cho 1,5 triệu hộ nông dân người Việt.

Chứng nhận bảo vệ rừng của Hội đồng Quản lý Rừng Quốc tế (Forest Stewardship Council – FSC) là chứng nhận được dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường với lợi ích xã hội của các bên liên quan.

Nó khuyến khích trồng và khai thác rừng một cách có trách nhiệm, được xem như phương pháp hữu hiệu nhất để thúc đẩy phát triển rừng, thu hút các nông hộ vào thị trường quốc tế.

Mục tiêu của Việt Nam, đến năm 2020, tăng diện tích rừng sản xuất được chứng nhận FSC lên 500.000 hecta trên tổng diện tích 6.7 triệu hecta rừng cả nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng leo thang của thị trường gỗ keo, giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo nhận định của tờ Người Bảo Hộ, để đạt được chứng nhận của Hội đồng Quản lý Rừng Quốc tế không phải chuyện dễ dàng.

Trong 15 năm tới, GSM có thể là “mặt trận phá rừng” nóng bỏng nhất

Trong 15 năm tới, GSM có thể là “mặt trận phá rừng” nóng bỏng nhất 

Trước thông tin về việc phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn của FSC, không ít hộ nông dân nhận quản lý rừng của Việt Nam cảm thấy bối rối. Hiểu biết của họ về chứng nhận FSC vẫn còn hạn chế.

Ngay cả công ty chế biến gỗ Minh An (Phú Bài, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) cũng chỉ mang chứng nhận đạt chuẩn FSC ra trình khi khách hàng yêu cầu.

Để giải quyết vấn đề này, các công ty gỗ nên cố gắng thuyết phục và hỗ trợ các chủ rừng làm giám định. Trên thực tế, việc này không gây thiệt hại cho người nào, còn nhân đôi thắng lợi nên ai nấy nhiệt tình hưởng ứng.

Chỉ trong năm 2016, 4.000 hecta keo của Việt Nam tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được FSC cấp chứng nhận. Một cây keo tuổi từ 7 đến 8 năm, dùng chế tạo đồ nội thất, sẽ thu lợi gấp đôi giá cây keo 5 năm tuổi, dùng chế tạo giấy và bột giấy.

Trước đây, sản xuất keo chỉ là một trong những lựa chọn trồng trọt của nông dân Việt Nam. Ngày nay, keo trở thành mặt hàng chuyên dụng, ổn định, theo định hướng thị trường.

Nhờ nó, thu nhập của các hộ gia đình được cải thiện. Một hộ trồng rừng có thể thu về 30 triệu đồng lợi nhuận trên 1 hecta cây keo đạt chuẩn FSC, gấp đôi so với rừng trồng keo chưa được chứng nhận.

Theo báo cáo của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên, việc tái tạo rừng vẫn còn trong giai đoạn trứng nước. Tổng diện tích rừng lấy được chứng nhận FSC của Việt Nam, tính tới tháng 3/2017, là 229.717 hecta, mới chỉ đạt non một nửa mục tiêu chính phủ đề ra cho năm 2020.

Trên tổng diện tích rừng trồng quốc gia hiện nay, 2,7 triệu hecta, chỉ có 5,4% đạt chứng nhận. Thách thức lớn nhất với Việt Nam hiện tại là làm sao mở rộng quy mô rừng đạt chuẩn FSC. Bên cạnh đó, nhà nước vẫn phải quan tâm tới cảnh quan và triệt để chấm dứt nạn phá rừng.

Trong khi các công ty đa quốc gia có thể tạo nên các chuỗi cung ứng và đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, sự thịnh vượng của rừng trong tương lai vẫn nằm trong tay hàng triệu nông hộ ở khắp nơi trên thế giới.

Họ, những người đổ mồ hôi làm việc trong rừng, giữa các đồn điền, trên mỗi cánh đồng, thật sự là nền tảng của nền kinh tế toàn cầu. Nỗ lực của các nông hộ Việt Nam là công sức tái tạo rừng bền vững đáng được ghi nhận. Nó mở ra cơ hội lớn cho việc khôi phục và bảo vệ rừng toàn khu vực Tiểu vùng Sông Mekong.

Triển vọng khôi phục rừng ở Việt Nam ảnh 3Triển vọng khôi phục rừng ở Việt Nam ảnh 4Triển vọng khôi phục rừng ở Việt Nam ảnh 5Triển vọng khôi phục rừng ở Việt Nam ảnh 6
Theo Theguardian.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ